Mỹ tiêu tốn hàng tỉ USD cho công tác bảo mật thông tin

Thứ Tư, 01/08/2012, 11:35

Theo báo cáo hàng năm của Văn phòng Giám sát An ninh thông tin (ISO), mỗi năm Chính phủ Mỹ phải bỏ ra đến 11 tỉ USD chi phí cho công tác bảo mật, lưu trữ các hồ sơ mật, tăng hơn gấp đôi so với cách đây một thập niên. Các khoản chi phí này không bao gồm ngân sách bảo mật cho các cơ quan tình báo như CIA và NSA và một số cơ quan tình báo khác.

John P. Fitzpatrick, người đứng đầu Cơ quan ISO cho biết, nếu cộng luôn các chi phí đó thì chi phí bảo mật chung của toàn ngành tình báo an ninh có thể tăng thêm 20%, lên đến khoảng 13 tỉ USD, nhiều hơn ngân sách cả năm của Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA).

Theo báo cáo của ISO, các chi phí bảo mật bao gồm chi phí cho việc điều tra nhân thân những người nộp đơn yêu cầu cấp chứng chỉ an ninh (security clearance), chi phí mua sắm các thiết bị bảo đảm an ninh thông tin như két sắt, tủ an toàn, các thiết bị vi tính chuyên dụng, chi phí tập huấn cho nhân viên chính phủ và tiền trả lương cho các quan chức phụ trách kiểm duyệt để phân loại văn bản bảo mật và giải mật.

Việc chi tiêu cho công tác bảo mật đã gia tăng đều đặn trong hơn một thập niên qua, một phần do việc Chính phủ Mỹ mở rộng các chương trình chống khủng bố sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, mặt khác còn do việc phải tiếp tục bảo vệ các bí mật thời Chiến tranh lạnh. Theo ISO, chi phí bảo mật vào năm 2001 chỉ khoảng 4,7 tỉ USD. Từ năm 2010 đến nay đã tăng 12%.

http://antg.cand.com.vn/Uploaded_ANTG/phuonglien/22_1van1180-400.jpg
Một văn bản đóng dấu mật.

Việc gia tăng chi phí bảo mật thông tin lại xảy ra đúng vào lúc dư luận Mỹ đang tranh luận về công tác bảo mật và hàng loạt vụ việc rò rỉ thông tin (đã có 6 vụ việc rò rỉ thông tin được đưa ra tòa án xét xử, trong đó có cả vụ tiết lộ hồ sơ mật của trang WikiLeaks) khiến dư luận đặt câu hỏi liệu các chi phí cao ngất trời ấy có thỏa đáng hay không. Châm ngòi cho tranh luận là việc trang WikiLeaks đã liên tục tung ra hàng triệu trang hồ sơ ngoại giao Mỹ từ cuối năm 2010 đến nay (mới đây nhất là 2,5 triệu trang tài liệu về Syria).

Hậu quả của những vụ việc rò rỉ thông tin này không hề nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, đến uy tín ngoại giao của nước Mỹ, làm lu mờ và làm xấu đi hình ảnh của nước Mỹ với vai trò là một "siêu cường" có trách nhiệm toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập về bảo mật thông tin thì không xem những vụ rò rỉ thông tin ấy là vấn đề mà chủ yếu vấn đề nằm ở chính bản thân hệ thống bảo mật thông tin. Việc đưa tất tần tật các loại văn bản, thông tin vào bảo mật chung với các bí mật quốc gia là một sự lãng phí không cần thiết. Hơn nữa, chi phí còn bị đội lên do việc chậm giải mật các thông tin, bí mật thời Chiến tranh lạnh, từ những năm 60 đáng lẽ ra đã phải giải mật từ thập niên 90 thế kỷ trước. Thậm chí, các cơ quan tình báo, như CIA, còn nhờ đến phán quyết của tòa án để bảo vệ các bí mật bất chấp Luật Tự do thông tin (FOIA).

Đơn cử, một phiên tòa hồi tháng 5 vừa qua đã phán quyết cho phép CIA được tiếp tục bảo mật 1 trong 5 tập hồ sơ về chiến dịch tai tiếng Vịnh Con Heo vào năm 1961, trong đó CIA đã giúp huấn luyện cho thành phần Cuba lưu vong và tung về nước gây ra các cuộc "bạo loạn lật đổ" nhưng bất thành.

Ngoài ra, từ nhiều năm qua, CIA cũng bỏ nhiều công sức để chống lại các phiên tòa đòi cơ quan này phải giải mật thông tin liên quan đến các quan chức CIA phụ trách giám sát nhóm sát thủ chuyên ám sát nguyên Chủ tịch Cuba Fidel Castro.

Ông Fitzpatrick cho rằng, CIA có lý do và được phép tiếp tục bảo vệ các bí mật này (vì nhìn chung Mỹ vẫn còn theo đuổi chính sách thù địch đối với Cuba và nguyên Chủ tịch Fidel Castro). Theo Fitzpatrick, việc giải mật thông tin rất phức tạp vì có liên quan đến nhiều thứ, như nguồn thông tin, phương thức thu thập thông tin,... hoặc thậm chí một thỏa thuận nào đó với một quốc gia nào đó cần tiếp tục bảo vệ các bí mật

Quốc Vương (theo New York Times)
.
.