Mỹ cảnh báo tổ chức Hezbollah bành trướng khắp châu Âu

Thứ Bảy, 15/09/2012, 16:50

Khi giới chức Mỹ lên tiếng cảnh báo về sự lan rộng của nhóm chiến binh Hezbollah người Shiite, hàng ngàn thành viên của tổ chức này cũng như những người ủng hộ chỉ hoạt động có giới hạn ở châu Âu, với mục đích quyên góp tiền bạc giúp đỡ cho giới lãnh đạo ở Liban. Cộng đồng tình báo Mỹ thì cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa có sự quan tâm đề phòng đúng mức trong khi tiếp tục coi Hezbollah chỉ là phong trào xã hội và chính trị của Liban.

Tình báo phương Tây cho biết, sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ, Hezbollah duy trì sự có mặt tương đối thấp ở châu Âu, và chủ yếu tổ chức những cuộc họp mặt quyên góp tiền bạc gửi về Liban để giúp giới lãnh đạo tổ chức xây dựng trường học, bệnh viện và các dịch vụ xã hội đồng thời có khả năng tài chính để... tiến hành những cuộc tấn công khủng bố.

Khi Israel ngày càng mong muốn tiến hành cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran, giới chuyên gia phân tích tình báo cảnh báo Iran và Hezbollah sẽ có sự đáp trả dữ dội nhằm vào những mục tiêu ở nước ngoài.

Giới chức Israel và Mỹ cáo buộc Iran và Hezbollah đứng đằng sau cuộc đánh bom chiếc xe buýt ở Bulgaria vào tháng 7 vừa qua giết chết 6 người trong đó có 5 du khách người Israel, đồng thời cho rằng cuộc tấn công chỉ là một phần trong những âm mưu khủng bố khác ở Thái Lan, Ấn Độ, Cyprus và những nơi khác. Hezbollah có mặt ở khắp nơi trên thế giới, trong đó nước Đức là trung tâm hoạt động của tổ chức này với khoảng 950 thành viên.

Người biểu tình giơ cao bức ảnh Hassan Nasrallah của Hezbollah ở Berlin.

Cơ quan Tình báo nội địa Đức (BfV) cũng thường xuyên đề cập đến tổ chức Hezbollah trong các báo cáo thường niên của họ về các mối đe dọa an ninh nước Đức. Vào sự kiện Ngày Jerusalem vừa qua ở Đức, những người ủng hộ Hezbollah đã tổ chức cuộc tuần hành nhằm phản đối sự ảnh hưởng của người Israel ở Berlin. Alexander Ritzmann, cố vấn chính sách của Tổ chức Dân chủ châu Âu (EFD) đặt trụ sở ở Brussels (Bỉ), tuyên bố sự hiện diện từ lâu của mạng lưới điệp viên Hezbollah ở châu Âu là có thật.

Các nỗ lực của phương Tây nhằm giải quyết vụ đánh bom chiếc xe buýt ở Bulgaria và cuộc xung đột đẫm máu ở Syria càng trở nên phức tạp khi EU không sẵn lòng đưa Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố của khối này. Một tuần sau khi xảy ra vụ đánh bom chiếc xe buýt, Ngoại trưởng Avigdor Lieberman của Israel đã có chuyến đi đến Brussels để gặp mặt giới chức châu Âu và kêu gọi EU sớm đưa Hezbollah vào danh sách khủng bố của khối. Nhưng EU đã làm ngơ trước yêu cầu khẩn thiết từ phía Israel.

Sự khác biệt nổi bật trong quan điểm các bên phản ánh nhiều vai trò của Hezbollah khi nhóm này hình thành ở Liban sau cuộc xâm lược của Israel vào năm 1982. Bộ phận chiến binh của Hezbollah chịu trách nhiệm tiến hành những vụ bắt cóc và đánh bom khủng bố trong nước cũng như nước ngoài. Nhưng Hezbollah cũng đang trở thành nguồn cung cấp những dịch vụ xã hội thiết yếu cho người dân Liban khi chính quyền nước này không có khả năng đảm đương, và cũng kể từ đó, thành viên của tổ chức này bước vào chính trường với hai bộ trưởng và khoảng chục chiếc ghế trong Quốc hội Liban.

Chiếc xe buýt bị đánh bom ở Bulgaria.

Theo đánh giá của Stephan Rosiny, chuyên gia nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu toàn cầu và khu vực của Đức đặt trụ sở tại thành phố Hamburg, thành viên Hezbollah rất chuyên nghiệp trên chính trường và điều này gây ấn tượng tích cực đến giới chính khách phương Tây.

Trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ, tổ chức Al-Qaeda đã duy trì cơ sở truyền thông đại chúng ở thủ đô London của Anh, và nhiều kế hoạch tấn công khủng bố diễn ra ở thành phố Hamburg của Đức, nơi thủ lĩnh khủng bố Mohammed Atta từng sinh sống. Trong nhiều năm qua, giới chức Mỹ đã phàn nàn nhiều về việc chính quyền Đức không sẵn lòng xử lý những doanh nghiệp cố tình tránh né lệnh trừng phạt chống Iran. Và sức ép từ Washington đã có hiệu quả khi vào năm 2011, Berlin đồng ý đưa Ngân hàng Thương mại châu Âu - Iran đặt trụ sở ở Hamburg vào danh sách đen của EU.

Mới đây, Cảnh sát Đức cũng bắt giữ 4  nghi can gửi thiết bị van đến Iran để giúp nước này xây dựng một lò phản ứng nước nặng. Một số chuyên gia chống khủng bố ở Berlin, như là Berndt Georg Thamm, cho rằng các nhóm người Shiite như là Hezbollah ít nguy hiểm hơn các tổ chức chiến binh như Al-Qaeda.

Hassan Nasrallah, lãnh đạo Hezbollah, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự ủng hộ nhóm ở châu Âu.

Daniel Benjamin, chuyên gia chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết người Mỹ đang lo ngại về mối đe dọa của Hezbollah đối với châu Âu hơn chính người châu Âu. Theo Benjamin, Hezbollah có thể tấn công châu Âu hay những nơi khác vào bất cứ lúc nào mà ít có sự cảnh báo hay thậm chí không cảnh báo. Giới chức Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ buộc tội Hezbollah đang hợp tác với lực lượng Quds Force của Lực lượng Vệ binh Cách mạng ở Iran để huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng chính quyền Syria.

Trong khi người Anh phân biệt rõ ràng giữa hai cánh này, và chỉ đưa cánh chiến binh vào danh sách khủng bố thì khi người Pháp lại nhận thấy sẽ không thông minh khi đưa Hezbollah vào danh sách đen bởi vì đó là một tổ chức chính trị. Còn những người hoài nghi ở châu Âu tin rằng, Hezbollah đã trở thành một tổ chức chính trị và từ bỏ quá khứ khủng bố

Thục Miên (tổng hợp)
.
.