Năng lượng hạt nhân có ích cho mục đích dân sự

Thứ Tư, 23/03/2005, 15:00

“Chỉ bằng cách xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân, chúng ta mới có thể cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trên thế giới.”, các chuyên gia hạt nhân đến từ 74 quốc gia khác nhau trên thế giới, tham dự cuộc Hội thảo quốc tế về hạt nhân thế kỷ XXI do IAEA cùng Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế đồng tổ chức ngày 20 và 21/3 tại Paris (Pháp), nhận định.

Ngoài việc thảo luận về tương lai của nguồn năng lượng hạt nhân, các đại biểu còn chú ý tới nguy cơ trái đất đang ngày càng nóng lên và khả năng cạn kiệt các nguồn tài nguyên quý. Với tư cách là nhà tổ chức, Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei khẳng định, đã đến lúc phải nhìn nhận một cách đúng đắn và sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân trong những mục đích dân sự. Một trong những nguyên do để mọi người chú ý tới nguồn năng lượng hạt nhân vì khi dùng dầu, than hoặc gas để sản xuất điện, có rất nhiều khí carbon dioxide và một số khí khác tạo ra, làm cho nhiệt độ trái đất nóng lên. Hơn nữa, trong hơn một năm qua, giá dầu lửa trên thế giới đã tăng mức kỷ lục khiến cho nhiều quốc gia phát triển, trong đó có cả Pháp bắt đầu có xu hướng tiến tới sử dụng năng lượng hạt nhân.

Phải nói rằng, nguồn năng lượng hạt nhân nếu được dùng trong mục đích dân sự, đúng chỗ và đúng nghĩa của nó thì sẽ rất hữu hiệu. Cho đến nay, nguồn năng lượng hạt nhân mới được dùng để sản xuất 17% lượng điện tiêu dùng trên thế giới. Dự kiến trong thời gian tới, năng lượng hạt nhân sẽ được đưa vào khai thác dần dần. Trước mắt, trong năm nay, Phần Lan sẽ sản xuất một lò phản ứng hạt nhân và trở thành quốc gia đầu tiên ở Tây Âu làm việc này kể từ năm 1992. Đến năm 2007, Pháp cũng sẽ cho xây dựng nhà máy hạt nhân.

Đại diện cho khu vực châu Á có Indonesia với dự án xây dựng trong 10 năm tới. Bộ trưởng Công nghiệp Pháp Patrick Devedjian cho biết, trong thời gian tới, năng lượng hạt nhân sẽ giúp cung cấp 1/3 điện năng cho toàn châu Âu. Pháp dự kiến sẽ sử dụng 78% nguồn điện từ năng lượng hạt nhân và điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi năm, quốc gia này sẽ giảm được khoảng 36 triệu tấn carbon do các nguồn năng lượng khác gây ra.

Theo ước tính của IAEA, tới năm 2020, 427 gigawatt của năng lượng hạt nhân sẽ được đưa vào sử dụng. Trung Quốc đang có kế hoạch nâng khả năng cung cấp điện của hạt nhân từ 6,5 gigawatt hiện nay lên 36 gigawatt vào năm 2020. Và như con số mà ông ElBaradei đưa ra thì mỗi năm, năng lượng hạt nhân sẽ thải ra khoảng 12.000 tấn carbon, vẫn ít so với con số 25 tỷ tấn carbon mà các nguồn năng lượng khác tạo ra hiện nay

H.C
.
.