Myanmar: Bão Nargis gây thiệt hại lớn, công tác cứu trợ và cứu nạn vẫn gặp khó khăn

Thứ Hai, 26/05/2008, 14:15
Myanmar vừa kết thúc 3 ngày quốc tang  (từ 20 đến 22/5) để tưởng niệm các nạn nhân của trận bão huỷ diệt Nargis. Đây được coi là một trong những thảm hoạ kinh khủng nhất trong lịch sử Myanmar.

Theo thống kê của Chính phủ Myanmar, đã có ít nhất 134.000 người bị thiệt mạng và mất tích do trận bão Nargis xảy ra cách đây hơn 20 ngày. Điều đáng nói là mặc dù trận bão Nargis đổ bộ vào Myanmar từ hôm 2 và 3/5, nhưng cho đến nay Chính phủ Myanmar vẫn phản ứng khá chậm chạp trong việc tiếp nhận hàng cứu trợ của cộng đồng quốc tế, cũng như cho phép nhân viên cứu trợ quốc tế nhập cảnh vào nước này.

Trong khi Đại sứ của Myanmar ở Liên Hiệp Quốc (LHQ) Kyaw Tint Swe tuyên bố, nước này sẵn sàng nhận viện trợ từ bất cứ nước nào, nhưng tình hình thực tế không diễn ra như vậy. Quân đội Myanmar muốn tự mình phân phát hàng tới những vùng bị ảnh hưởng. Điều đáng nói là trong khi hàng triệu nạn nhân đang chờ hàng cứu trợ từng ngày, từng giờ thì Chính phủ Myanmar vẫn tiếp tục kế hoạch trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng từng tỏ thái độ về vấn đề này - điều quan trọng nhất hiện nay là huy động tất cả mọi nguồn lực để đối phó với tình hình khẩn cấp do bão Nargis gây ra. Ông John Holmes, người phụ trách các công việc nhân đạo của LHQ từng bày tỏ thái độ thất vọng trước tiến độ chậm chạm trong việc tiếp cận hàng cứu trợ của Chính phủ Myanmar.

Cách đây 2 tuần (ngày 8/5), ông John Holmes đã cảnh báo, nếu không nhanh chóng đưa hàng cứu trợ đến những nơi cần thiết thì thảm họa sẽ rất tồi tệ. Ông John Holmes thực sự cảm thấy chán nản sau khi 4 chuyên gia đánh giá tình hình của LHQ không được phép vào Myanmar cho dù họ có đủ giấy tờ.

Theo giới truyền thông, chỉ 4 ngày sau khi bão Nargis tràn qua Myanmar, hôm 7/5, đại diện ngoại giao của Mỹ tại Rangoon, bà Shari Villarosa đã cho biết, con số người chết có thể lên đến 100.000 và khoảng 95% công trình xây dựng ở khu vực đồng bằng Irrawaddy đã bị phá hủy. Những nhà cứu trợ đã tới vùng chịu ảnh hưởng của bão cho biết, nhiều ngôi làng tại đây vẫn đang ngập trong bùn và không có nền đất cứng cho trực thăng hạ cánh.

Giới quan sát cho rằng, Chính phủ Myanmar buộc phải nới lỏng những hạn chế trước đó bởi họ đã nhận ra sự tàn phá khủng khiếp của trận bão Nargis - vượt quá sức tưởng tượng, cũng như khả năng giải quyết của họ. Trước sự thúc ép của dư luận cũng như cộng đồng quốc tế, ngày 20/5, Chính phủ Myanmar đã cho phép sử dụng 9 máy bay lên thẳng của chương trình lương thực thế giới đưa hàng cứu trợ đến cho các nạn nhân tại những khu vực chưa được tiếp cận.

Và 10 chuyến bay khác cũng đã được phép bay vào những khu vực kể trên bắt đầu từ hôm 22/5. Ngày 21/5, tờ Ánh sáng Mới đưa tin, theo đó Myanmar sẽ không cho phép máy bay lên thẳng và tàu chiến Mỹ tiến hành phân phát hàng cứu trợ cho các nạn nhân của trận bão Nargis.

Được biết, nhiều tàu chiến của Mỹ và Pháp đang hoạt động trong vùng biển ngoài khơi Myanmar đã sẵn sàng vận chuyển hàng cứu trợ tới những người còn sống sót sau trận bão kinh hoàng này. Theo tờ Ánh sáng Mới, Chính phủ Myanmar từ chối nhận hàng cứu trợ của Mỹ vì sợ Mỹ sẽ nhân cơ hội này can thiệp vào tình hình nội bộ nước họ.

Về phần mình, Mỹ từng từ chối ý tưởng thả đồ cứu trợ từ trên không xuống những vùng chịu ảnh hưởng của trận bão Nargis sau khi Myanmar không cho phép đưa máy bay vào không phận. Cũng trong ngày 21-5, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã gặp Thủ tướng Thein Sein để thảo luận về một nỗ lực mới của tổ chức này nhằm điều phối viện trợ quốc tế cho các nạn nhân của trận bão Nargis.

Hiện nay, tình hình đang rất nghiêm trọng bởi các nỗ lực cứu trợ chỉ đến được với khoảng 1/4 số người gặp khó khăn. Ngoài ra, nguy cơ dịch bệnh và những hệ lụy khác sẽ diễn ra nếu hàng cứu trợ không được đưa tới kịp thời những vùng bị thiên tai. Giới chuyên môn cho biết, dịch bệnh bắt đầu lây lan bởi hàng chục nghìn xác chết trôi trên sông ở vùng châu thổ Irrawaddy.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tổng thiệt hại về kinh tế của trận bão Nargis đã lên tới hơn 10 tỉ USD nhưng Chính phủ Myanmar cần nhận được khoản viện trợ trị giá khoảng 11 tãỉ USD để khắc phục hậu quả sau khi các nhà viện trợ quốc tế đánh giá xong tình hình.

Được biết, Chính phủ Myanmar sẽ lập nhiều trại mồ côi cho những đứa trẻ bị mất cha mẹ trong trận bão Nargis. Dự kiến những trại này sẽ được mở tại quận Pyapon và các thị trấn vùng châu thổ sông Irrawaddy, Labutta, những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của bão Nargis.

Để nắm rõ tình hình thiệt hại do bão Nargis gây ra, trong 2 ngày 22 và 23/5, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã tới Myanmar. Ông đã gặp Ngoại trưởng Nyan Win ở Yangon, Thủ tướng Thein Sein và Thống tướng Than Shwe tại thủ đô mới Naypyidaw.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Thein Sein, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh, các nhà viện trợ quốc tế cần được phép vào Myanmar để đánh giá tình hình thảm họa và kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường ủng hộ Myanmar trong việc khắc phục hậu quả của trận bão Nargis đã vượt quá tầm kiểm soát của chính phủ nước này.

Sau khi thăm Myanmar, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã kêu gọi và thúc giục Chính phủ Myanmar có những bước hợp tác mới và mở rộng hơn nữa việc tiếp nhận hàng cứu trợ của cộng đồng quốc tế bởi mục đích của việc này là cứu sống những sinh mạng đang bị đe dọa bởi hàng cứu trợ vẫn chưa tới được những vùng sâu, vùng xa và hẻo lánh.

Theo đánh giá của LHQ, hiện mới chỉ có gần 1/4 trong tổng số 2,5 triệu người bị ảnh hưởng của trận bão Nargis nhận được hàng cứu trợ. Có thể con số thiệt hại về người và của sẽ tăng lên nếu như công tác cứu trợ không được tiến hành khẩn trương. Hy vọng trong những ngày tới, công tác cứu trợ, cứu nạn ở Myanmar và việc tiếp nhận cứu trợ ở nước này được tăng cường, để giúp đỡ người dân vượt qua thảm họa, từng bước ổn định cuộc sống

Nguyễn Diệu Hương Ly (Tổng hợp)
.
.