Nam Mỹ: Vì sao quan hệ giữa Venezuela, Ecuador với Colombia căng thẳng?

Thứ Tư, 12/03/2008, 17:00
Tình hình quan hệ giữa Colombia với 2 nước láng giềng Venezuela và Ecuador đã trở nên hết sức căng thẳng trong suốt tuần qua khiến cả thế giới quan tâm và lo ngại. Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) và một số nước lớn trong khu vực Mỹ Latinh đang nỗ lực tìm cách giải tháo ngòi nổ xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Dư luận đang đặt câu hỏi lớn về vai trò của Washington trong vụ việc này.

Ngày 3/3, Venezuela và Ecuador đã đồng loạt cắt quan hệ ngoại giao với Colombia. Ecuador đã triệu hồi đại sứ về nước, trong khi Venezuela triệu hồi đại sứ từ Bogota đồng thời trục xuất đại sứ và các nhà ngoại giao Colombia ra khỏi nước này. Đây là bước leo thang cao nhất trong cuộc xung đột nóng đang diễn ra giữa 2 nước với Colombia.

Châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiện nay chính là cuộc tập kích của quân đội Colombia vào sâu trong lãnh thổ của Ecuador diễn ra vào đêm 1/3. Quân đội Colombia đã giết chết nhà lãnh đạo số 2 của Lực lượng du kích cách mạng Colombia (FARC) Raul Rayes.

Sáng ngày 2/3, khi tin tức về vụ đột kích của quân đội Colombia được báo chí đăng tải, tình hình quan hệ với 2 nước láng giềng của Colombia bắt đầu trở nên căng thẳng. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã ra lệnh cho quân đội điều động 10 tiểu đoàn bộ binh và thiết giáp lên vùng biên giới Colombia. Tiếp sau Venezuela, Ecuador cũng điều động bộ binh tập kết dọc biên giới với Colombia.

Ngày 3/3, cuộc đấu khẩu nảy lửa giữa Ecuador, Venezuela và Colombia đã bắt đầu. Tổng thống Chavez lên tiếng chỉ trích Tổng thống Colombia Alvaro Uribe "dối trá" trong việc biện minh cho hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Ecuador khi ông Uribe nêu lý do đột kích không thỏa đáng.

Ban đầu Tổng thống Uribe còn làm ra vẻ "xin lỗi" Ecuador, nhưng ngay hôm sau (4/3) đã lớn tiếng cáo buộc Venezuela và Ecuador "có dính líu với FARC" dựa vào "dữ liệu máy tính"(!?). Colombia còn đòi kiện ông Chavez ra Tòa án hình sự quốc tế (ICC).

Chưa hết, Chính phủ Colombia còn kêu ầm lên rằng "FARC đang tìm cách mua uranium để chế tạo bom bẩn"(!?). Sang ngày 5/3, các đơn vị vũ trang Venezuela tại khu vực biên giới đã được lệnh vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Hành động điều quân của ông Chavez lập tức thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận.

Giới quan sát không ngớt đưa ra những lời dự báo không hay về mức độ leo thang, có khả năng xảy ra xung đột vũ trang, nhất là khi các bên không kiềm chế và tiếp tục "khẩu chiến" căng thẳng như hiện nay.

Không chỉ có Venezuela, mà một số nước Nam Mỹ khác (Brazil, Chile, Argentina...) cũng đã chính thức lên án hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Ecuador của Colombia. Cho đến ngày 6/3, OAS đã nỗ lực tối đa để tháo ngòi nổ căng thẳng.

Sau cuộc họp khẩn ngày 4/3, OAS kết luận: Colombia đã phạm sai lầm khi cho quân tập kích vào lãnh thổ Ecuador, vi phạm chủ quyền lãnh thổ nước này. Điều đó có nghĩa là Colombia sẽ phải hành xử cho đúng với thông lệ ngoại giao quốc tế, với hiến chương Liên Hiệp Quốc và các cam kết đã ký với OAS.

Chuyện căng thẳng giữa Colombia với các nước láng giềng thật ra đã có căn nguyên từ lâu, chủ yếu xoay quanh cuộc nội chiến hơn 40 năm giữa Chính phủ Colombia với FARC. Nhiều lần xung đột ở Colombia đã làm cho tình hình an ninh ở các vùng biên giới của Venezuela và Ecuador bị ảnh hưởng. Và cũng vài lần, Colombia cáo buộc Venezuela với đường lối thiên tả đã ngầm ủng hộ và tài trợ cho FARC. Điều này chưa biết thực hư thế nào, nhưng rõ ràng những căng thẳng âm ỉ giữa Tổng thống Chavez với Tổng thống Colombia Uribe có liên quan đến FARC.

Gần đây nhất là vào năm 2007, Tổng thống Chavez đã nhận lời đứng ra làm trung gian hòa giải vấn đề con tin - một trong những gút mắc trong cuộc đấu tranh giữa FARC với Chính phủ Colombia. Tuy nhiên, sự hợp tác không suôn sẻ do 2 nhà lãnh đạo có những ý kiến khác nhau.

Mặc dù vậy, ông Chavez vẫn tự nguyện đơn phương tiếp tục cuộc thương lượng với FARC. Tháng 1/2008, 2 con tin đầu tiên được thả nhờ những nỗ lực của ông Chavez, mở ra hy vọng mới về triển vọng giải cứu các con tin tiếp theo. FARC trước sau vẫn khẳng định những con tin quan trọng (trong đó có cựu ứng cử viên Tổng thống Ingrid Betancourt, mang 2 quốc tịch Colombia và Pháp) sẽ chỉ được thả khi nào Chính phủ Colombia đáp ứng yêu cầu thả các du kích quân bị cầm tù.

Ngày 21/2, Ngoại trưởng Pháp Bernarde Kouchner đã bay sang Caracas không ngoài mục đích “nhờ” Tổng thống Chavez giúp giải quyết nhanh vấn đề con tin Colombia, trong đó có bà Ingrid Betancourt. Gần một tuần sau (27/2), thêm 4 con tin là các nghị sĩ Quốc hội Colombia được thả.

Thật trớ trêu, chỉ 3 ngày sau (1/3), FARC phải nhận lãnh một tổn thất lớn lao là thủ lĩnh Raul Rayes bị giết chết. Rayes chính là lãnh đạo FARC đã trực tiếp đàm phán hòa bình với Chính phủ của Tổng thống Andreas Pastrana.

Tiến trình đàm phán hòa bình khi đó tưởng chừng sắp đạt được kết quả mỹ mãn (chấm dứt hơn 40 năm xung đột) thì ông Pastrana hết nhiệm kỳ và không thể tái cử, khiến cho tương lai tiến trình hòa bình Colombia trở nên bấp bênh do Tổng thống mới Alvaro Uribe được đánh giá là nhân vật thân Mỹ, quyết không nhân nhượng phe du kích cánh tả FARC.

Còn có dư luận cho rằng bên trong vụ việc căng thẳng ngoại giao giữa Colombia với 2 nước láng giềng có vai trò nhất định của Mỹ. Với cái nhìn của giới phân tích tại khu vực thì Washington có rất nhiều thứ để quan tâm ở Colombia; cuộc chiến chống buôn bán cocain và diệt trừ cây coca chỉ là cái cớ, và "Plan Colombia" chỉ là vỏ bọc để Washington “cắm chốt” tại khu vực vốn đang ngày càng thiên tả này.

Với đồng tiền tài trợ, Mỹ muốn sử dụng Colombia làm quân bài bảo vệ các lợi ích của Mỹ trong khu vực, trong đó tài nguyên dầu mỏ của Colombia là quan trọng nhất. Từ Colombia, Mỹ có thể "tấn công" vào "Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI" của Tổng thống Chavez - người đối đầu gay gắt nhất với Washington trong khu vực

Trương Hùng
.
.