Nasa chủ trương tư nhân hóa chinh phục vũ trụ

Thứ Năm, 19/05/2011, 11:30

Tháng 7/2011, Chương trình phi thuyền Con thoi (Space Shuttle) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ chấm dứt sứ mệnh đưa người và hàng hóa tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Trước mắt, NASA sẽ phải phụ thuộc vào tàu Soyuz của Nga để tiếp tục duy trì hoạt động tại đây. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển quá lớn (khoảng 63 triệu USD cho một phi hành gia/chuyến bay, tức 753 triệu USD 1 năm) đang buộc NASA phải tính toán đến một giải pháp tiết kiệm hơn.

Hiện cơ quan này đang thúc đẩy hơn nữa Chương trình thương mại hóa hoạt động vận tải không gian (CCDev) nhằm góp phần tiết kiệm chi phí vận chuyển. Theo đó, NASA sẽ tiếp tục cung cấp tài chính cho các công ty vận tải hàng không tư nhân nhằm kích thích việc phát triển thế hệ tàu không gian tiếp theo, trước mắt là phục vụ mục đích vận chuyển hàng hóa, và sau này là đưa người vào không gian. Chương trình này trị giá tới 1,6 tỉ USD với mục tiêu phát triển đội phi thuyền gồm ít nhất 12 chiếc, số tiền sẽ được NASA cung cấp cho các công ty theo nhiều đợt, phụ thuộc vào những tiến bộ của họ trong việc hoàn thiện các sản phẩm.

Sắp tới, NASA dự định cung cấp tổng cộng 269,3 triệu USD cho 4 công ty tư nhân, trong đó nổi bật là Công ty Phát triển công nghệ khám phá vũ trụ SpaceX. SpaceX sẽ nhận được 75 triệu USD để phát triển hệ thống tên lửa phục vụ phóng tàu Dragon của mình.

Tổ hợp tên lửa Falcon9 - tàu Dragon của SpaceX đã thực hiện chuyến bay thử thành công đầu tiên vào tháng 6/2010. Thành công của chuyến bay cho thấy sự tiến bộ đáng kể của SpaceX trong nỗ lực phát triển công nghệ không gian. Tổ hợp tên lửa đẩy và phi thuyền của SpaceX cũng đang nhận được nhiều sự kỳ vọng nhờ những ưu việt rõ rệt của nó.

Nếu như đối với những tên lửa nhiên liệu rắn khác, bộ phận thoát hiểm phải được tách khỏi phi thuyền chỉ vài phút sau khi cất cánh vì trọng lượng quá lớn, thì thiết kế của tên lửa Falcon9 tích hợp hệ thống thoát hiểm đơn giản ngay bên trong tàu con thoi. Vì vậy, có thể vừa sử dụng lại bộ phận này, vừa góp phần giảm chi phí đáng kể.

SpaceX cho biết thiết kế này không chỉ loại bỏ nguy hiểm từ việc một bộ phận lớn của tên lửa sau khi tách khỏi phi thuyền rơi xuống mặt đất mà còn là một phương tiện thoát hiểm cho phi hành đoàn trong toàn bộ chuyến đi sau đó. Đây rõ ràng là một tiến bộ so với tàu con thoi Space Shuttle hiện nay. Tuy nhiên, SpaceX cho biết một số bộ phận của phi thuyền Dragon và tên lửa đẩy Falcon9 cần được hoàn thiện trước khi nó có thể thực sự đưa người vượt qua quỹ đạo thấp của trái đất thời gian tới.

Ngoài SpaceX, NASA sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho 3 công ty khác là Sierra Nevada Corporation (SNC), Blue Origin và Boeing. Tập đoàn SNC sẽ nhận được 80 triệu USD để đẩy nhanh việc phát triển công nghệ cất cánh thẳng đứng và hạ cánh ngang của phi thuyền Dream Chaser. Boeing sẽ nhận được 90 triệu USD, chủ yếu phục vụ việc phát triển khoang chứa của phi thuyền CST-100. Mặc dù Công ty Blue Origin không hoàn thành các "cột mốc" về công nghệ trong đợt tài trợ đầu tiên, song sẽ tiếp tục nhận được thêm 22 triệu USD phục vụ cải thiện hệ thống đẩy của phi thuyền mà công ty này đang thiết kế

Minh Khương (tổng hợp)
.
.