Mỹ “đắp đê bao” cô lập Venezuela

Thứ Sáu, 20/05/2005, 15:23
Từ ngày 26 đến ngày 30/4 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã  có chuyến công du đến 4 nước trong khu vực Mỹ Latinh (Brazil, Chile, ColombiaSalvador). Theo đánh giá của giới bình luận quốc tế, chuyến công du này - được báo chí Mỹ hô hào là nhằm mục đích “củng cố nền dân chủ” - thực chất là Mỹ đang tìm cách đối phó, cô lập Venezuela của Tổng thống Hugo Chavez.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công tác với bận tâm chính “cô lập Venezuela” của vị Ngoại trưởng Mỹ là Brasilia, Brazil, kế đến là Chile, Colombia và kết thúc tại Salvador ngày 30/4. Đây là 4 nước có nền kinh tế và tầm ảnh hưởng lớn  trong khu vực. Điểm chung giữa các nước này là đều có một mối quan hệ ít căng cẳng, thậm chí tốt với Washington và có sức ảnh hưởng khá lớn đối với các nước khác trong khu vực. 
 

Colombia của Tổng thống Alvaro Uribe chưa bao giờ đồng ý cho dẫn độ nhiều tay trùm buôn lậu  ma túy về Mỹ như trong thời gian gần đây (trên 170 tên trong vòng 2 năm). Về phần Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, mặc dù nổi tiếng là người không ưa việc toàn cầu hóa nhưng lại bằng lòng một cách lạ thường ngồi vào bàn đàm phán với ông Bush có quan điểm đối lập về vấn đề toàn cầu hóa (đã có 2 cuộc hội đàm song phương giữa hai nhà lãnh đạo Brazil và Mỹ trong thời gian gần đây).

 

Đối với Chile, một trong số ít quốc gia trong  khu vực, theo Mỹ, vừa có mức tăng trưởng đáng kể về kinh tế, vừa có nhiều tiến bộ trong vấn đề dân chủ hóa. Chile đã ký một hiệp ước song phương về thương mại tự do với Mỹ. Nói tóm lại, người Mỹ gọi ChileIsrael của Mỹ Latinh.

Bà Rice công khai tuyên bố mục đích của chuyến thăm là mang tới bức thông điệp trong đó nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không quên lãng những người láng giềng phía nam, cho dù các lợi ích địa chiến lược của Mỹ đã ngả sang Trung Đông và Bắc Á. Đây là lần đầu tiên Mỹ viếng thăm những nước Mỹ Latinh với mục tiêu khác với truyền thống. Từ trước đến nay, hầu hết các chính khách Mỹ công du tới các nước trên không nhằm mục đích tư hữu hóa nền kinh tế, thì cũng là ký kết thương mại hoặc bàn về những quy định thuế quan.

Theo các nhà phân tích, Washington có lý do để lo ngại vấn đề dân chủ ở Mỹ Latinh. Chẳng hạn mới đây, Tổng thống hợp hiến ở Ecuador, ông Lucio Gutierrez, đã phải chạy sang Brazil xin tị nạn nhằm tránh bị trừng phạt bởi các phe phái chính trị trong nước và trước làn sóng biểu tình bạo động của một bộ phận nhân dân chống đối. Mỹ lo ngại rằng sự bất ổn chính trị và xã hội sẽ tác động tiêu cực đến một số nước trong khu vực.

Đặc biệt, bà Rice tuyên bố Mỹ lấy làm lo lắng những tiến triển trong nước gần đây ở Venezuela và nhất là trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Từ lâu, Venezuela luôn là cơn ác mộng của Washington tại khu vực Mỹ Latinh. Tổng thống Hugo Chavez là một cái gai trong mắt ông Bush, mà chuyến công du lần này của bà Rice không ngoài mục đích nhổ cái gai giúp vị chủ soái. Sự căng thẳng giữa CaracasWashington chỉ thực sự bùng phát sau cuộc đảo chính bất thành chống lại Tổng thống Hugo Chavez vào năm 2002.

Caracas tố cáo Washington thao túng vụ này. Để phản đòn, Tổng thống Chavez lên đài Arập al-Jezira tố cáo mưu đồ ám sát nguyên thủ quốc gia khác. Gần đây, hành động chống trả của Venezuela có phần mạnh hơn khi ngày 24/4 vừa rồi, tố cáo các hoạt động gián điệp của Mỹ, Caracas tuyên bố chấm dứt mọi quan hệ hợp tác quân sự với Washington, đồng thời trục xuất tất cả các huấn luyện viên quân đội Mỹ ra khỏi Venezuela.

Chưa hết, TT Hugo Chavez còn đe dọa sẽ sử dụng vũ khí dầu lửa để chống lại Washington. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng đòn phản công này của ông Chavez xem ra không được lợi cho lắm vì đúng là 11,8% lượng dầu thô của Mỹ phải nhập từ Venezuela, nhưng con số này tương đương với 60% lượng dầu xuất khẩu của Venezuela. Tuy vậy, ông Chavez cho rằng, không bán cho Mỹ thì bán cho nước khác, có thiếu gì người mua. Trong chuyến viếng thăm gần đây của TT Venezuela đến các nước như Trung Quốc và Ấn Độ là bước đầu khai hỏa vũ khí dầu lửa với Washington.

Trong bối cảnh đó, thông qua chuyến đi này bà Rice hy vọng các đối tác quan trọng của mình ở khu vực sẽ ủng hộ các nỗ lực của Mỹ trong việc thúc đẩy nền dân chủ ở Venezuela bằng cách gây sức ép và cô lập buộc Tổng thống Hugo Chavez phải chấm dứt các hành động kiểm soát chính trị, kinh tế. Theo bà Rice, xu hướng chính trị của ông Chavez sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định và phát triển dân chủ của khu vực.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng điều mà bà Rice lo ngại chính là thái độ thù địch và kêu gọi thế giới chống Mỹ của ông Chavez. Chính thái độ chống Mỹ này mà tạp chí Time đã đưa ông Chavez vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong năm 2005. Trong khi đó, Mỹ hình như không biết làm thế nào để ngăn chặn ảnh hưởng đó giữa lúc Nga và Tây Ban Nha lại bán vũ khí cho Venezuela, còn Trung Quốc và Ấn Độ thì cố gắng tranh giành nguồn cung dầu mỏ lớn hàng thứ 5 thế giới này.

Ngoài miệng bà Rice tuyên bố Mỹ mong muốn cải thiện quan hệ tốt đẹp với Venezuela, nhưng thực chất Washington đã thừa nhận không thể kéo dài mối quan hệ khó chịu này với Caracas.  Vậy nên, chiến lược lâu dài của Mỹ là phải tìm cách thanh toán ông Chavez. Chuyến thăm hồi tháng trước của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tới Brasilia để yêu cầu sự giúp đỡ của TT Lula trong vấn đề Venezuela.


Chuyến thăm vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Rice cũng nằm trong chiến lược “đắp đê bao, cô lập” Venezuela dưới cái vỏ bọc hoa mỹ được Washington rêu rao là củng cố nền dân chủ ở Mỹ Latinh

Quốc Hùng
.
.