Bạo lực chống người nước ngoài lan rộng ở Nam Phi

Thứ Bảy, 02/05/2015, 12:40
Những cuộc tấn công bạo lực mới đây nhằm vào người nước ngoài, nhà cửa và nơi kinh doanh của họ ở thành phố cảng Durban của Nam Phi đã lan rộng đến vùng phía bắc thành phố Johannesburg - thành phố lớn nhất của nước này. Ít nhất có 5 người chết, trong đó có cậu bé 14 tuổi người Nam Phi, và hàng chục người bị bắt giữ tại Durban.

Khoảng 5.000 người đã tràn xuống các đường phố Durban biểu tình chống những cuộc tấn công bạo lực nhằm vào người nhập cư, đồng thời hô to: “Chấm dứt bài ngoại” và “Một châu Phi thống nhất”.

Nhà báo Ranjeni Munusamy viết trên Tờ Daily Maverick của Nam Phi: “Một quốc gia mà nơi đó người dân cầm dao đòi giết người ngay trước mặt hàng rào cảnh sát chống bạo động sẵn sàng nổ súng – đó là hình ảnh của Nam Phi thời Apartheid.

Nhưng, hiện nay đó lại là hình ảnh của Nam Phi thời hậu dân chủ”. Đối với các nhà quan sát địa phương, những cuộc tấn công bạo lực bùng nổ sau một thời gian dài kìm nén căng thẳng giữa những người Nam Phi cùng khổ và dân nhập cư có cuộc sống khá giả ở một đất nước mà tỷ lệ thất nghiệp đã tăng đến con số 25,5%. Bạo lực lan tràn được coi là cú sốc quá lớn cho những người Nam Phi vốn hãnh diện về sự quá độ tương đối hòa bình đến nền dân chủ sau nhiều thập niên sống dưới chế độ Apartheid.

Dewa Mavhinga, nhà nghiên cứu của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) ở Nam Phi, bình luận: “Những cuộc tấn công bạo lực ở Durban xảy ra bởi vì chính quyền đã không giải quyết được gốc rễ của làn sóng bài ngoại”.

Mavhinga là người Zimbabwe làm việc ở Johannesburg và mới đây ông quyết định trở về quê hương sau khi chứng kiến bạo lực chống người nước ngoài đang diễn ra đến mức kinh hoàng ở Nam Phi. Bất chấp cam kết từ cảnh sát và chính quyền rằng người nước ngoài sẽ được bảo vệ, Mavhinga cũng như những người nhập cư khác vẫn ngày đêm nơm nớp lo sợ cho tính mạng của mình.

Giai đoạn bạo lực hiện nay   buộc hàng chục ngàn người nước ngoài phải thay đổi nơi cư trú - gợi nhớ đến những cuộc tấn công chống người nước ngoài tương tự đã xảy ra năm 2008 ở Johannesburg làm chết 62 người và hàng ngàn người khác phải rời khỏi nơi cư trú. Imtiaz Sooliman, Chủ tịch và là người sáng lập tổ chức nhân đạo Gift of the Givers giúp người nước ngoài đang sống trong các trại tị nạn, đánh giá tình trạng bạo lực hiện nay dữ dội và lan rộng hơn so với năm 2008.

Giới truyền thông địa phương cho rằng bạo lực bắt đầu bùng phát cách đây nửa tháng ở thị trấn Isipingo cách Durban 19km sau bài diễn văn “châm ngòi nổ” của Vua Zulu 67 tuổi Goowill Zwelithini hồi tháng 3 cho rằng người nước ngoài không được hoan nghênh và phải rời khỏi Nam Phi ngay lập tức mặc dù sau đó vị vua này đã rút lại lời nói.

Theo đánh giá từ Ngân hàng thế giới (WB), công nhân nhập cư đến từ các quốc gia châu Phi khác bị người Nam Phi coi là mối đe dọa cho sự thịnh vượng về kinh tế và xã hội của đất nước nơi mà 54% dân số còn sống trong nghèo khổ trong khi chính quyền lại không giải quyết rốt ráo nạn thất nghiệp tăng cao. Trong tình trạng bạo lực hỗn loạn hiện nay, hàng loạt các cửa hàng kinh doanh ở trung tâm thành phố trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên và người nước ngoài thường xuyên bị quấy rối ngay trong nhà hay đang đi ngoài đường phố.

Imtiaz Sooliman nhận xét: “Một số người nói rằng doanh nhân địa phương không cạnh tranh nổi với doanh nhân nước ngoài nhập cư bởi vì giá cả của họ tốt hơn”.

Tổng thống Jacob Zuma và tấm ngân phiếu 50.000 rand trao cho các nạn nhân của bạo lực bài ngoại tại trại tị nạn Chatsworth.

Người nước ngoài cũng bị quy chụp là nguyên nhân của tỷ lệ tội phạm tăng cao – theo số liệu thống kê, tỷ lệ giết người ở Nam Phi tăng liên tục từ ngày 1/4/2013 đến ngày 31/3/2014. Người nước ngoài cũng bị buộc tội bán ma túy cho trẻ em Nam Phi. Mavhinga tuyên bố tất cả sự buộc tội vô căn cứ đều là sự dối trá và chính quyền đã không làm gì để xử lý vấn đề.

Hôm 16/4, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tuyên bố ông không nghĩ rằng người Nam Phi có óc bài ngoại mà nếu có đi chăng nữa thì vấn đề không nằm ở chỗ có quá nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại đất nước này. Tổng thống ủng hộ bình luận mới đây từ Bộ trưởng Cảnh sát Nkosinathi Nhleko cho rằng những cuộc tấn công bạo lực là “bài người châu Phi”, cụ thể là “người châu Phi bài người châu Phi chứ không phải người mang các quốc tịch khác”.

Ngoài ra, mối lo ngại về chính sách nhập cư cũng góp phần làm bùng phát bạo lực. Mới đây, chính quyền Pretoria kiểm soát chặt chẽ người nhập cư và từ chối cấp thị thực cho các thành viên gia đình thăm viếng các công nhân nước ngoài đang làm việc tại Nam Phi – theo Achille Mbembe, giáo sư khoa học chính trị Đại học Witwatersrand.

Đối với những người nước ngoài đã đến Nam Phi, chính quyền cho lập ra 5 trại tị nạn, cung cấp lều và nước sinh hoạt. Các nỗ lực nhân đạo từ các tổ chức như Gift of the Givers cũng được tăng cường. Khoảng từ 9.000 đến 10.000 người mang quốc tịch nước ngoài đã từ bỏ nhà cửa, 8.000 người đang sống hết sức chật vật trong các trại tị nạn. Người nước ngoài đến Nam Phi chủ yếu từ các quốc gia: Malawi, Somalia, Congo và Zimbabwe với một số ít người đến từ Pakistan, Burundi và Nigeria.

Bạo lực đã buộc những người nước ngoài sống tại các nơi như Isipingo, Chatsworth, Umlazi, KwaMashu và Sydenham – gần thành phố Durban – phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn. Và, để đối phó, người nước ngoài bắt đầu luôn mang theo bên mình dao rựa, rìu hay gậy gộc để tự vệ.

Bạo lực lan rộng đã buộc Tổng thống Jacob Zuma phải hoãn chuyến viếng thăm đến Indonesia và mới đây ông đã đến thăm trại tị nạn ở Chatsworth, Durban và trao tấm ngân phiếu 50.000 rand (khoảng 4.100USD) cho các nạn nhân của bạo lực bài ngoại.

Không chỉ có người nước ngoài mà cả doanh nghiệp cũng bị thiệt hại lây vì bạo lực. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Sasol lớn nhất của Nam Mỹ có trụ sở tại thành phố Johannesburg của Nam Phi buộc phải cho hồi hương 340 nhân viên người Mozambique.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.