Mỹ áp đặt trừng phạt mới với Nga

Thứ Hai, 23/12/2019, 16:19
Ngày 17-12, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt đối với đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Các biện pháp trừng phạt này nhằm vào các công ty hợp tác xây dựng đoạn đường ống dưới biển Baltic trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Một trong những mục tiêu chính mà Mỹ muốn nhắm đến là Allseas, một công ty Thụy Sĩ sở hữu tàu rải ống lớn nhất thế giới, Pioneering Spirit, được Gazprom của Nga thuê để xây dựng đoạn đường ống dưới biển. Các biện pháp trừng phạt của Quốc hội Mỹ bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ của các nhà thầu tham gia dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Luật trừng phạt đã được bỏ phiếu tại Thượng viện với đa số tuyệt đối (86 phiếu thuận, 8 phiếu chống). Đây là một phần của luật quốc phòng Mỹ. Luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào tuần trước nhưng vẫn chưa được Tổng thống Donald Trump ký ban hành.

Các lệnh trừng phạt là một phần của gói “răn đe chống xâm lược từ phía Nga”. Dòng chảy phương Bắc 2 là “mối đe dọa đối với an ninh năng lượng châu Âu”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Jim Risch cho biết.

Đã được xây dựng hơn 80%, đường ống ngầm dưới biển nối Nga đến bờ biển Đức dự kiến sẽ mở van trong những tuần tới và tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên của Nga chuyển sang Tây Âu thông qua Đức, quốc gia tiêu thụ chính từ dự án này. Dòng chảy phương Bắc 2 có công suất 110 tỷ m3 mỗi năm. Nhưng đối với Washington và một số nước châu Âu như Ba Lan, các nước Baltic và Ukraine, đường ống này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga.

Tàu rải ống Pioneering Spirit được Gazprom của Nga thuê để xây dựng đoạn đường ống dưới biển Baltic.

Họ cho rằng Moscow có thể sử dụng khí đốt như một vũ khí để gây áp lực chính trị với châu Âu. Ngoài ra, những nước phản đối còn cho rằng Dòng chảy phương Bắc 2 khiến đồng minh Ukraine của họ bị mất nguồn thu đáng kể từ việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu.

Những biện pháp trừng phạt không những khiến Nga bực bội mà còn khiến các nước châu Âu không “hài lòng”. Giống như lãnh đạo các nước EU, ngày 18-12, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa nói rằng bà “phản đối các biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ của Mỹ” và bày tỏ “bác bỏ cách làm này”. Ngoài ra, Thủ tướng Đức nói thêm rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán khí đốt giữa Nga và Ukraine.

Đức coi đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 rất quan trọng cho việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của mình. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas, chính sách năng lượng của châu Âu “được quyết định ở châu Âu chứ không phải ở Mỹ”.

Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Các công ty Đức ở Đông Âu (OAOEV), Oliver Hermes cho biết việc áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ đối với đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ là một cú đánh mạnh vào chủ quyền của EU. Theo ông, những biện pháp này sẽ đẩy giá nhiên liệu ở châu Âu tăng lên và làm tổn thương các dự án của Mỹ ở châu Âu. Tất cả các giấy phép cần thiết cho việc xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 đã được cấp, do đó, các động thái của Mỹ chỉ có thể là coi là sự phá hoại quan hệ xuyên Đại Tây Dương, ông Hermes nói.

Với những người ủng hộ Dòng chảy phương Bắc 2, việc vận hành đường ống này trở nên hợp lý hơn bao giờ hết vì nó cho bỏ qua lãnh thổ Ukraine, quốc gia từng gây rất nhiều phiền phức cho nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu. Trong những năm 2000, xung đột giữa Moscow và Kiev đã khiến nguồn cung khí đốt cho châu Âu liên tiếp bị gián đoạn.

Ngày 31-12-2019, hợp đồng trung chuyển khí đốt giữa Nga và Ukraine hết hạn. Hiện Nga-Ukraine đang tiến hành đàm phán để gia hạn dưới sự trung gian của EU. Nếu các cuộc đàm phán đang diễn ra thất bại, nguồn cung khí đốt cho EU có thể bị ảnh hưởng một lần nữa. Dự đoán trước một kịch bản như vậy, người châu Âu đã đổ đầy các kho dự trữ chiến lược của họ, mặc dù các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn.

Thủ tướng Đức cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra trong bầu không khí “tương đối lạc quan”. Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra trong tuần này tại Berlin. Tuy nhiên, bà Merkel cho biết lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán khí đốt giữa Nga và Ukraine.

Đối với một số nhà quan sát, ngoài cuộc xung đột địa chính trị với Nga, sự phản đối của Mỹ đối với Dòng chảy phương Bắc 2 là một phần của cuộc tấn công thương mại từ Mỹ: Washington, một nhà sản xuất khí đốt lớn, muốn tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu không dại gì vì giá khí đốt của Mỹ bán cho họ cao hơn nhiều của Nga.

Phát biểu trong chuyến thăm Litva hồi tháng 9, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry cho rằng Dòng chảy phương Bắc 2 đi qua biển Baltic và đường ống Turk Stream “sẽ cho phép Moscow ngừng vận chuyển khí qua Ukraine”. “Nga tìm cách đưa một tuyến đường dẫn khí vào sâu châu Âu và đánh vào trung tâm của sự ổn định và an ninh năng lượng của châu Âu”, ông Perry nói. Hoa Kỳ “sẵn sàng và có thể” tăng cường an ninh năng lượng cho châu Âu bằng cách cung cấp các nguồn thay thế, cụ thể là LNG và công nghệ hạt nhân dân sự, ông Perry nói.

Ngày 18-12, ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin tố cáo những biện pháp trừng phạt của Mỹ là “một sự vi phạm rõ ràng của luật pháp quốc tế” và “một minh họa rõ nét về cạnh tranh không lành mạnh”. “Chúng tôi chắc chắn rằng dự án sẽ thành công”, ông Peskov khẳng định.

Dòng chảy phương Bắc 2 có mức đầu tư khoảng 10 tỷ euro, một nửa do Gazprom tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell). Ngày 19-12, Bloomberg dẫn hai nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết, Washington đã thừa nhận thất bại trước việc ngăn chặn dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga nhưng các lệnh trừng phạt này có lẽ muốn ngăn những dự án tương tự của Nga trong tương lai và trước mắt là một dự án đường ống khí đốt khác của Nga, Turk Stream, nối Nga với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Biển Đen.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.