Mỹ liệt các tổ chức sinh thái cực đoan vào danh sách khủng bố

Thứ Bảy, 15/10/2005, 09:56

Mới đây, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã liệt một số tổ chức sinh thái và nhóm đấu tranh bảo vệ động vật vào danh sách khủng bố. Tuy có mục tiêu theo đuổi nghe có vẻ rất nhân đạo, nhưng các tổ chức này không nề hà áp dụng bất cứ thủ đoạn nào để đạt được ý định của mình, kể cả các hoạt động khủng bố.

Theo một bài báo trên tờ The Guardian, FBI đã phân tích hoạt động của các các tổ chức bảo vệ sinh thái và động vật, so sánh họ chẳng khác gì các tổ chức theo đường lối cực đoan.

Một ủy ban tại Thượng viện Mỹ vừa bắt đầu mở cuộc điều tra về việc cung cấp tài chính cho các nhóm bảo vệ sinh thái theo đường lối cực đoan. Có không ít các tổ chức sinh thái và xã hội tại Mỹ được coi là nhà tài trợ cho “chủ nghĩa khủng bố sinh thái”. 

Phó giám đốc FBI chuyên trách về chống khủng bố John Luis cho biết, những tên cực đoan từ các tổ chức bảo vệ động vật đã nhận trách nhiệm liên quan đến hơn 1.200 tội ác đã được tiến hành tại Mỹ trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2005, kể cả những vụ đốt và đặt bom các phòng thí nghiệm khoa học là nơi chuyên tiến hành các thử nghiệm trên động vật, cũng như tại các công ty và xí nghiệp dược phẩm, mỹ phẩm. 

Theo ông Luis, các tổ chức “khủng bố xanh” (theo cách gọi vắn tắt của giới hành pháp Mỹ đối với các tổ chức bảo vệ sinh thái cực đoan) ngày càng nghiêng về việc áp dụng các phương pháp bạo lực trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Có thể kể tên một vài tổ chức nguy hiểm nhất như: Hiệp hội Chống đối xử tàn bạo với động vật (SHAC - Stop Huntingdon Animal Cruelty), Mặt trận giải phóng động vật (ALF - Animal Liberation Front) và Mặt trận giải phóng trái đất (ELF - Earth Liberation Front). Tất cả những tổ chức này đã tồn tại từ lâu. Một vài tổ chức hình thành từ Anh, khiến nước này được coi là quê hương của chủ nghĩa khủng bố sinh thái. Tại Mỹ, những ý tưởng đấu tranh kiểu cực đoan này còn phát triển mạnh hơn nữa, do được sự hưởng ứng của không ít công dân nước này.

Tất cả các tổ chức "khủng bố xanh" kiểu trên đều hoạt động bí mật. Chúng không có số lượng thành viên cố định, một hạt nhân lãnh đạo chính thức hay một thủ lĩnh rõ ràng. Như tổ chức SHAC hình thành từ hơn 30 năm trước với mục đích nhằm đóng cửa hãng nghiên cứu khoa học Huntingdon Life Sciences tại Cambridgshire chuyên tiến hành các thử nghiệm đối với động vật. Chi nhánh tại New Jersey (Mỹ) của công ty này có lưu giữ gần 70.000 động vật với doanh số hàng năm khoảng 100 triệu USD.

Chiến thuật hoạt động của SHAC là thường xuyên gây sức ép lên các nhân viên công ty, cũng như các đối tác và khách hàng của họ. Các hình thức có thể là từ biểu tình cho tới phá hoại xe và nhà của những người liên quan đến công ty. Điều này khiến cho rất nhiều khách hàng đã vội hủy bỏ hợp đồng vì lo ngại về mạng sống của mình.

“Thành công” nhất của SHAC chính là đe dọa khiến các cổ đông chính của công ty là Hãng Stephens Inc. và Bank of New York phải rút vốn đầu tư của mình ra. Táo tợn hơn, SHAC còn thành lập một số nhóm xung kích chuyên tấn công vào các phòng thí nghiệm để giải phóng động vật và phá hoại các thiết bị tại đây. Tháng 6/2005, 7 thành viên cực đoan của SHAC đã phải ra tòa vì những hành động kiểu trên.

Những hành động cực đoan đầu tiên của ELF được ghi nhận từ tháng 3/1977 ở Santa-Cruz (California) với các cuộc tấn công vào trang trại và phòng thí nghiệm ở nhiều bang khắp nước Mỹ. Đầu những năm 80, ELF tiếp tục hồi sinh sau khi gần như đã giải thể vào năm 1978, với những hành động mang tính phá hoại và khủng bố nhiều hơn. ELF tồn tại theo cấu trúc kiểu vô chính phủ. Tất cả những thông tin về hoạt động của họ đều được tuyên truyền và chỉ thị qua website.

Từ năm 1997, ELF nhận trách nhiệm trước một loạt các vụ đốt phòng thí nghiệm ở trường đại học, đặt mìn các đường ống dẫn hay phá hoại trang bị của nhiều nhà máy khác nhau với tổng số thiệt hại lên tới 45 triệu USD. Thành viên chính của tổ chức này là Rosebraugh đã phải ra tòa vào năm 2000, cho dù cuối cùng hắn vẫn trốn chạy được sự trừng phạt của pháp luật. 

ALF xuất hiện ở Anh vào năm 1976, trước khi trở thành một phong trào quốc tế hoạt động ở Anh, Mỹ và nhiều nước châu Âu. Đây được coi là tổ chức đông đảo và có hành động mang tính cực đoan nhất tại Mỹ. Nó đứng đằng sau rất nhiều vụ phá hoại các phòng thí nghiệm trên khắp nước Mỹ. Đỉnh cao của những âm mưu phá hoại này là một vụ việc diễn ra cuối năm 2004. Sau khi đánh chiếm một phòng thí nghiệm trong Trường đại học Iowa, các thành viên ALF đã trả tự do cho gần 400 loại động vật khác nhau, và nghiêm trọng hơn là cho rải những loại hóa chất độc hại ở đây trước khi rút lui. Sự kiện trên đã được rất nhiều tờ báo tại Mỹ đưa tin.

Theo FBI, có không ít các tổ chức xã hội đã đứng ra tài trợ cho các nhóm “khủng bố xanh” kiểu này. Có thể kể ra một vài cái tên như Hội Những người đấu tranh vì việc đối xử nhân đạo với động vật (PETA), Ủy ban Các bác sĩ vì một nền y học có trách nhiệm (PCRM), Hiệp hội Nhân đạo Mỹ (HSAS)... Cụ thể như hồi giữa những năm 90, PETA đã cung cấp khoản tiền 70.000 USD để bào chữa cho thành viên cực đoan Rodney Coronado của ALF, người đã bị buộc tội đốt cháy và phá hoại phòng thí nghiệm tại Trường đại học Michigan.

Năm 2003, tại một cuộc họp của PCRM, thành viên cực đoan Jerry Vlazak của ALF đã nói về khả năng sát hại các bác sĩ tham gia thử nghiệm trên động vật: “Chỉ cần 5, 10 hay 15 mạng người, chúng ta có thể cứu vớt hàng triệu sinh mạng động vật khác nhau!”

Quỳnh Lai (Tổng hợp)
.
.