Mỹ muốn trừng phạt Cuba: Lợi bất cập hại

Thứ Năm, 19/10/2017, 08:45
Mặc dù cho đến nay chưa có một cơ quan tình báo nào của Mỹ có thể đưa ra bằng chứng cụ thể về trách nhiệm của La Habana, hay của ai khác trong vấn đề gọi là cuộc “tấn công sóng âm” khiến 22 nhà ngoại giao Mỹ tại La Habana bị tổn hại sức khỏe, song Washington vẫn quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao của Đại sứ quán Cuba tại Mỹ, vin vào cớ đáp trả những cuộc tấn công trên.

Chưa thể khẳng định chính xác những biện pháp của Mỹ hiện nay liệu để bảo vệ công dân nước mình hay chỉ là cái cớ để đảo ngược những “di sản” của người tiền nhiệm, song một điều có thể dễ dàng nhìn thấy Washington đang hủy hoại lợi ích của chính mình.

Sự gia tăng thù địch với Cuba đang nhanh chóng phá bỏ sự lắng dịu trong quan hệ hai nước vốn vừa được gây dựng lại dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ngoài việc chỉ đích danh 15 nhà ngoại giao Cuba buộc phải rời nhiệm sở của nước này tại Mỹ mà không cho biết đâu là tiêu chí của sự lựa chọn này, Mỹ cũng giảm đáng kể nhân sự của Đại sứ quán Mỹ tại La Habana, cho rằng Cuba đã không thể bảo vệ sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ cho dù không đưa ra được nguyên nhân và thủ phạm cụ thể.

 Thậm chí trước khi có hoạt động trục xuất ngoại giao, Bộ Ngoại giao Mỹ còn đưa ra cảnh báo đối với người dân nước này không du lịch tới Cuba, một biện pháp bất thường có thể làm giảm đáng kể nguồn thu từ việc đổi ngoại tệ của hòn đảo này. Giới chức ngoại giao La Habana và Bộ Ngoại giao Mỹ đều phản đối việc giảm quy mô phái đoàn của Mỹ ở Cuba.

Quan hệ Mỹ - Cuba nhiều sóng gió.

Mặc dù tất cả đều lo ngại về sự an toàn của nhân sự Mỹ, nhưng trên thực tế những sự cố về sức khỏe đang giảm đi nhanh chóng. Các nhà ngoại giao Mỹ ở La Habana đều tự hào về những thành quả trong việc thúc đẩy lợi ích của Mỹ ở Cuba và họ đều mong muốn tiếp tục bảo vệ và đẩy mạnh những lợi ích đó.

Theo giới phân tích, những biện pháp này không phải để bảo vệ công dân Mỹ, mà thực tế Nhà Trắng và các nghị sỹ Mỹ ủng hộ cấm vận đã sử dụng việc này như là cái cớ để đảo ngược chính sách bình thường hóa quan hệ của chính quyền tiền nhiệm. Với những hành động này, Mỹ đang làm chính xác điều mà những người không ưa họ trong khu vực muốn.

Sự thù địch công khai của Mỹ khiến cho những kẻ cứng đầu chống Mỹ ở Cuba phản đối mối quan hệ song phương giữa hai nước. Thêm vào đó, du khách Mỹ tới Cuba mang lại lợi nhuận cho những thành phần kinh tế tư nhân trong lĩnh vực du lịch của Cuba và tạo điều kiện cho tầng lớp trung lưu ở nước này. Cảnh báo du lịch sẽ làm hại tới những thành phần tiến bộ trong xã hội Cuba.

Hơn nữa, sự tan vỡ trong quan hệ Mỹ - Cuba sẽ cho phép Nga, Trung Quốc, Iran, Venezuela gây ảnh hưởng sâu sắc hơn đối với Cuba và cả vùng vịnh Caribe. Các hành động thiếu cân nhắc của chính quyền Trump đối với Cuba là một phần của một mô hình không tôn trọng nền ngoại giao Mỹ và thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng về những hậu quả địa chiến lược.

Từ việc chỉ trích thỏa thuận có thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran tới việc khiêu khích Triều Tiên, tới việc công kích Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Mexico và Canada, Chính quyền Mỹ đã làm suy yếu ảnh hưởng và sự tin cậy của Mỹ.

Các đối tác của Mỹ tại Mỹ Latinh đã hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách đối với Cuba năm 2014 như là một tín hiệu rằng Chiến tranh lạnh cuối cùng đã kết thúc ở phía Tây bán cầu. Nhưng động thái này của chính quyền Mỹ đã cảnh báo các nước bè bạn và khiến họ nghi ngờ về giá trị của những cam kết của Mỹ, làm giảm sự tin cậy vào Mỹ từ các nước đồng minh ở châu Á và châu Âu.

Người Mỹ Latinh từng vui mừng với chính sách bình thường hóa quan hệ Mỹ – Cuba.

Vẫn có cơ hội cho những chính sách ngoại giao chủ động. Chính phủ Cuba luôn phối hợp với Mỹ trong điều tra về những vụ việc liên quan nhân viên ngoại giao Mỹ. Cuba đã cho phép Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hoạt động độc lập tại Cuba lần đầu tiên trong hơn 50 năm, một tín hiệu cho thấy Chủ tịch Raul Castro thực sự muốn cải thiện quan hệ với Mỹ. Nhưng ông Trump lại có vẻ hạn chế và kiên quyết tiếp tục đi theo lối mòn của sự cản trở mặc cho cái giá phải trả.

Sự thù địch của Mỹ có thể mạo hiểm phá hủy giai đoạn chuyển giao sắp tới của một Chính phủ Cuba mới sau khi Chủ tịch Raul Castro từ chức vào đầu năm 2018, thay vào đó sẽ củng cố tiềm lực cho lực lượng chống Mỹ, phản đối mở cửa kinh tế trên bán đảo này.

Điều này đã phá hủy quan hệ giữa người dân hai nước bằng việc cản trở du lịch và hạn chế dòng tiền. Nó cũng phá hủy quan hệ của Mỹ với các đối tác trong khu vực - những nước luôn phản đối chính sách thù địch phi lý của Mỹ. Cuối cùng, biện pháp của chính quyền Trump chỉ mở cửa cho những nước như Nga và Venezuela trong củng cố lợi ích của họ ở Cuba và tại khu vực này.

Mặc dù vậy, cho tới nay, phản ứng của Chính phủ Cuba là rất nhẹ nhàng, và ngoài những phản đối buộc phải có trước mỗi động thái làm tổn hại quan hệ với Washington, La Habana không đưa ra biện pháp trả đũa cụ thể hay những tuyên bố mang tính chỉ trích gây hấn nào. Đó có thể chính là phản ứng của một người thông minh và không vội vã lao vào tranh cãi, khi đã hiểu bản chất câu chuyện và biết rằng sớm hay muộn, sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.