Mỹ sắp tấn công Iran?

Thứ Năm, 05/04/2007, 10:58
Mỹ sẽ không kích Iran trong tháng tư bằng một chiến dịch có tên “Cú đốt” (Operation Bite). Đó là thông tin đã được các hãng truyền thông Nga và một số nước Trung Đông đưa trong suốt tuần qua.

Trước tiên giới truyền thông Nga trích dẫn các nguồn tin tình báo cho biết Mỹ có thể tấn công Iran vào ngày 6/4.

Thậm chí Hãng thông tấn RIA Novosti cho rằng danh sách các địa điểm để đánh bom đã được Lầu Năm Góc phê duyệt. Một chiến dịch tấn công trên bộ cũng có thể tiến hành ngay sau đó. Trung tướng Leonid Ivashov - viện phó Viện Khoa học quân sự Nga - cũng khẳng định việc Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch không kích trên qui mô lớn vào các cơ sở quân sự của Iran. Ông Ivashov nhấn mạnh: “Tôi tin chắc sẽ có một chiến dịch tấn công vào Iran”.

Còn tờ Arab Times của Kuwait hôm qua (4/) trích nguồn tin từ Washington cho rằng kế hoạch tấn công các lò phản ứng và cơ sở hạt nhân của Iran sẽ được Mỹ tiến hành vào cuối tháng này. Nguồn tin cho biết thêm các phòng ban ở Nhà Trắng đã chuẩn bị diễn văn cho Tổng thống Bush thông báo về vụ tấn công. Bài diễn văn sẽ cung cấp các “bằng chứng” và lý do khiến Mỹ phải dùng giải pháp quân sự sau khi không thuyết phục được Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Một số lý do sẽ được nêu là việc Iran hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở Iraq tấn công quân đội Mỹ, việc can thiệp của Iran tới các nước xung quanh như Syria, Somalia, Afghanistan, Yemen và Libăng làm bất ổn tình hình ở các khu vực trên. Arab Times khẳng định cuộc không kích sẽ diễn ra trong vòng một tháng và Mỹ quyết giành chiến thắng trong một tháng này để không phải tiến hành cuộc chiến trên bộ. Các loại vũ khí và chiến thuật mới sẽ được triển khai nhằm gây ra các bất ngờ đối với Iran.

Cho đến nay về cơ bản Mỹ đã hoàn tất việc chuẩn bị cho cuộc chiến. Giờ đây chỉ cần một lý do chính thức để Mỹ bấm nút khai cuộc. Các lực lượng triển khai ở khu vực tây bắc Ấn Độ Dương và khu vực vịnh Persic cho phép tổng thống Mỹ có thể tiến hành phá hủy các cơ sở kinh tế, quân sự của Iran chỉ trong một vài giờ.

Không chỉ dừng lại ở việc triển khai thêm hai tiểu đoàn hải quân và năm lữ đoàn bộ binh mới tới Iraq, tàu sân bay USS John C.Stennis với 80 máy bay, trong đó có máy bay F/A18 và các siêu chiến đấu cơ khác, bốn tàu ngầm hạt nhân đã được điều tới vùng Vịnh cùng với tàu sân bay Eisenhower được triển khai tại đây từ tháng 12/2006. Hệ thống chống tên lửa tối tân Patriot PAC-3 cũng đã được triển khai. Lực lượng quân đội Mỹ ở vịnh Persic hiện đã đạt mức kỷ lục thời kỳ trước cuộc tấn công Iraq tháng 3/2003.

Dù vẫn tuyên bố theo đuổi biện pháp ngoại giao để thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân, Tổng thống Bush không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp vũ lực. Một cuộc tập trận với sự tham gia của 12 chiến hạm, 100 máy bay và 12.000 lính hải quân cũng đã được tiến hành hồi cuối tháng ba vừa rồi.

Hôm 2/4, Iran cũng lên tiếng về việc hai máy bay ném bom của Mỹ đã xâm phạm vùng không phận tỉnh Khuzestan của nước này. Vụ việc xảy ra khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đang có chuyến thị sát tới đây.

“Khả năng tấn công chớp nhoáng bằng không quân và tên lửa là khả năng khả thi nhất của Mỹ trong bối cảnh ngoại giao bị bế tắc. Từng có nhiều người đề cập khả năng này. Nếu trong trường hợp Mỹ gặp khó khăn thì Israel sẽ là nước thực hiện nhiệm vụ với sự hậu thuẫn của Mỹ. Hơn nữa, theo các chuyên gia khí tượng, thời điểm tháng ba, tháng tư là thuận lợi nhất cho hoạt động quân sự ở đây.

Tuy nhiên, Mỹ cũng có những khó khăn trong việc tấn công. Thứ nhất, tấn công Iran sẽ làm tăng dư luận chống Mỹ, làm tăng chủ nghĩa dân tộc của Iran và vì vậy làm tăng uy tín của tổng thống Iran đương nhiệm trong bối cảnh ông này đang mất uy tín nặng. Điều này cũng đi ngược lại khả năng có thể dùng sức ép bên trong làm thay đổi thái độ của Iran, cắt đứt mọi khả năng đàm phán. Thứ hai, Mỹ không có khả năng hủy diệt toàn bộ công nghệ hạt nhân của Iran vì hiện nay vệ tinh do thám của Mỹ chưa nắm hết các địa điểm hạt nhân. Công nghệ mới cho phép Iran có thể che giấu và phân tán các lò phản ứng trên diện rất rộng. Thứ ba, vì lý do thứ hai nên nếu tấn công sẽ có hậu quả khôn lường. Nếu như chưa tấn công thì thời gian cần thiết để có được vũ khí hạt nhân của Iran có thể là 10 năm hoặc ngắn hơn. Nhưng nếu tấn công mà không chiếm đóng thì sẽ rút ngắn thời gian Iran có được vũ khí vì như vậy đẩy Iran theo hướng làm hết sức có thể”.

Th.S. Vũ Đoàn Kết (Học viện Quan hệ quốc tế)

Theo Thanh Tuấn (Tuổi trẻ)
.
.