Mỹ điều chỉnh chiến lược chống IS tại Iraq

Thứ Ba, 16/06/2015, 17:35
Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/6 quyết định điều động thêm nhân sự đến Iraq - bước điều chỉnh sau những thất bại trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (tự xưng IS), không được thừa nhận là chiến lược mới của Washington. Đây chỉ là bước chuyển mang tính chiến thuật trong chiến lược của Mỹ, chứ không có gì thay đổi.

Bước chuyển chiến thuật

Chỉ vài ngày sau khi khẳng định IS đang ở thế phòng ngự, Mỹ đã phải tuyên bố điều động thêm 450 cố vấn đến Iraq. Các quan chức chính quyền cũng thừa nhận IS đã tiến nhanh hơn Baghdad trong việc củng cố các vị trí. Ben Rhodes, Phó cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, nói: "Một phần của vấn đề mà chúng ta đang phải giải quyết đó là: làm thế nào chúng ta có thể hành động nhanh hơn để cung ứng cho quân đội Iraq trang thiết bị, cố vấn và các hỗ trợ".

Các cố vấn mới sẽ đóng quân tại Taqaddum, một căn cứ của Iraq gần thành phố Habbaniya, miền Đông Anbar - tỉnh lớn nhất Iraq mà phần lớn lãnh thổ đang chịu sự kiểm soát của IS. Các cố vấn này sẽ bổ sung huấn luyện tại căn cứ không quân Al-Asad cũng thuộc tỉnh Anbar.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói: "Các cố vấn mới sẽ xây dựng năng lực chiến đấu cho quân đội Iraq, bao gồm cả các tay súng bộ lạc, để cải thiện khả năng lập kế hoạch, chỉ huy và tiến hành các chiến dịch chống lại IS ở miền Đông Anbar".

Nhà Trắng cho biết Mỹ cũng đẩy mạnh việc vận chuyển vũ khí và các thiết bị quân sự khác tới Baghdad để phân phối cho các lực lượng của Iraq, trong đó bao gồm cả lực lượng dân quân của khu tự trị người Kurd ở Iraq và các tay súng bộ lạc người Sunni chiếm ưu thế ở tỉnh Anbar.

Quyết định nỗ lực tăng cường của Mỹ ở tỉnh Anbar cho thấy ông Obama đang theo đuổi mục tiêu giành lại thủ phủ Ramadi - đã bị quân IS tràn tới hồi tháng 5/2015-và cả tỉnh Anbar, trước khi tiến tới giành lại thành phố Mosul ở phía bắc - vốn thất thủ hồi tháng 6/2014.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, quyết định tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ của ông Obama đồng nghĩa với lời thừa nhận rằng chiến lược của ông gần như không góp phần đẩy lùi bước tiến của IS ở phần lớn tỉnh Anbar - vốn chiếm tới 1/5 lãnh thổ Iraq - và các vùng rộng lớn khác ở miền Bắc nước này bất chấp các cuộc không kích do Mỹ cầm đầu kéo dài gần một năm.

IS dễ dàng chiếm được thành phố Ramadi sau một cuộc tấn công chớp nhoáng.

Chiến lược của chính quyền Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thất bại của chính quyền Iraq trong việc xoa dịu sự tức giận của người Sunni ở Anbar rằng từ lâu họ đã bị chính quyền Shiite gạt ra ngoài lề.  Một số chuyên gia, thậm chí còn nghi ngờ sự thành công của cách tiếp cận này, cho rằng quá nhiều thời gian đã bị lãng phí và rất nhiều người bộ lạc Sunni, những người cảm thấy bị chính quyền Baghdad và Mỹ ruồng bỏ, đã về phe IS - tổ chức của những kẻ theo dòng Sunni.

Tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tại Iraq

Giới phân tích cho rằng quyết định của ông Obama về việc cử thêm 450 cố vấn quân sự tới Iraq đã phản ánh thế "tiến thoái lưỡng nan" trong chiến lược mà Mỹ triển khai tại quốc gia này. Washington đang phải nỗ lực tìm lời giải cho bài toán khó, đó là: Làm thế nào để vừa hỗ trợ chính phủ non nớt và yếu kém của Iraq, vừa không phải dấn thân quá nhiều vào cuộc chiến mà ông Obama chưa bao giờ muốn. Giới chức Mỹ cho biết, việc tăng quân này - lần thứ hai kể từ khi Mỹ đưa quân trở lại Iraq hồi năm ngoái - không nhằm mục đích "đánh nhanh thắng nhanh". Thay vào đó, các cố vấn được tăng cường này sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ các nỗ lực của Thủ tướng Haider al-Abadi nhằm chống lại các tay súng người Sunni và củng cố sức mạnh cho quân đội Iraq.

Giới chức Mỹ lo ngại rằng một chính phủ Iraq yếu kém sẽ càng củng cố vị thế cho Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo theo dòng Shiite, vốn tự coi mình là đối tác hữu ích duy nhất của Iraq trong cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo theo dòng Sunni.

Mối ưu tiên hiện nay của ông Obama là hỗ trợ Iraq tự giải quyết các vấn đề của chính mình. Nhà phân tích Trung Đông nhiều kinh nghiệm Brian Katulis, thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ thiên tả, cho rằng "việc để mất Ramadi buộc Mỹ phải hành động. Đây chỉ là sự điều chỉnh chiến thuật đối với một chiến lược lớn. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tập trung vào mục tiêu hỗ trợ để người Iraq tự đứng trên đôi chân của mình".

Giới chức quân đội Mỹ cho rằng, vấn đề hiện nằm ở chỗ không phải các tay súng của IS quá mạnh mà là quân đội Iraq quá yếu kém. Trên thực tê,ë kế hoạch mà chính quyền Mỹ vạch ra tại Iraq mới chỉ trải qua 8 tháng. Trong khi đó IS không phải là không nao núng. Để giữ vững quyền kiểm soát các khu vực đã chiếm được, lực lượng này buộc phải tiến hành các cuộc tấn công tàn bạo và hiện đang rất chật vật đối phó với vấn đề lương thảo.

Giới chức Mỹ hy vọng rằng sau một thời gian nữa, cộng đồng người Sunni - từng vô tình, hoặc thụ động ủng hộ IS - sẽ quay lưng lại với tổ chức cực đoan này. Một trong những mục tiêu chính của nhóm cố vấn mới tại Iraq sẽ là siết chặt quan hệ với các bộ tộc Sunni, lực lượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đánh bại các nhóm cực đoan Sunni tại Iraq vào năm 2007 và 2008. Nhiều người Sunni này, từng chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ trong những ngày cuối cùng trước khi Mỹ rút về nước, đã cảm thấy bị phản bội khi người Mỹ bỏ đi vào năm 2011 và cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki, người tiền nhiệm của ông Abadi, tước quyền lực và bắt giam các nhà lãnh đạo của họ.

Mặc dù vậy, cho đến nay phe Cộng hòa vẫn tìm cách khoét sâu các lỗ hổng trong kế hoạch của ông Obama và cho rằng điều này không đủ để hàn gắn các chia rẽ phe phái tại quốc gia này. Thượng nghị sĩ Mac Thornberry - Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ - nói: "Quyết định này là sự thay đổi đột ngột trong một chiến lược thống nhất quy mô lớn. Thay đổi này sẽ chẳng mang lại bất kỳ khác biệt hay thành công gì hơn những nỗ lực trước đó".

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.