Mỹ "bật đèn xanh" cho Israel tấn công Iran?

Thứ Hai, 20/07/2009, 17:40
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC hôm 6/7, phó Tổng thống Mỹ, Joe Biden, đã có những phát biểu đầy ẩn ý rằng: "Israel có thể tự mình quyết định điều có thể hoặc không thể làm nếu như nước này cho rằng sự tồn tại của mình bị đe dọa bởi Iran...". Lời phát biểu này được đánh giá là một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ với Iran.

Tờ Le Figaro của Pháp bình luận rằng, Iran cần phải xem xét nghiêm túc lời phát biểu này của ông Joe Biden. Tờ báo này cho biết, ở Washington, Joe Biden là một trong những nhân vật ít cứng rắn với Iran nhất.

Tháng 1/2004, Thượng nghị sĩ Biden đã gặp Ngoại trưởng Iran thời đó là Kamal Kharazzi, bên lề hội nghị Davos tại Thụy Sĩ. Đây là cuộc gặp hiếm hoi nhất giữa đại diện hai nước vốn cắt đứt quan hệ ngoại giao từ 30 năm nay. Khi đó, ông Biden tuyên bố rất thấu hiểu những khát vọng an ninh của Iran.

Mới đây, cuối tháng 10/2008, ngay trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, ông Joe Biden vẫn còn điện thoại cho một trong những người bạn của mình ở Tehran, cựu Đại sứ Iran tại Paris, Sadegh Kharazzi, mà ông Biden đã thường xuyên tiếp xúc khi người này là đại diện của Iran tại Liên Hiệp Quốc cuối thập niên 90.

Theo Thượng nghị sĩ John Kerry hay cựu Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, Anthony Lakes, thì ông Joe Biden từ lâu vẫn duy trì một thái độ ôn hòa với Iran. "Nhưng nay với phát biểu trên, “con bồ câu” - Joe Biden đã biến thành diều hâu" -  báo Le Figaro bình luận.

Tuy nhiên, những phát biểu trên của ông Biden lại được Tehran hiểu rằng, đó chính là “tín hiệu đèn xanh” mà Mỹ cho phép quân đội Israel đánh bom các cơ sở hạt nhân của Iran, vốn bị cộng đồng quốc tế vẫn nghi ngờ là phục vụ cho mục tiêu quân sự của Tehran.

Đang ở thăm Nga, ngày 7/7, phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Tổng thống Barack Obama cho biết, nước Mỹ tuyệt đối không “bật đèn xanh” cho Israel tấn công Iran mà một lần nữa nhắc lại quan điểm đối thoại của Nhà Trắng với Iran về vấn đề hạt nhân.

"Bất chấp những gì diễn ra hậu bầu cử tại Iran vừa qua, chúng tôi vẫn để mở khả năng đàm phán với chính quyền Tehran" - ông Obama khẳng định trước khi cho biết thêm rằng, ông đang chờ đợi một kết quả cụ thể về tiến trình đối thoại giữa Washington và Tehran từ nay đến cuối năm 2009, nếu thất bại, Mỹ sẽ không loại trừ một loạt các biện pháp trừng phạt Iran.

Nhưng theo báo Haaretz của Israel, các nhà thương thuyết Mỹ có thể đã cho giới chức quân sự của Israel biết rằng họ hoài nghi về cơ hội thành công của cuộc đàm phán giữa WashingtonTehran. Vấn đề hiện nay đối với Mỹ theo tờ báo này là khó có thể đưa ra một giọng điệu cứng rắn hơn, ít nhất là trong thời gian này, do lo sợ Tehran sẽ coi đề xuất đối thoại của Mỹ là không nghiêm túc.

Trong khi đó, tờ Haaretz (7/7/2009) tiết lộ rằng Nhà nước Do Thái đã yêu cầu các đồng minh của mình, mà đứng đầu là Mỹ, chuyển sang phương án dự trù trong hồ sơ hạt nhân của Iran sau khi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tái đắc cử nhiệm kỳ hai đầy tranh cãi: "Israel đang tìm kiếm một kế hoạch B trong trường hợp các cuộc thương lượng giữa Mỹ và Iran và vấn đề hạt nhân bị thất bại". Kế hoạch này, theo Israel, sẽ bao gồm cả những "biện pháp trừng phạt gây tê liệt".

Haaretz cho biết sau những sự kiện diễn ra gần đây tại Iran, "các cơ quan tình báo Israel nhận định cơ hội thành công của cuộc đàm phán trên sẽ bằng không". Vấn đề còn lại là liệu kế hoạch B có bao hàm việc tấn công vào lãnh thổ Iran hay không mà thôi. Trong khi đó theo báo Sunday Times (5/7/2009), nếu điều này xảy ra, Arập Xêút có thể sẽ cho phép Chính phủ Israel mượn bầu trời của nước này để tấn công Iran. Cũng có nguồn tin cho biết một tàu ngầm của Israel đã vượt biển Đỏ và đang tiến về vùng biển của Ai Cập chuẩn bị cho một cuộc tấn công Iran.

Chính quyền Tel-Aviv cho rằng, việc Iran có bom nguyên tử sẽ là một mối đe dọa đối với sự tồn tại của Israel. Nhất là trong bối cảnh Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã khẳng định cần phải xóa tên Israel trên bản đồ thế giới.

Lên nhậm chức từ tháng 3/2009, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố nước này không thể chấp nhận mối đe dọa nói trên và không loại trừ khả năng tấn công quân sự nhắm vào Iran để không cho Tehran sở hữu vũ khí nguyên tử. Các cơ quan tình báo của Israel hồi giữa tháng 6 vừa qua cho rằng Iran sẽ sản xuất được 1 quả bom nguyên tử vào năm 2014. Phương Tây và Israel nghi ngờ Iran tìm cách chế tạo vũ khí nguyên tử trong khi đó Tehran luôn khẳng định là các chương trình hạt nhân của nước này là nhằm mục đích dân sự, sản xuất điện.

Cho đến nay Israel là quốc gia sở hữu hạt nhân duy nhất trong khu vực, mặc dù không chính thức công bố, và không muốn bất cứ nước nào khác trong vùng sở hữu loại vũ khí này, nhất là Iran. Còn nhớ năm 1981, máy bay của Israel đã ném bom lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq. Mới đây, tháng 9/2007, Israel cũng đã san bằng một địa điểm ở Syria mà theo tình báo Mỹ là nơi đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân với sự trợ giúp của CHDCND Triều Tiên.

Trước tình hình căng thẳng gia tăng về khả năng tấn công của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran, nhiều quan chức quân sự của cả Mỹ và Israel đều cho rằng, nếu điều đó xảy ra sẽ là một thảm họa cho cả vùng Trung Đông.

"Cả Mỹ và Israel đều biết rằng hậu quả của một quyết định sai lầm sẽ như thế nào" - ông Aladdin Broujerdi, Chủ tịch Ủy ban thượng viện Israel về vấn đề an ninh quốc gia, bình luận. Còn Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Michael Mullen, thì khẳng định, một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ gây ra sự bất ổn cực kỳ nghiêm trọng và không thể báo trước được những hậu quả của nó.

Giới quan sát cho rằng, những phát biểu mới đây của Phó tổng thống Mỹ và việc tiết lộ thông tin về khả năng tấn công Iran của Israel rõ ràng đã được dàn xếp trước nhằm gây áp lực với Tehran, đồng thời dọn đường dư luận cho khả năng tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của nước này nếu cuộc đàm phán Mỹ - Iran từ nay đến cuối năm vẫn không có được tiếng nói chung. Chính phủ Iran vẫn chưa có phản ứng gì trước những thông tin trên

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.