Nạn trộm cắp cổ vật hoành hành ở Ai Cập

Thứ Hai, 11/06/2012, 18:45

Lợi dụng những biến động chính trị ở Cộng hòa Hồi giáo Ai Cập trong thời gian gần đây, bọn đạo chích nhân cơ hội mặc sức lộng hành tại các tụ điểm bảo quản lưu giữ cổ vật, cũng như công khai thực hiện những cuộc khai quật phi pháp rải khắp đất nước. Thực trạng này khiến nền văn hóa nhiều nghìn năm tuổi của Ai Cập đứng trước nguy cơ thất thoát di sản nghiêm trọng.

"Bọn tội phạm đã trở nên hết sức manh động, tới mức ngang nhiên đào bới tại các tụ điểm tham quan nổi tiếng thuộc quần thể Kim Tự tháp trong vùng Giza, hoặc khu đền thờ tráng lệ ở thành phố Luxor - Thiếu tướng Abdel Rahim Hassan, Cục trưởng Cục Cảnh sát Du lịch và Di sản trực thuộc Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết - Nạn trộm cắp cổ vật không chỉ phát sinh thuần túy do nghèo khó, mà còn liên quan đến cả sự tham lam thái quá từ các giới có học nữa".

Đồng thời, ông A. Hassan cũng nêu ra con số cụ thể, cho thấy chỉ trong vòng 16 tháng kể từ khi thể chế của nhà độc tài Hosni Mubarak sụp đổ tới nay, cảnh sát đã ghi nhận được 5.697 vụ khai quật phi pháp tăng gấp 100 lần so với cùng thời kỳ trước đó.

Nạn cướp bóc cổ vật chính thức khởi sự song hành với làn sóng đòi thay đổi chế độ. Trong khi hàng ngàn người mải mê hò reo trên quảng trường Tahrir giữa trung tâm thủ đô Cairo, một số kẻ có vũ trang đã lẻn vào Bảo tàng Quốc gia gần đấy nẫng đi nhiều hiện vật trưng bày gồm cả bức tượng pharaoh Akhenaten vô giá. Những vụ đột nhập tương tự cũng diễn ra tại một loạt các địa danh có giá trị khảo cổ khác. Còn tại thành phố Kantara trên bán đảo Sinai, do tranh giành lẫn nhau nên bọn đạo chích đã làm hỏng tới 800 cổ vật gốm sứ quý hiếm khó phục hồi.

Theo giới quan sát am hiểu, thì nguyên nhân chính khiến nạn chôm chỉa cổ vật lan tràn là do sự buông lỏng an ninh xen lẫn với xáo trộn xã hội trên phạm vi toàn quốc. Chỉ 4 ngày sau khi Tổng thống H. Mubarak bị lật đổ, lực lượng cảnh sát chính quy bị tạm thời giải thể để chấn chỉnh lại, khiến những tụ điểm cần bảo vệ không người canh giữ trở thành “mồi ngon” cho bọn đạo chích.

Cổ vật xuất lậu bị hải quan thu giữ.

Nạn buôn bán cổ vật có xuất xứ phi pháp cũng tăng vọt với 1.467 vụ được ghi nhận, trong đó có 130 vụ xuất lậu không khai báo hải quan. Tiêu biểu là vụ một người mang quốc tịch Jordan định xuất lậu tới 3.753 cổ vật qua ngả sân bay quốc tế Cairo, trong đó có những báu vật cực hiếm như tượng pharaoh, tiền xu La Mã, trang sức Hồi giáo thời Trung cổ…

Liên quan đến các cuộc khai quật bất hợp pháp đã có tổng cộng 35 người thiệt mạng. Điển hình là vụ sập hầm ở thị trấn Nag Hammadi vào giữa tháng 3 vừa qua, chôn sống 10 kẻ đào trộm bên dưới. Số nạn nhân còn lại chủ yếu do thanh toán lẫn nhau giữa bọn đạo chích hòng tranh giành đồ trộm được. Vào cuối tháng 4 vừa qua, cảnh sát đã bắt giữ 2 người đàn ông cư ngụ phía sau đền thờ Hnum ở thành phố Esna, khi họ quyết định đào móng nhà mình lên để tìm… kho báu.

Theo tường trình thì chủ nhà tình cờ phát hiện một cái lỗ sâu 10m, chứa đồ gốm khắc chữ tượng hình thời Plotemaic hơn 300 năm trước Công nguyên. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với một viên chức nhà nước tại thành phố Aswan thuộc lưu vực sông Nile, khi chủ nhân phát hiện ngay dưới nền nhà mình là lư hương cổ cùng chiếc tiểu sành đựng di cốt khắc họa tiết bông sen tinh xảo…

Camera bảo vệ ghi lại cảnh bọn đạo chích đột nhập Bảo tàng Quốc gia Ai Cập.

Sau khi tình hình đất nước ổn định trở lại, giới hữu trách Ai Cập luôn theo dõi sít sao những cuộc mua bán tại các cơ sở đấu giá Âu - Mỹ, ngõ hầu phát hiện cổ vật bị thất thoát và kịp thời thu hồi dựa trên bằng chứng tài liệu không thể chối cãi.

"Biện pháp cốt lõi cần tăng cường an ninh rốt ráo, không để tái diễn cảnh trộm cắp hoành hành khắp nơi như giữa chốn không người", Giáo sư khảo cổ học Ahmed Mustafa, người từng đứng đầu một cơ quan quản lý văn hóa cấp chính phủ chuyên phát hiện cổ vật bị đánh cắp, hiện là giảng viên về khảo cổ học của Trường đại học Tổng hợp Cairo, khẳng định

Thu Hường (tổng hợp)
.
.