Myanmar: Biến tướng “Phong trào 969”

Thứ Hai, 08/04/2013, 09:35

Từ hơn một tuần qua, miền Trung Myanmar liên tiếp xảy ra những vụ nổi loạn dữ dội chống lại người Hồi giáo. Khi nhà nghiên cứu Maung Zarni đưa ra nhận định: Hành động đàn áp người Rohingya và người Hồi giáo tại Myanmar tựa như một dạng tân Quốc xã, một số người dân Myanmar cho rằng ông ta đã đi quá lố. Những bài xã luận của phương Tây cũng tránh từ ngữ đó. Tuy nhiên, hiện nay các bức ảnh chụp cảnh bạo loạn chống người Hồi giáo ngày 20/3 vừa qua tại Meiktila đã cho thấy rằng nhận định của Maung Zarni là có cơ sở.

Các vụ bạo loạn đó xảy ra sau một vụ xích mích giữa những người Hồi giáo buôn bán vàng và các khách hàng theo Phật giáo đã làm chết hơn 30 người, hàng chục đền thờ, trường học và nhà của người Hồi giáo bị phá hủy. Hàng ngàn người thuộc cả 2 tôn giáo đã rời bỏ thành phố đang chìm trong lửa, bỏ lại sau lưng các thi thể và nhà cửa đã cháy rụi. Tờ Eleven News tại Rangoon đã đăng các bức ảnh cho thấy một dòng người Hồi giáo bị buộc phải rời bỏ thành phố. Điều gây phản cảm trong các bức ảnh đó là những người tị nạn, cả phụ nữ, người già và trẻ em, đang giơ cao tay trong khi lực lượng cảnh sát đi theo họ.

Các hình ảnh đó không phải là điểm chung duy nhất giữa phong trào bài Hồi giáo tại Myanmar và khuynh hướng tân Quốc xã. Nhưng quan trọng nhất là những động thái đó có liên quan đến "Phong trào 969" được khởi xướng từ đầu năm. Phong trào này được chỉ đạo bởi các nhà sư cực đoan, trong đó người cầm đầu là Wirathu. Tinh thần chủ đạo của Phong trào 969 nhằm che chở cho giống nòi và tín ngưỡng bằng những phương cách ôn hòa. Nhưng những người cổ súy phong trào đã hô hào công khai bài người Hồi giáo mà không hề tuân theo giáo điều của đức Phật.

Trên cả nước, người ta thấy có các tiểu ban của phong trào chuyên tổ chức những sự kiện, giảng đạo và phân phát các đĩa CD, sách và cả truyền đơn chống Hồi giáo. Nhiều tuyên ngôn còn khẳng định rằng, người Hồi giáo kiểm soát nền kinh tế trong nước, tín đồ Phật giáo không nên buôn bán với họ. Những thành viên phong trào kêu gọi phật tử nên mua bán với các cửa hiệu của phật tử có treo biển và dán giấy 969.

Tại bang Karen, thậm chí phật tử còn bị buộc chỉ  mua hàng của các nhà buôn phật tử. Giờ đây Phong trào 969 lan rộng sang hàng loạt ngành kinh doanh, từ nhà hàng đến chủ tiệm trà hay gánh hàng rong. Còn có nhiều yếu tố quan trọng hơn. Chẳng hạn như người ta công khai nỗi lo sợ về tương lai Hồi giáo có thể đô hộ quốc gia Phật giáo nếu không có biện pháp nào được thực thi để  chế ngự và tiệt trừ ảnh hưởng của họ!

Thành phố Meiktila chìm trong biển lửa.

Việc hàng trăm người nghe theo những lời thuyết giảng của Phong trào 969 là bằng chứng cho thấy sự lớn mạnh của phong trào. Dư luận không chỉ chấp nhận luận thuyết mà còn tham gia vào các hoạt động của phong trào như phá hủy nhiều cửa hàng của người Hồi giáo tại bang Môn vào đầu tháng 3. Trên các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, nhiều nhóm mang tên theo tiếng Myanmar có liên kết với phong trào 969. Có những nhóm như Myanmar National Movement Committee được 15.499 người "yêu thích". Những lời bình của cư dân mạng phản ảnh sự ủng hộ đối với phong trào.

Nếu chính quyền Myanmar để mặc cho phong trào bành trướng, xã hội sẽ phân hóa và chìm trong căng thẳng cộng đồng, bạo lực triền miên. Chỉ một vụ xích mích riêng tư đã biến thành bạo loạn lan rộng tại Meiktila, thực trạng này đã đưa ra dấu hiệu đáng báo động

M.L. (theo Courrier International)
.
.