Náo loạn thị trường chứng khoán vì giá dầu giảm

Thứ Hai, 23/10/2006, 11:00
Trước việc giá dầu tiếp tục giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 11 tháng qua (còn 56,82 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối ngày 20/10), giới chuyên môn đã có những phân tích nhằm làm yên lòng các nhà đầu tư, cũng như đưa ra một cái nhìn toàn cảnh xung quanh vấn đề được coi là nhạy cảm này.

Theo thông báo của người phát ngôn OPEC, trong cuộc họp khẩn nhằm tìm biện pháp đối phó với "thảm cảnh" kể trên, Bộ trưởng dầu mỏ các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa nhóm họp tại Doha, Qatar đã quyết định cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày. Điều này có nghĩa kể từ 1/11/2006, OPEC sẽ bắt đầu cắt giảm sản lượng từ 27,5 triệu thùng/ngày xuống còn 26,3 triệu thùng/ngày nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu. Đây là lần đầu tiên OPEC quyết định cắt giảm sản lượng dầu trong vòng 30 tháng qua và mọi người đều hiểu rằng quyết định này nhằm tăng giá dầu hiện đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần trở lại đây. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh trong nhiều ngày gần đây, và trong lúc Nga vừa đạt được thỏa thuận chiến lược về cung cấp nhiên liệu với Liên minh châu Âu trong thời gian tới.

Được biết, thành viên có ảnh hưởng nhất của OPEC là Saudi Arabia cũng tuyên bố ủng hộ kế hoạch cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày, tức là giảm 3,6% sản lượng. Saudi Arabia còn ám chỉ đến việc OPEC sẽ còn quyết định giảm sản lượng nhiều hơn trong cuộc họp sẽ diễn ra trong tháng 12 tới. Trước đó, VenezuelaNigeria cũng thông báo cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô. Đây là hai quốc gia đứng thứ 9 và 12 trên thế giới trong việc xuất khẩu dầu thô.

Quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC chủ yếu là nhằm đánh vào mức dự trữ dầu cao của Mỹ và tương lai giảm nhu cầu nhập khẩu dầu từ OPEC trong năm 2007. Theo thống kê, hiện OPEC đang sản xuất 1/3 lượng dầu của cả thế giới. "Mong muốn" của OPEC thì đã rõ ràng - giảm sản lượng để bán giá cao, nhưng theo các nhà bình luận, OPEC đã hết thời có thể dễ dàng làm chao đảo thị trường dầu thế giới. Theo giới chuyên môn, thị trường dầu thế giới luôn sôi động và biến động không ngừng - một tin chiến sự từ Trung Đông, một thông báo từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ, hay chỉ đơn giản là một thông tin dự báo bão cũng có thể làm giá dầu lên hay xuống. Và quyết định của OPEC cũng nằm trong số những thông tin kể trên, nhưng mức độ ảnh hưởng đã giảm tới mức tối đa - sau khi tăng 73 xu/thùng tại thị trường Mỹ hôm 20/10 đã lập tức xuống giá ngay ngày hôm sau.

Giới chuyên môn nghi ngờ về khả năng có thể khống chế nguồn cung cấp dầu của OPEC đối với thị trường dầu thế giới hiện nay. Sở dĩ nói như vậy vì ảnh hưởng và thị phần hiện nay của OPEC đã bị thu hẹp khi các công ty đa quốc gia bắt tay nhau tạo thành thế độc quyền rộng lớn hơn. Được biết, nhu cầu đối với dầu của OPEC đang ngày càng giảm, thứ nhất, kho dự trữ dầu của các nước tiêu thụ dầu đang ở mức cao, thứ hai, sản lượng của các nước ngoài OPEC hiện cũng rất cao. Theo Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, lượng dầu dự trữ của họ đạt trên 331 triệu thùng, cao hơn mức dự kiến (cao nhất kể từ năm 1999 đến nay). Cách đây 40 năm, OPEC cung cấp tới 80% nhu cầu của thế giới thì hiện giờ họ chỉ còn nắm 35% sản lượng toàn cầu. Các nguồn cung cấp dầu của thế giới hiện được đánh giá là dồi dào, phong phú và đa dạng. Trong thập niên 1970, khi OPEC có thể áp đặt một kiểu sản xuất bán hàng theo một mức giá do họ nắm quyền chủ động, nhưng chính sách thuế kém hấp dẫn đã khiến các nhà đầu tư rút khỏi các nước OPEC.

Sự cạnh tranh đã nổi lên vào thập niên 1980 khi thế giới tìm kiếm những nguồn cung khác ngoài OPEC. Tốc độ thăm dò các mỏ dầu mới ở châu Phi, Đông Nam Á, Đông Á và biển Bắc đã đe dọa sự ổn định về chiến lược của OPEC. Thập niên 1990 sau đó đã chứng kiến sự xuất hiện của các tập đoàn khổng lồ như Mobil, Total... Có một thực tế là giá dầu đã giảm liên tục kể từ tháng 8 đến nay. Trước tình hình đó, OPEC đã đánh tiếng là rất có khả năng họ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong cuộc họp vào tháng 12 tới. Nhưng việc thực hiện dự định đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của OPEC. Có thể thấy rất rõ quyết tâm của OPEC trong việc can thiệp vào thị trường dầu nhưng với một thị trường rất dễ biến động và chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều yếu tố như vậy thì tác động trong quyết định kể trên của OPEC không gây quá nhiều lo ngại cho các nhà đầu tư.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Algeria Khelil, dầu thô ở mức 60 USD/thùng là ngưỡng có thể chấp nhận được đối với cả người mua lẫn kẻ bán. Nhiều người cho rằng, kế hoạch kể trên của OPEC là một liệu pháp sốc, song nó có tác động và ảnh hưởng tới mức nào còn phải có thời gian kiểm chứng

Quốc Trung (tổng hợp)
.
.