NATO và thách thức thời cuộc

Thứ Tư, 10/09/2014, 15:55

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa nhóm họp cấp cao thường niên trong 2 ngày 4 và 5/9 tại thành phố Newport, Xứ Wales, Anh. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên của tổ chức này đang đối mặt với mối đe doạ an ninh và lợi ích bởi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS), đồng thời quan hệ giữa một số nước thành viên khối này với Nga, "đối thủ" truyền thống, đang rất xấu do khủng hoảng chính trị tại Ukraina. Một lần nữa, vấn đề "tồn tại hay không tồn tại" lại được đặt ra đối với khối quân sự này.

"Mềm nắn rắn buông"

Thách thức lớn nhất mang tính sống còn đối với NATO hiện nay là đối xử thế nào với nước Nga đang công nhiên thách thức. Cách đối xử tùy thuộc vào việc nước Nga đã làm gì ở Ukraina và tình hình khủng hoảng Ukraina sẽ được giải quyết ra sao. Cho đến nay, Mỹ và các thành viên châu Âu của NATO chủ yếu chỉ sử dụng công cụ "cấm vận kinh tế" như một biện pháp gây khó khăn về kinh tế nhằm buộc nước Nga phải thay đổi chính sách đối với Ukraina.

Ngày 4/9, Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nước Nga, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực tài chính ngân hàng, năng lượng và vũ khí. Trong đó, nước Pháp đã đồng ý tạm dừng việc giao hàng một chiếc hàng không mẫu hạm cho nước Nga dự kiến vào tháng 10 tới.

Nếu chọn lựa cách đối đầu với nước Nga, NATO sẽ gặp không ít khó khăn không chỉ về mặt quân sự mà cả về chính trị và pháp lý. Từ lâu nay, NATO vẫn theo đuổi chính sách mở rộng biên giới về phía đông nhằm khống chế, kìm hãm không gian ảnh hưởng của Nga. Nhưng tham vọng đó đã vấp phải sự phản đối không chỉ từ Nga mà cả một số quốc gia thành viên của khối. Vì thế, trong hơn một thập niên qua, NATO đã chọn phương án thỏa hiệp, hợp tác an ninh, xây dựng đối tác hòa bình với Nga thông qua Hội đồng Hợp tác an ninh Nga - NATO.

Cuộc chiến Nga - Gruzia năm 2008 đã chứng minh rằng, cho dù rất muốn bảo bọc, lôi kéo Gruzia để tạo dựng đồng minh vây quanh nước Nga, NATO cũng khó lòng thực hiện thành công một khi chính đối tượng không muốn - hoặc không dám.

Đến lượt Ukraina, quốc gia đang có quy chế Đối tác hành động thành viên, gần với NATO nhất, NATO cũng không thể tiến hành thủ tục kết nạp thành viên cho dù Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã lên tiếng xin gia nhập tổ chức này để tìm kiếm sự bảo vệ cần thiết (sau khi Kiev cáo buộc Nga đưa quân và xe tăng vào miền Đông Ukraina).

Về nguyên tắc theo Hiến chương NATO, việc kết nạp Ukraina sẽ phải được sự đồng thuận của tất cả 28 nước thành viên, và từng thành viên phải có trách nhiệm "bảo vệ" Ukraina nếu nước này gặp nguy hiểm. Một ngày trước Hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố thẳng thắn với các đại biểu tại Hội đồng Nghị viện NATO (NATO PA) rằng, "Ở NATO, mục tiêu là kiềm chế chứ không phải khiêu khích nước Nga".

Tại Hội nghị Newport, vấn đề đối xử thế nào với nước Nga đã được mang ra bàn bạc với quan điểm chủ đạo là "không khiêu khích nước Nga". Các thành viên NATO không thể không quan tâm đến các tuyên bố phản đối của các quan chức Nga đối với việc Ukraina gia nhập NATO.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraina đang đặt ra thách thức lớn cho NATO với vai trò một khối quân sự lớn duy nhất trên thế giới.

Biểu hiện rõ nhất sự ủng hộ của các đồng minh NATO dành cho Ukraina chỉ là sự tiếp đãi trọng thị như thượng khách tại Hội nghị Newport. Lãnh đạo 5 nước mạnh nhất NATO là Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italia đã có những cuộc gặp riêng với Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko để thảo luận về tình hình xung đột giữa Ukraina với nước Nga và đồng thanh hứa lập ra các quỹ tập thể có tổng trị giá khoảng 16 tỉ USD để hỗ trợ Ukraina hiện đại hóa quân đội.

Những lời hứa này nghe có vẻ rất hào phóng, nhưng giới phân tích cho rằng "tượng trưng" là chính. Giới phân tích cho rằng, cái chính của Hội nghị NATO là "vạch một lằn ranh ở phía tây Ukraina". Không ai hoàn toàn bỏ rơi Ukraina, nhưng phải thừa nhận là không thành viên nào của NATO, kể cả Mỹ, muốn đối đầu với Nga trên đất Ukraina.

Trước thềm Hội nghị NATO, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã thông báo một kế hoạch bảo đảm an ninh chung có tên gọi là Kế hoạch Hành động Sẵn sàng (RAP), và được mang ra thảo luận chính thức tại hội nghị vào ngày 5/9. Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch RAP là việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh (RRF) với khoảng 4.000 quân, có khả năng triển khai trong vòng 48 tiếng đồng hồ trong tình huống quân đội Nga triển khai vào lãnh thổ một thành viên NATO.

Bên cạnh đó, NATO cũng sẽ tăng cường kho vũ khí tiên tiến và nhiên liệu quân dụng nhằm bảo đảm cho tình huống bảo vệ tốt hơn cho các đồng minh. Báo chí phương Tây nhận định động thái nêu trên mang tính chất một giải pháp tình thế nhằm mục đích chủ yếu "trấn an" các thành viên phía đông (Ba Lan và 3 nước Baltic) hơn là thực sự muốn đối đầu với Nga.

Thật vậy, trong khi các đồng minh phía đông thật sự muốn NATO xây dựng các căn cứ quân sự thường trực nằm gần sát biên giới nước Nga, nhưng các đồng minh Tây Âu không đồng ý với yêu cầu này, cho rằng từ năm 1997, Tây Âu và NATO đã cam kết với Nga là không đưa trang thiết bị quân sự đến gần biên giới Nga.

Ngày nay, cho dù Nga đang có những hành động cứng rắn, quyết liệt với Ukraina, kể cả việc thu hồi bán đảo Crimea và hỗ trợ cho quân ly khai ở miền Đông Ukraina, thì NATO và Tây Âu cũng không thể vin vào cớ ấy để có những hành động gây hấn, khiêu khích nước Nga.

"Ung nhọt" ISIS

Nhà phân tích Robin Niblett, Giám đốc Chatham House (một tổ chức nghiên cứu chiến lược), nhận xét: "Hội nghị NATO diễn ra vào thời điểm vai trò lãnh đạo quốc tế của phương Tây đang rệu rã. Thách thức không chỉ đến từ Nga và Trung Quốc, mà còn là sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố cực đoan tàn bạo Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS). Ngày 1/9 vừa qua, ISIS tiếp tục tung ra video cảnh "cắt thủ cấp" nhà báo Mỹ thứ hai tên là Steven Scotloff rùng rợn gây chấn động toàn cầu. Nước Mỹ lại gầm lên. Tổng thống Mỹ Barack Obama lại lên tiếng "quyết tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo đến cùng".

Bên cạnh đó, ISIS cũng đe dọa sẽ tiếp tục hành quyết một nhân viên cứu trợ người Anh. Trước tình hình cấp bách do mối đe dọa ISIS đặt ra, Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã lên diễn đàn Hội nghị NATO ở Newport để vận động xây dựng một liên minh chống ISIS toàn cầu. Chiến thuật dùng máy bay ném bom ISIS ở Iraq hiện nay đang cho thấy không mang lại hiệu quả như mong muốn, nó cho thấy sự lúng túng, bế tắc trong chiến lược đối phó của Washington.

ISIS đang nổi lên như một mối đe dọa mới cực kỳ nguy hiểm và khó lường.

Nhà báo Ewen MacAskill viết trên tờ The Guardian của Anh rằng, NATO nhờ có khủng hoảng Ukraina và mối đe dọa khủng bố từ ISIS mà khối NATO mới có lý do để thể hiện vai trò mới của mình sau hàng chục năm "tồn tại chẳng ra tồn tại". Những sự kiện đó được Mỹ và các đồng minh trong NATO xem như thách thức, mối đe dọa mới để từ đó tự làm mới mình, tự cải thiện hình ảnh, vai trò của một tổ chức liên minh quân sự, chính trị đã 65 năm tuổi, tưởng chừng không còn phù hợp với tình hình mới.

Đặc biệt, sau khi đã sa lầy trong hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, rồi những trục trặc nội bộ trong cuộc không kích Libya năm 2011, NATO đã chứng minh là không thể thực hiện tốt vai trò bảo đảm các lợi ích quân sự bên ngoài biên giới của khối. Nhưng NATO sẽ tự làm mới như thế nào vẫn tiếp tục là đề tài bàn bạc, thảo luận qua nhiều cuộc hội nghị mà vẫn chưa tìm được câu trả lời. NATO quyết định các vấn đề trên nguyên tắc đồng nhất, nhưng trên thực tế, các thành viên khối không hoàn toàn thống nhất ý kiến, không đồng thuận trong nhiều vấn đề. Chỉ riêng vấn đề chi phí quân sự thôi cũng đang gây chia rẽ sâu sắc nội bộ.

Mỹ hiện đang là nước gánh chi phí cao nhất, đến trên 70% kinh phí hoạt động của khối, trong khi đa số các quốc gia thành viên còn lại đều không đáp ứng được chỉ tiêu chi 2% GDP cho chi phí quân sự. Mỹ đang hy vọng cuộc khủng hoảng Ukraina và mối đe dọa ISIS sẽ thúc đẩy các nước thành viên NATO khác tăng mức chi tiêu quân sự để nước này giảm bớt gánh nặng chi phí. Nhưng sự mong đợi này sẽ rất mong manh vì hiện tại nhiều nước ở châu Âu vẫn đang gặp khó khăn về kinh tế, cho nên buộc phải cắt giảm chi phí quân sự hàng năm

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.