Mỹ đề nghị thành lập ngân hàng hạt nhân

Thứ Năm, 16/04/2009, 19:40
Vấn đề vũ khí hạt nhân trên thế giới thời gian gần đây lại nóng lên với vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên, tình hình Iran và sự đáo hạn của Hiệp ước giảm vũ khí chiến lược (START) giữa Nga và Mỹ... Trước tình hình này nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU vừa qua tại CH Séc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra viễn cảnh về một thế giới phi hạt nhân, trong đó nhắc lại ý tưởng thành lập một ngân hàng hạt nhân.

Thực ra đây không phải là một sáng kiến hoàn toàn mới mẻ, nhưng khác với các lần đề xuất trước, đề nghị đợt này của Mỹ đã nhận được sự đồng tình của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad về việc thành lập một nơi tích trữ tất cả uranium tinh luyện trên thế giới và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng quốc tế tại Kazakhstan.

Tháng 10/1977, trong phiên họp toàn thể hội nghị quốc tế (40 nước tham gia) bàn về việc đánh giá quy trình sản xuất năng lượng nguyên tử do Mỹ tổ chức, Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter đã lần đầu tiên đề xuất việc thành lập một ngân hàng nguyên tử. Tuy nhiên, đó mới chỉ là đề xuất quản lý nguồn nguyên liệu hạt nhân dân sự.

Năm 2006, một vài nước châu Âu như Anh, Pháp và Đức chia sẻ với Mỹ mối nghi ngờ về chủ đích của Iran, nhất là sau một loạt những động thái cứng rắn của Tổng thống tân cử Mahmoud Ahmadinejad, tuyên bố rằng Israel nên bị xóa khỏi bản đồ thế giới. Tình hình hạt nhân tại Iran khi đó trở thành vấn đề nóng bỏng của thế giới.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy lúc đó cho rằng thể theo những hiệp ước quốc tế, Iran có quyền phát triển hạt nhân dân sự chứ không thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Ông Sarkozy cũng đưa ra đề nghị thế giới cần thành lập một ngân hàng nhiên liệu hạt nhân.

Tháng 9/2008, Mỹ thông báo ý định giải ngân 50 triệu USD để thực hiện việc thành lập một ngân hàng hạt nhân đặt dưới sự giám sát của Hội đồng các nhà quản lý trực thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và mời các quốc gia khác tham gia vào việc thành lập một ngân hàng như vậy. Một số quốc gia cũng đã chi từ 5 đến 10 triệu USD để thực hiện việc này. Tuy nhiên, tất cả đều giậm chân tại chỗ.

Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc với các nước EU, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi nói về việc giải giới vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới cũng đã đề xuất một ngân hàng quản lý các nguồn nguyên liệu hạt nhân.

Phản ứng sau đề nghị trên của Mỹ, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong chuyến thăm chính thức Kazakhstan hôm 7/4 tuyên bố Iran ủng hộ đề nghị thành lập một nơi tích trữ tất cả uranium tinh luyện trên thế giới. Ông Ahmadinejad nói Iran cho đây là một ý kiến rất tốt.

Sơ đồ phân bố lượng uranium trên thế giới.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama đã đề nghị mở một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Mỹ và Iran sau nhiều thập niên chống đối nhau.

Iran nói nước này sẵn sàng xem xét việc ngưng tinh luyện uranium nếu được bảo đảm sẽ được cung cấp nguyên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, Iran cũng đã chống lại áp lực của thế giới và nói nước này có quyền có các lò điện phản ứng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Điều này là phù hợp với Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân mà Iran đã ký.

Uranium tinh luyện có thể dùng để chạy các nhà máy điện nguyên tử, nhưng nếu được tinh luyện cao hơn có thể dùng để chế vũ khí hủy diệt. Iran đã bác bỏ những tố cáo của Mỹ và các nước đồng minh cho rằng nước này đã núp dưới danh nghĩa tinh luyện uranium dùng cho nhà máy điện nguyên tử để chế tạo vũ khí.

Theo ông Ahmadinejad, kho dự trữ toàn cầu sẽ cho phép các nước có thể mua nguyên liệu cho các nhà máy điện nguyên tử mà không cần phải tự tinh luyện. Ngân hàng nguyên tử sẽ được đặt dưới sự quản lý và kiểm soát của IAEA, nhưng lúc nào thành lập và tổn phí bao nhiêu hiện chưa được đề ra, cũng như việc ngân hàng sẽ thành lập tại nước nào vẫn chưa quyết định.

Trong cuộc họp báo chung của hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev, cho biết nếu có một ngân hàng nguyên liệu hạt nhân được thành lập, Kazakhstan với tư cách là một quốc gia hội viên Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân, sẵn sàng đứng ra làm nước tiếp nhận ngân hàng này.

Ông Nazarbayev cho biết, Kazakhstan đã từng có một ngân hàng hạt nhân. Kazakhstan là một trong số các nước sản xuất uranium nhiều nhất trên thế giới và sau khi Liên bang Xôviết tan rã, nước này đã làm chủ một số lượng lớn vũ khí nguyên tử, nhưng đã từ bỏ số vũ khí này và đã được phương Tây nhiệt liệt khen ngợi.

Hai nhà lãnh đạo Iran và Kazakhstan cũng tuyên bố sẽ hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực khai thác dầu lửa và khí đốt.

Theo tài liệu công bố sau phiên họp, Kazakhstan sẽ cung cấp cho Iran 50.000 tấn ngũ cốc và sẽ mua cổ phần trong 2 nhà máy thép được tư hữu hóa ở Iran.

Phát biểu tại buổi họp báo chung này, Tổng thống Ahmadinejad cho rằng cộng đồng quốc tế cần thay đổi thái độ với vấn đề hạt nhân dân sự. Theo ông, công nghiệp nguyên tử không có nghĩa là chế tạo bom nguyên tử. Khi người ta còn lẫn lộn giữa công nghiệp nguyên tử và bom nguyên tử thì vấn đề hạt nhân dân sự vẫn còn là độc quyền của một số quốc gia.

Các cường quốc hạt nhân cần phải tự giải trừ hết kho vũ khí hạt nhân của mình, có như thế họ mới có thể thoát khỏi những nỗi ám ảnh của chính bản thân họ về khả năng tấn công vũ khí hạt nhân từ nước khác, cũng như giúp nhân loại bớt đi mối lo sợ về một ngày tận thế do vũ khí hạt nhân gây nên

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.