Nạn buôn bán căn cước giả tại Iraq

Thứ Sáu, 11/08/2006, 08:15

Tại Baghdad, để tồn tại trước những cuộc xung đột giữa hai dòng giáo phái là Shiite và Sunni thì tốt nhất người ta nên chọn cho mình một cái tên trung tính tức là không quá Shiite và cũng không quá Sunni. Từ đó, mạng lưới buôn bán căn cước giả đang rất phát triển tại đây.

Cách đây hơn một tháng, Moustafa, 46 tuổi, đã làm được cho mình một thẻ căn cước mới bằng máy tính từ một cái thẻ căn cước nguyên bản. Hiện nay, Moustafa Othman được đổi tên thành Moustafa Alwan. Tương tự, Moustafa cũng sửa lại tên cho cậu con trai 19 tuổi của mình lúc là Omar, lúc là Ali. “Tôi đã mua những thẻ căn cước thật có con dấu chính thức tại một khu chợ ở phố Sadr (khu buôn bán của người Shiite tại Baghdad) với giá 15.000 dinar/cái. Tôi đã mua 30 cái vì tôi có rất nhiều bạn bè và người thân muốn tôi làm cho họ một cái giống như của tôi” - Moustafa cho biết.

Bị chìm trong cuộc nội chiến triền miên, trong đó yếu tố tôn giáo có thể quyết định tới số phận một con người, dân Iraq giờ đây bắt đầu giả mạo lòng tín ngưỡng của họ bằng cách thay đổi những cái tên quá mang dấu ấn Shiite hay Sunni của họ hoặc bằng cách làm hai thẻ căn cước, một cái với tên thuộc dòng Shiite, cái còn lại lấy tên rất Sunni. Thực trạng này đồng nghĩa với việc một phong tục truyền thống lâu đời của người Iraq đã biến mất. Ở Iraq trước đây người ta được khuyến khích và tự hào khi kể tên bản thân, tên bố, tên ông nội, tầng lớp và sắc tộc... của họ.

Toàn dân kéo nhau đi thay tên đổi họ

Thực trạng thay tên đổi họ tại Iraq đang rất phát triển. Điều này người ta có thể dễ dàng nhận thấy tại khu phố Adhamiya làm căn cước của người Sunni cũng như ở khu phố Kadhimiya của người Shiite. Tại đây, người Iraq có thể thay đổi tên họ một cách chính thức. Có rất nhiều văn phòng tư vấn làm thủ tục thay tên đổi họ sao cho hợp lý được lập tại các khu phố này. “Người Shiite không còn muốn giữ những cái tên mang dấu ấn dòng giáo của họ như Omar, Abu Bakr và Othman. Còn người Sunni lại từ bỏ những cái tên Hussein, Hassan và Ali. Điều này cũng diễn ra tương tự với nữ giới vì mọi người đều biết rằng Zahra hay Fatima mang đặc dấu ấn của dòng giáo Shiite”- Abbas Jalaf, một trong những chuyên gia của Adhamiya, cho biết.

Jalaf nói rằng có rất nhiều người chọn những cái tên rất trung tính chẳng hạn như Mohammed hay Abdullah. Một số người còn đổi Omar thành Amar cho đơn giản vì chỉ cần thay một chữ cái đầu. Ngoài ra, nhiều người dân ở đây còn mua vài cái căn cước giả để khi nếu người Shiite hỏi tới họ sẽ chìa căn cước mang dòng giáo Shiite cho coi, còn nếu người Sunni kiểm tra thì họ lại có căn cước mang tên theo dòng Sunni. Làm như vậy sẽ tránh được rất nhiều phiền phức, thậm chí trong một số trường hợp còn giữ được mạng sống.

“Tôi vừa đổi tên cho các con sang dòng Sunni. 3 đứa lần lượt được đặt tên là Ali, Hassan và Fatina. Tôi không muốn chúng bị chết chỉ vì mang tên theo dòng Shiite” - Abou Ali Al-Maliki, một người Shiite 52 tuổi sống tại khu phố Dora, nơi có phần đông là người Sunni, cho biết. “Thay đổi tên họ là một sự xấu hổ với người Iraq, nhưng đôi khi cần phải nghĩ tới bọn trẻ” - Omar Janabi, sống trong khu phố Saidiya, bình luận. Omar vừa có cái tên mới là Omaran cách đây 2 ngày. Điều nực cười là Omaran theo tiếng Arập có nghĩa là “hai Omar”. “Chẳng ai biết được cái tên như vậy thuộc dòng Shiite hay Sunni” - Omar cười nói cay đắng.

Tất cả nạn nhân đều tên là Omar

Tháng 3/2006, báo địa phương cho biết cảnh sát phát hiện 14 xác chết trong một bãi rác của khu phố Al-Adil. Theo những căn cước được tìm thấy trên người các nạn nhân thì họ đều có tên là Omar. Thông tin này chưa bao giờ được khẳng định, song rất nhiều người tin vào điều đó. “Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một lời đồn cho tới thời điểm người ta bắt đầu yêu cầu xem căn cước của tôi tại một trạm kiểm soát khu phố. Người ta chỉ yêu cầu tôi xưng tên họ và sau khi nghe xong ngay lập tức tôi được mời bước ra khỏi xe. Chưa hết, hai người tên là Abu Omar mà tôi quen biết cũng đã bị giết. Thế rồi chỉ cần 25.000 dinar, giờ tôi có tên là Omaran” - Omar Janabi cho biết.

Lợi thế của những cái thẻ căn cước giả là rất thực tế. Ngày 21/6 vừa qua, những người nổi dậy Sunni đã thực hiện cuộc vây ráp công nhân viên một nhà máy ở Taji, phía bắc Baghdad. Nhiều người trong số các con tin may mắn thoát ra được nhờ có thẻ căn cước giả. Phát biểu với phóng viên Hãng AP, một thanh niên dòng Shiite cho biết: “Những người vây ráp có trang bị vũ khi bắt chúng tôi sắp thành hàng sau đó yêu cầu ai là người Sunni thì bước ra khỏi hàng. Họ đã yêu cầu tôi chứng minh mình là người Sunni và tôi đã chìa cho họ thẻ căn cước giả của mình. 3 người khác cũng làm giống như tôi và được tha”.

Samira Al-Chibi, một nữ phóng viên 20 tuổi sống tại Babouka, một khu phố thường xuyên có bạo loạn vì đây là nơi người Shiite và người Sunni chung sống, tỏ ra rất hạnh phúc khi tác nghiệp vì cô có hai người anh trai một tên là Omar và một tên là Ali. “Khi tôi đi tác nghiệp ở khu phố người Sunni đã có Omar đi cùng, còn khi ở khu phố của người Shiite đã có Ali” - Samira vui vẻ cho biết

Đan Kô (tổng hợp)
.
.