Mỹ ngày càng bị cô lập trong vấn đề cấm vận Iran

Thứ Tư, 26/08/2020, 15:14
Mỹ đang cố gắng tìm cách áp dụng một quy định trong Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nhằm đơn phương mở rộng lệnh cấm vận của Liên Hợp quốc (LHQ) đối với Iran mà không cần sự đồng ý của Hội đồng Bảo an. Điều này đang khiến cho Mỹ trở nên cô độc tại diễn đàn LHQ do hầu hết các quốc gia không đồng ý tái trừng phạt Iran theo ý muốn của Mỹ.

Diễn biến mới nhất của “cuộc chiến” xoay quanh lệnh cấm vận Iran tại Hội đồng Bảo an LHQ là việc 13 trên tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an hôm 21-8 đã đồng loạt gửi thư phản đối việc chính quyền Tổng thống Donald Trump nỗ lực kéo dài thời gian áp dụng lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran. Ngoại trừ Mỹ, duy nhất nước Cộng hòa Dominica chưa công bố thư về vấn đề này.

Hành động viết thư phản đối này diễn ra chỉ 24 giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đích thân đến trụ sở LHQ tại New York để tuyên bố Iran vi phạm Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), tên gọi chính thức của Thỏa thuận hạt nhân Iran. Sau khi JCPOA có hiệu lực, các lệnh cấm vận nói chung của LHQ đối với Iran được dỡ bỏ nhằm tạo điều kiện cho quốx gia này khôi phục kinh tế và nghiêm túc thực thi thỏa thuận.

Đồng thời, JCPOA cũng có một quy định theo đó nếu Iran vi phạm một trong những điều khoản đã cam kết thì các lệnh cấm vận của LHQ sẽ được tái áp dụng  trong vòng 30 ngày kể từ ngày một trong các thành viên tham gia ký kết có tuyên bố về vi phạm của Iran. Để lợi dụng cơ chế tái áp dụng lệnh trừng phạt này, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo một mặt tuyên bố Iran vi phạm JCPOA, mặt khác cũng tuyên bố về mặt kỹ thuật, Mỹ vẫn còn là một bên tham gia ký kết JCPOA.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc bác đề xuất cấm vận vũ khí của Mỹ.

Tuyên bố của ông Pompeo ngay lập tức đã bị “bộ ba EU” là Anh, Pháp và Đức bác bỏ. Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức ra tuyên bố chung cho rằng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA từ tháng 5-2018, trên thực tế nước Mỹ không còn là một bên tham gia thỏa thuận, vì thế không có tư cách để kích hoạt điều khoản trong JCPOA. Cuộc chiến giằng co giữa một bên là nước Mỹ và một bên là phần còn lại của Hội đồng Bảo an sẽ còn tiếp diễn một khi nước Mỹ chưa đạt được mục tiêu gây tổn thất lớn cho Iran.

Giới phân tích cho rằng nước Mỹ đang bám chặt vào lập luận “về kỹ thuật vẫn còn là một bên tham gia thỏa thuận” dựa trên một cơ sở pháp lý là nước này được nêu tên trong một nghị quyết của Hội đồng Bảo an với tư cách là một bên tham gia thỏa thuận.

Cuộc chiến về cấm vận Iran giữa Mỹ và phần còn lại của Hội đồng Bảo an thực chất là câu chuyện về thỏa thuận hạt nhân Iran và mối quan hệ giữa Mỹ và Iran. JCPOA vốn là một di sản có giá trị của người tiền nhiệm Barack Obama nhưng đã bị ông Trump bác bỏ, đồng thời tìm cách đạt được một thỏa thuận mới với các điều kiện “tốt hơn”.

Tuy nhiên, khoảng thời gian từ khi ông Trump chính thức rút nước Mỹ khỏi JCPOA, cuộc tìm kiếm một thỏa thuận mới chưa có kết quả, trong khi quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt vụ việc mang tính đối đầu suýt dẫn đến chiến tranh. Việc Mỹ rút khỏi JCPOA và loạt vụ việc đối đầu làm leo thang căng thẳng khiến Iran từng bước quay trở lại làm giàu uranium. Mỹ cho rằng, việc này là minh chứng cho việc Iran vi phạm JCPOA.

Ngày 14-8, Mỹ nhận thất bại chua chát tại Hội đồng Bảo an LHQ khi đưa ra đề xuất gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran. Lập luận rằng dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ tạo điều kiện cho Iran tái trang bị kho vũ khí, Mỹ đòi LHQ phải kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sau khi lệnh này hết hiệu lực vào tháng 10 tới. Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft tuyên bố nếu đề xuất bị bác bỏ, trong vài tuần tới Mỹ sẽ tìm cách kích hoạt điều khoản quy định việc tái áp dụng lệnh trừng phạt nếu chứng minh Iran vi phạm JCPOA.

Các thành viên Hội đồng Bảo an vốn là đồng minh thân cận của Mỹ cho rằng thật ra họ muốn ủng hộ nước Mỹ nếu họ tìm được một điểm nào đó có thể thỏa hiệp được trong đề xuất gia hạn cấm vận vũ khí của Mỹ, như kéo dài có thời hạn chẳng hạn. Tuy nhiên, đề xuất kéo dài cấm vận vô thời hạn là đề xuất không có cơ sở pháp lý, đi ngược lại với các điều khoản thỏa thuận trong JCPOA đã được Hội đồng Bảo an phê chuẩn bằng một nghị quyết.

Để đi đến cuộc bỏ phiếu ngày 14-8, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã thực hiện nhiều hoạt động vận động hành lang. Ông đã đến gặp riêng Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Dian Triansyah Djani (người Indonesia) để vận động ủng hộ lện cấm vận Iran. Ngoài ra, ông Pompeo cũng đang cố gắng vận động thêm các quốc gia ủng hộ.

Mặt khác, báo chí cũng tiết lộ rằng nước Mỹ đã dọa trừng phạt Anh và một loạt quốc gia châu Âu khác nếu các nước này không chịu ủng hộ lệnh cấm vận hoặc có hành động chống lại Iran. Lời đe dọa đó đã phản tác dụng, khiến Mỹ nhận thất bại muối mặt.

Bởi vậy, khi mục đích không đạt được, ông Pompeo đã có thái độ hằn học và buông ra những tuyên bố gay gắt nhắm vào các đồng minh. Sự hằn học của Mỹ đã bị cộng đồng thế giới phê phán và giới ngoại giao tại LHQ cho rằng Ngoại trưởng Pompeo đã thể hiện một thái độ cộc cằn trong ngoại giao khi lớn tiếng cáo buộc các nước châu Âu “đứng về phía các đại giáo chủ Iran”.

Thái độ trịch thượng đó khiến Mỹ bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, trở nên cô lập. Giới ngoại giao cho rằng ông Pompeo đã dẫn nước Mỹ đi vào con đường đối nghịch với các đối tác, đồng minh, vì thế không thể lôi kéo được sự ủng hộ của họ.

Một vài nhà phân tích cho rằng việc ông Pompeo lựa chọn thời điểm hiện nay để ra tuyên bố Iran không tuân thủ JCPOA là nhằm lợi dụng quy định thời hạn 30 ngày tái áp dụng lệnh trừng phạt nêu trong JCPOA và thời hạn đó sẽ rơi đúng vào tuần cuối tháng 9, khi Đại Hội đồng LHQ họp phiên toàn thể và Tổng thống Trump sẽ có bài phát biểu, trong đó ông sẽ đặt vấn đề tái cấm vận Iran ra trước Đại Hội đồng LHQ.

An Châu (Tổng hợp)
.
.