Mỹ bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran?

Thứ Năm, 12/10/2017, 09:09
Ngày 15-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đưa ra đánh giá và quyết định về tương lai của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) trước quốc hội.

Dư luận cho rằng ông chủ Nhà trắng có thể sẽ tuyên bố “rút khỏi" thỏa thuận được biết đến là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), động thái được xem là khởi động quá trình kéo dài 60 ngày ở Quốc hội Mỹ nhằm xem xét các bước tiếp theo của Washington.

Khoảng lặng trước cơn bão

Mặc dù chưa thông báo cụ thể, song giới phân tích cho rằng “đây có thể là khoảng lặng trước cơn bão”. Trước thời hạn chót, ông Trump đã không hề đưa ra đánh giá của mình, nhưng các quan chức Nhà Trắng vẫn tỏ ra rất thận trọng bởi lẽ trước đó, trong cuộc họp với giới lãnh đạo quân sự về một quyết định chính sách đối ngoại, được xem là sẽ có tác động mạnh mẽ nhất kể  từ khi lên nắm quyền đầu năm nay, ông Trump từng nói rằng: “Họ (Iran) không tôn trọng tinh thần của thỏa thuận. Tehran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và gieo rắc bạo lực cũng như bất ổn khắp Trung Đông. Đó là lý do vì sao chúng ta phải chấm dứt hành vi hung hăng không ngừng cũng như tham vọng hạt nhân của Iran”.

Có thể thấy chính quyền Trump đang tìm mọi lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận này bất chấp việc tất cả các bên tham gia ký kết JCPOA, ngoại trừ Mỹ, đều nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải được duy trì.

Trước thời hạn chót ông Trump phải đưa ra quyết định về thỏa thuận hạt nhân Iran, hàng loạt cuộc tranh luận căng thẳng tại Nhà Trắng đã bùng phát và những cuộc vận động ráo riết đã diễn ra ở Quốc hội. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford đã công khai ủng hộ thỏa thuận trong khi các nhà ngoại giao và đại sứ châu Âu cũng phản đối ý tưởng gia tăng trừng phạt để nhắc nhở Iran về sự cương quyết của Mỹ.

Giới phân tích nhận định: “Nếu ông Trump tuyên bố Iran không tôn trọng thỏa thuận, Quốc hội Mỹ có thể tái áp đặt các lệnh trừng phạt, gián tiếp phá bỏ thỏa thuận hạt nhân mới đạt được hơn 2 năm qua. Đây sẽ là một cái tát nhằm thẳng vào Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) khi họ đưa ra nhận định hoàn toàn trái ngược. Điều này cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng với không chỉ Tehran mà còn cả với các cường quốc ở châu Âu, cũng như Nga và Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp với quan chức quốc phòng cấp cao tại Nhà Trắng.

Theo các chuyên gia, sự hấp tấp của chính quyền Trump đang phơi bày cuộc khủng hoảng của Mỹ trong bối cảnh cường quốc này tìm cách dùng sức mạnh quân sự để ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng vốn đang bị thu hẹp, bất chấp hậu quả đối với những kẻ thù của mình, điều có thể sẽ càng đẩy Mỹ tới nhiều rủi ro hơn.

Với Iran, không thể tiên lượng điều gì sẽ xảy ra nếu Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới. Tehran cho rằng một quyết định như vậy có thể được xem như Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 và điều này có thể sẽ để lại những hậu quả khôn lường, thậm chí nếu Washington liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố, lực lượng này cũng sẽ coi quân đội Mỹ là một tổ chức khủng bố trong khu vực, khi đó mọi cơ hội hợp tác giữa hai bên sẽ "xóa bỏ vĩnh viễn".

Những hậu quả tiềm ẩn

Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế IAEA Ali Akbar Salehi thừa nhận: “Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và châu Âu chấp nhận, thì thỏa thuận này chắc chắn sẽ sụp đổ và Iran sẽ quay trở lại tiềm lực hạt nhân như nước này sở hữu trước kia và nói một cách chính xác thì sẽ ở cấp độ cao hơn nhiều”.

Mỹ có thể chưa chuẩn bị cho những tác động của việc Iran theo đuổi một chương trình hạt nhân “được cởi trói”, vượt ra khỏi khả năng của Washington để thắt chặt trừng phạt kinh tế, sử dụng sức mạnh kinh tế và hỗ trợ những nỗ lực nhằm gây bất ổn cho Iran trong mưu đồ nhằm thay đổi chế độ Tehran.

Ẩn đằng sau cuộc chiến về tương lai của thỏa thuận hạt nhân với Iran là một vấn đề không mấy liên quan trực tiếp nhưng không kém phần quan trọng: Đó là tương lai của cấu trúc năng lượng Âu - Á. Những nỗ lực của Mỹ nhằm hủy bỏ thỏa thuận này và việc châu Âu chấp nhận làm theo những biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể đẩy Iran nghiêng về phía Trung Quốc hơn là châu Âu trong việc phân bổ nguồn dư thừa khoảng 24,6 tỷ m3 khí đốt tự nhiên trong 5 năm tới.

Các chuyên gia nghiên cứu về năng lượng nhận định: “Tehran sẽ phải đối mặt với sự lựa chọn địa chính trị quan trọng cho thị trường xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ của mình. Iran sẽ có thể xuất khẩu khí đốt đến 2 trong số 3 thị trường sau: Một là Liên minh châu Âu (EU)/Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự án Hành lang khí đốt phương Nam tập trung ở tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans-Anatolian của châu Âu đi qua Thổ Nhĩ Kỳ; hai là Ấn Độ thông qua đường ống Iran-Oman-Ấn Độ và ba là Trung Quốc thông qua Turkmenistan hoặc Pakistan.

Mỗi hệ thống dẫn dầu và khí đốt thuộc khu vực Âu Á nói trên sẽ chảy về EU hay Trung Quốc ở mức độ nhiều ít như thế nào phụ thuộc vào việc mỗi hệ thống giành được lượng khí đốt xuất khẩu chạy qua đường ống Caspia đến 3 thị trường tương ứng nói trên ở mức độ như thế nào”.

Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế như một phần của thỏa thuận hạt nhân này đã trao cho Iran những quyền lợi của riêng mình để đạt được tiềm lực hạt nhân của mình theo cách giúp Tehran đạt được thế đối trọng với Trung Quốc và châu Âu.

Một châu Âu không thể phát triển mối quan hệ kinh tế với nước cộng hòa Hồi giáo này, kể cả việc mở rộng cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí đốt, có thể làm suy yếu những tính toán của Iran (đối với EU) để nghiêng về Trung Quốc với những lợi ích mà Bắc Kinh đem lại.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.