Mỹ ngày càng lộng hành

Thứ Hai, 28/10/2013, 17:30

Hàng loạt những tiết lộ mới về việc Mỹ ăn trộm thông tin của các đồng minh chí cốt ở châu Âu, việc Mỹ thiên vị phe nổi dậy ở Syria và đơn phương yêu cầu Tổng thống Al-Assad từ chức là hai chuyện mới nhất cho thấy Mỹ luôn muốn thao túng thế giới.

Từ khi vụ cựu nhân viên tình báo Mỹ E. Snowden tiết lộ những chương trình nghe trộm của Chính phủ Mỹ đối với dân Mỹ, cũng như nhằm vào chính phủ cũng như người dân nhiều nước trên thế giới đến nay, nước Mỹ chưa một lần lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi người dân nước mình cũng như các nước khác. Vì sao vậy?

Những tiết lộ của “người thổi còi” lại đang tiếp tục gây sóng gió ngoại giao giữa Mỹ và các nước đồng minh. Điển hình là việc Chính phủ Đức hôm 24/10 cáo buộc Mỹ nghe lén cả điện thoại của Thủ tướng Merkel. Việc này được tờ Die Welt (Đức) ra ngày 24/10 khẳng định sau khi dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh công nghệ thông tin Liên bang Đức.

Nếu như hồi tháng 6/2013, việc các báo tiết lộ Mỹ nghe lén cả Liên minh châu Âu, trụ sở EU chỉ gây phản ứng vừa phải từ Berlin thì vụ an ninh Mỹ gài bọ vào điện thoại của Thủ tướng Merkel đang gây ra phản ứng phẫn nộ cùng cực của chính giới và dư luận Đức. Ngay sau tiết lộ này, Đức đã triệu hồi Đại sứ Mỹ tại Berlin lên để phản đối. Bản thân Thủ tướng Đức Merkel cũng đã điện thoại cho Tổng thống Obama để bày tỏ cảm giác bị xúc phạm. Trong cuộc điện đàm, bà Merkel có nói "do thám bạn bè là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Trước đó vài hôm, Pháp, Mexico và Brazil cũng đã vô cùng giận dữ sau tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden cho các báo nói rằng tình báo Mỹ đã nghe lén, ăn cắp rất nhiều thông tin của người dân cũng như của chính phủ các quốc gia đồng minh này.

Và cũng như những lần trước, Mỹ đều lên tiếng trấn an rằng, thứ nhất là các báo "đưa thông tin sai". Không biết đúng sai thế nào, Mỹ cãi bay cãi biến. Hôm 23-10, đích thân Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ James Clapper đã phản bác những thông tin do tờ Le Monde đăng tải. Theo lời ông Clapper, thông tin (đăng trên Le Monde ngày 21/10) theo đó, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã thu thập hơn 70 triệu dữ liệu điện thoại của dân Pháp là "sai lạc".

Cơ quan an ninh công nghệ, thông tin Liên bang Đức đang điều tra về khả năng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ gài “bọ nghe lén” vào điện thoại của Thủ tướng Đức A. Merkel.

Và cũng như mọi lần trước, Mỹ nói việc nghe lén các nước là nhằm mục đích "ngăn ngừa khủng bố". Tuyên bố của Nhà Trắng ngày 22/10 khẳng định là "Mỹ rất coi trọng tình hữu nghị lâu đời với Pháp và sẽ tiếp tục hợp tác với Pháp trong lĩnh vực an ninh và tình báo". Tuy nhiên, theo tiết lộ mới của báo Le Monde thì Mỹ đã đánh cắp rất nhiều dữ liệu về thương mại của Pháp. Như thế không hiểu là chống khủng bố kiểu gì?

Và cuối cùng là Mỹ biện hộ: Thực ra các nước khác cũng cùng một giuộc như Mỹ cả thôi, cùng đi ăn cắp dữ liệu tình báo của nhau, có điều việc làm của Mỹ bị khui ra nên thiên hạ mới biết thế. Ý của Mỹ là "chúng ta hiểu nhau quá mà, sao các bạn lại cứ làm toáng lên thế!". Thực ra không làm toáng sao được. Các nước không phải là đồng minh Mỹ thì điều này là đương nhiên, còn các nước đồng minh như Đức, Pháp, Mexico, Anh… thì chính khách của họ cũng buộc phải lên tiếng chứ không dư luận trong nước họ sẽ coi những người họ bầu lên ra cái gì.

Có một điều khó hiểu là Mỹ từ đời nào vẫn luôn rao giảng về giá trị nhân quyền, về quyền tự do cá nhân, hễ ở đâu mất nhân quyền là họ lại thò mũi vào ngay, vậy thì tại sao những tiết lộ của chính người của họ (Snowden là cựu nhân viên tình báo Mỹ) về những sai phạm nhân quyền rõ rành rành như thế, họ lại không một lần xin lỗi và thậm chí còn không cho đó là sai phạm.

Những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Snowden cho thấy Mỹ không từ cả đồng minh, chứ đừng nói đến các quốc gia thù địch, hay trung lập khác, trong việc đánh cắp thông tin. Chính công dân Mỹ Snowden từng tuyên bố rằng, anh ta tiết lộ mọi thứ là bởi vì anh thấy điều Chính phủ Mỹ làm là sai trái, là vi phạm đạo đức, nhân quyền. Có lẽ những tiết lộ của Snowden chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Nhưng chưa bao giờ Chính phủ Mỹ thấy "xấu hổ" về những gì mình làm. Phải chăng có một cách giải thích duy nhất, đó là thói cường quyền xưa nay của Mỹ. Ỷ mạnh muốn làm gì thì làm, chỉ có người khác là sai chứ mình không bao giờ sai. Và theo ý thức luận, không nhận thấy mình sai thì làm sao biết xin lỗi và xấu hổ!

Chuyện thứ hai liên quan tới sự bá đạo của Mỹ liên quan tới tình hình Syria hiện nay.

Cuộc khủng hoảng Syria tưởng đã qua đi sau khi chính quyền Damascus chấp nhận giải giáp kho vũ khí hóa học để tránh đòn tấn công của Mỹ và phương Tây, thì nay lại chuyển sang một ngã rẽ mới. Đó là việc giải quyết mâu thuẫn nội bộ phe phái giữa quân nổi dậy và chính quyền của Tổng thống Assad. Nói cho đúng đây là công việc nội bộ của người Syria.

Nhưng cộng đồng quốc tế dẫn đầu là Nga và Mỹ đang muốn làm trung gian hòa giải cho các phe phái ở Syria, dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị hòa bình (còn được gọi là Geneve 2) vào cuối tháng 11 tới đây. Tại hội nghị này, các bên xung đột ở Syria sẽ ngồi lại nói chuyện với nhau trước trọng tài quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ tại Hội nghị Những người bạn của Syria.

Tuy nhiên, xem ra hội nghị này chưa diễn ra đã thất bại. Bởi thứ nhất, phe nổi dậy ở Syria được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn một mực không muốn ngồi chung bàn với Tổng thống Assad. Họ nói rằng nếu ông Assad không chịu từ chức thì đừng hòng họ tới Geneve đàm phán.

Thứ hai, Mỹ coi mình là trọng tài trong vụ hòa đàm giữa các phe phái tại Syria nhưng lại tỏ ra thiên vị trước cả khi đàm phán diễn ra. Cụ thể Mỹ công khai bênh vực cho phe nổi dậy ở Syria, tổ chức vận động cộng đồng quốc tế ủng hộ theo thông qua hội nghị “Những người bạn của Syria”…

Chưa hết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 21/10 khi đang đi vận động Qatar, đã tuyên bố rằng, không thể có giải pháp hòa bình cho vụ xung đột ở Syria chừng nào Tổng thống Assad còn ở lại nắm quyền. Ông Kerry đã nói như vậy sau khi họp riêng với Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Saud al-Faisal, để đáp lại tin nói rằng ông Assad có ý định ra tranh cử lại vào năm tới.

Và ông Kerry lại mượn cớ nói rằng đó là mong muốn của phe đối lập ở Syria. Ông nói rằng, bây giờ ông không biết có ai tin là phe đối lập sẽ đồng ý để ông Assad là một thành phần của chính phủ chuyển tiếp hay không. Và nếu ông Assad nghĩ rằng ông sẽ giải quyết những khó khăn bằng cách ra tranh cử một lần nữa thì Syria bao giờ mới chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn?

Đáp lại tuyên bố áp đặt phi lý này, trong một cuộc phỏng vấn được chiếu trên Đài truyền hình Al-Mayadeen ở Liban tối 21/10, Tổng thống Syria Assad tuyên bố: "Không có thời điểm hay yếu tố nào có ích cho việc tổ chức hội nghị hòa bình. Những nhóm sẽ tham dự hội nghị ở Geneve là ai? Họ có quan hệ như thế nào với nhân dân Syria? Họ có đại diện cho nhân dân Syria không? Họ có đại diện cho đất nước của họ không?". Ông Assad cũng nói rằng ông không thấy có lý do nào để ông không tái tranh cử vào năm 2014.

Chỉ với hai câu chuyện trên đã đủ cho thấy Mỹ đang tự cho mình là bá chủ thế giới muốn làm gì thì làm, dù đó là đồng minh hay thù địch

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.