NATO thay đổi chiến lược ở Afghanistan

Thứ Sáu, 30/10/2009, 04:40
Bảo vệ thường dân hơn là săn lùng tàn quân Taliban, ưu tiên cho việc huấn luyện quân đội và cảnh sát Afghanistan để có khả năng thay thế lực lượng quốc tế. Đó là những thay đổi chính tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng khối NATO họp tại Bratislava, Slovakia, hôm 23/10. Tuy nhiên, tất cả còn phải trông chờ vào kết quả bầu cử vòng 2 ngày 7/11 tới.

Với tổn thất nhân mạng lên đến mức kỷ lục, hơn 400 quân nhân tử trận tính từ đầu năm đến nay, 28 quốc gia thuộc khối NATO buộc phải thay đổi phương pháp để tránh thất bại ở Afghanistan: tăng cường hỗ trợ quân sự và dân sự trong thời gian ngắn để củng cố sức mạnh cho quân đội và chính quyền Kabul, rồi về lâu dài sẽ rút dần khỏi vùng đất này.

"Chúng ta cần dấn thân hơn nữa vào thời điểm này, để tương lai chúng ta ít phải tốn kém nhân mạng và tiền của" - lời của Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, tại hội nghị của khối hôm 23/10. Đây cũng là trọng tâm chiến lược mới mà Nhà Trắng sẽ phải quyết định trong thời gian tới.

Tư lệnh lực lượng quốc tế tại Afghanistan (ISAF), tướng Stanley McChrystal đã đến dự cuộc họp ở Bratislava để giải thích rõ kế hoạch của ông nhằm cứu vãn tình thế ở Afghanistan. Thứ nhất, phải chú trọng bảo vệ thường dân hơn là săn lùng quân Taliban. Thứ hai, dành ưu tiên cho việc huấn luyện quân đội và lực lượng cảnh sát Afghanistan có khả năng thay thế lực lượng quốc tế.

Làm như vậy, lực lượng quốc tế sẽ không còn bị xem như là một quân đội ngoại bang chiếm đóng Afghanistan và dư luận phương Tây sẽ không còn chỉ trích sự can thiệp của quốc tế vào Afghanistan, mà kết quả không có gì là bảo đảm.

Quan điểm trên của tướng McChrystal đã được toàn thể bộ trưởng các nước đồng minh ủng hộ. Họ nhìn nhận rằng truy lùng và tiêu diệt quân Taliban chưa đủ để giải quyết vấn đề Afghanistan. "Cách duy nhất để ngăn không cho Afghanistan trở thành một ổ khủng bố, đó là tạo cho quốc gia này đủ sức mạnh để chống trả lại khủng bố" - ông Rasmussen nhận định.

Theo mục tiêu đó, khi nào có thể được, sau một thời gian chuyển tiếp, lực lượng quốc tế sẽ bắt đầu trao lại các trách nhiệm quân sự cho quân đội Afghanistan. Việc chuyển giao này sẽ được thực hiện theo từng huyện, từng tỉnh. Có thể coi đây là tiến trình Afghanistan hóa chiến tranh.

Như vậy, cũng giống như vấn đề về quan hệ với Nga, lần đầu tiên kế hoạch của Mỹ về Afghanistan cho thấy ánh sáng cuối đường hầm, hoàn toàn khác với mọi chiến dịch quân sự và ngoại giao của chính quyền G.W. Bush.

Một phần quan trọng để NATO và Mỹ có thể áp dụng chiến lược mới này sẽ diễn ra ngày 7/11 tới tại Afghanistan, với vòng hai cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh cãi. Khác với vòng một cuộc bầu cử, điều dư luận quan tâm nhất ở đợt bầu cử vòng 2 không phải là việc ai sẽ là người trúng cử (đương kim Tổng thống Hamid Karzai hay ứng cử viên Abdullah Abdullah) mà lại là liệu vòng bầu cử này có thật minh bạch, công bằng, dân chủ và không có gian lận. Một chính quyền đáng tin cậy và trung thực tại Afghanistan sẽ là điều kiện tiên quyết nếu muốn bóp nghẹt sự nổi dậy của Taliban.

Nhưng để thực hiện kế hoạch nói trên, cần phải có thêm nhân lực và tài lực, nhất là phải có thêm nhiều sĩ quan huấn luyện để hỗ trợ quân đội Afghanistan. Chính thức thì 28 nước thành viên NATO đã chả nói gì tới vấn đề này.

Giới phân tích nhận định, sự thành bại của chiến lược mới này nằm ở chỗ các quốc gia thành viên phương Tây trong NATO biến sự ủng hộ của họ đối với kế hoạch của tướng McChrystal thành sự chia sẻ trách nhiệm như thế nào.

Tại cuộc họp ở Bratislava, các bộ trưởng khối NATO chưa cam kết gửi quân tăng viện theo như đề nghị của tướng McChrystal. Viên tướng này đã đề nghị gửi thêm từ 10 đến 40 nghìn lính Mỹ để bảo đảm thành công cho chiến lược mới ở Afghanistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết có thể trong khoảng 2 hoặc 3 tuần nữa, ông sẽ đệ trình các khuyến nghị lên Tổng thống Obama, để chủ nhân Nhà Trắng lấy quyết định. Yêu cầu tăng quân và tài chính đối với các nước châu Âu hiện nay đem lại ít hy vọng cho Washington.

Dư luận châu Âu hiện chưa sẵn sàng cho việc này, nhất là vào thời điểm tổn thất nhân mạng đạt mức kỷ lục cũng như những khoản chi cho quân sự tại các nước châu Âu lại đang giảm rõ rệt. Hai quốc gia châu Âu đóng góp lớn cho ISAF là Pháp và Anh đã tỏ rõ quan điểm.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết Paris sẽ không gửi thêm bất cứ người nào sang Afghanistan, còn Thủ tướng Anh Gordon Brown vừa quyết định tăng cường thêm 500 lính. Đức không có động thái gì vì nước này đang trong tiến trình thành lập  nội các. Một số nước khác như Đan Mạch, Hà Lan muốn chờ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan.

Theo các nhà quan sát, sự can thiệp của quốc tế có mang tính chính đáng hay không là tùy thuộc phần lớn vào kết quả cuộc bầu cử này. Tuy nhiên, hiện đã có nhiều yếu tố khiến người ta bi quan về diễn tiến của vòng hai: nguy cơ gian lận phiếu, tỉ lệ tham gia thấp, bạo động của phe Taliban, cộng thêm thời tiết mùa đông khắc nghiệt sắp tới, khiến việc đi lại càng thêm khó khăn.

Trong bối cảnh như vậy, chiến lược mới của khối NATO sẽ khó đem lại hiệu quả như mong muốn và như vậy lực lượng quốc tế còn lâu mới thoát ra được vũng lầy Afghanistan

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.