Mỹ tăng trừng phạt Nga, EU chần chừ

Thứ Tư, 07/05/2014, 15:20

Tổng thống mỹ Obama vừa thông báo thêm một gói các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng đồng minh EU của họ vẫn còn đang cân nhắc. Nga cảnh báo sẽ trả đũa “gây đau đớn” cho Washington.

Ngày 28/4, khi đang ở thăm Philippines, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo thêm các biện pháp trừng phạt Nga.

Thông báo của Nhà Trắng cùng ngày nêu rõ đối tượng của lệnh trừng phạt mới này gồm 7 quan chức, trong đó có hai người trong giới thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, là ông Igor Sechin, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Rosnef và ông Sergei Chemezov, Giám đốc Hãng công nghệ cao Rostec, cũng như 17 công ty liên quan với những nhân vật  này.

Lệnh trừng phạt mới này là điều mà các giới chức Mỹ cho rằng, Nga không thi hành đúng theo thỏa thuận quốc tế Geneve đã đạt được nhằm chấm dứt cuộc đối đầu ở Ukraina. Washington cũng nói luôn các biện pháp mạnh đó sẽ là thắt chặt kiểm soát xuất khẩu hàng công nghệ cao có thể giúp tăng năng lực quân sự Nga, cấm vận nhắm vào các ngành năng lượng và khai thác mỏ của Nga.

Trong khi Mỹ đưa ra các biện pháp mới trừng phạt Nga từ sáng ngày 28/4 thì phải đợi đến cuối ngày các đồng minh châu Âu mới đưa ra được một danh sách sơ bộ.

Cuối chiều 28/4, Maja Kocijancic, người phát ngôn của Cao ủy phụ trách chính sách ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết: Chính phủ các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ áp đặt các biện pháp trừng phạt phong tỏa tài sản và không cấp thị thực đối với 15 cá nhân, chủ yếu là người Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraina. 15 cá nhân này sẽ được bổ sung vào danh sách 33 người Nga và người Crimea trước đó đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU đối với Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea, nâng tổng số danh sách trừng phạt lên 48 người.

Tuy nhiên, bà Kocijancic cũng cho biết: tên của 15 cá nhân bị đưa vào danh sách này sẽ không được công bố chính thức cho đến khi được thông tin trên tạp chí thông tin của Liên minh châu Âu số ra ngày 29/4.

Cũng theo người phát ngôn Liên minh châu Âu, cùng với các biện pháp nhằm vào các cá nhân Nga, Ủy ban châu Âu cũng đã lên danh sách các biện pháp trừng phạt kinh tế khắt khe hơn đối với Nga.

Từ Kuala Lumpur, ông Obama tiếp tục kêu gọi châu Âu hợp sức trừng phạt Nga.

"Ðương nhiên châu Âu sẽ đi theo quyết định của Mỹ, nhưng không có gì bảo đảm châu Âu sẽ làm tất cả những điều Washington muốn họ làm" là nhận xét của bà Padma Desai, thành viên Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ. Cùng với một số chuyên gia khác, bà Desai cho rằng, việc Mỹ "báo tin sẽ cấm vận vào ngày 25/4 nhưng phải đợi đến ngày 28/4" mới thông báo những quyết định mới nhất "chứng tỏ phía Mỹ và châu Âu chưa nhất trí được với nhau về những gì muốn làm", cho dù cả hai đồng ý với nhau là "dưới một hình thức nào đó, phải trừng phạt Nga".

Một cựu viên chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ,  đưa ra nhận định: "biện pháp Tổng thống Obama có thể làm trong lúc này vẫn là nhắm vào thành phần thân cận với Tổng thống Putin, trong lúc tìm được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm có thể đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn nữa".

Trong thời gian chờ đợi đó: "Tôi không ngạc nhiên khi thấy quyết định của châu Âu chậm trễ hơn quyết định của Mỹ, tôi cũng chẳng ngạc nhiên nếu quyết định của châu Âu không mạnh bằng quyết định của Mỹ" - người này nhận xét.

Theo báo New York Times, trong nội bộ chính quyền Mỹ có hai khuynh hướng khác nhau. Một phe, cùng chủ trương với Tổng thống Obama, muốn Mỹ và châu Âu phối hợp hành động. Phe thứ hai thì muốn rằng Mỹ nên đơn phương hành động trước vì châu Âu chắc chắn sẽ đi theo.

Ngay sau quyết định của Nhà Trắng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Rybakov đã bày tỏ sự "ghê tởm" đối với các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Ông nói với giới truyền thông Nga rằng, các biện pháp đó dựa trên những ý kiến "hoàn toàn bị bóp méo" về những gì xảy ra tại Ukraina.

Hãng tin Bloomberg ngày 28/4 cho biết, giới quan chức Mỹ và chuyên gia an ninh đã cảnh báo rằng, tin tặc Nga có thể tổ chức tấn công mạng máy tính các ngân hàng Mỹ và công ty lớn để trả đũa biện pháp trừng phạt mới mà Washington đang chuẩn bị áp dụng với Nga.

Theo thỏa thuận Geneve đạt được ngày 17/4 giữa Nga, Mỹ, EU và Ukraina, để giảm thiểu tình hình tại các tỉnh miền Đông Ukraina, phe biểu tình phải rút khỏi các tòa nhà chiếm đóng và chính quyền Kiev phải ngưng mọi cuộc trấn áp. Tuy nhiên, khi thỏa thuận trên còn chưa ráo mực, cả hai phía vẫn tiếp tục đụng độ nhau.

Thậm chí khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Kiev còn "xúi giục" chính quyền lâm thời tại đây tái mở chiến dịch đàn áp người biểu tình. Nếu Mỹ nói Nga đã không làm gì để hối thúc những người biểu tình thân Nga ở miền Đông Ukraina thực hiện cam kết Geneve thì thử hỏi Washington đã làm gì để buộc chính quyền Kiev thực thi thỏa thuận trên? Rõ ràng cách làm của Mỹ một lần nữa thể hiện chủ nghĩa bá quyền.

Trong lúc này, tại miền Đông Ukraina lại có thêm một điểm nóng mới. Theo AFP, một nhóm võ trang hùng hậu, bịt mặt, mặc quân phục tác chiến nhưng không đeo cấp bậc và huy hiệu đã chiếm tòa thị chính thành phố Kostiantynivka, gần Donetsk. Cách đó vài chục cây số, tình hình ở Slaviansk vẫn căng thẳng. Sau khi thả một sĩ quan của tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, những người biểu tình vẫn tiếp tục giam giữ 12 quan sát viên còn lại.

Còn tại Kharkov, Thị trưởng của thành phố này hôm 28/4 đã bị ám sát hụt. Tính đến ngày 29/4, mặc dù được chữa trị nhưng tính mạng người này vẫn đang trong tình trạng nguy kịch

Đan Kô (tổng hợp)
.
.