Nato tiến vào Ấn Độ Dương

Thứ Tư, 05/11/2008, 16:30
Việc Hải quân NATO triển khai tàu chiến vào vùng biển Ấn Độ Dương với lý do chống cướp biển đang làm dấy lên một cuộc "chạy đua" mới trong hải quân các cường quốc khu vực và thế giới. Nga và Ấn Độ cũng đã có hành động tương tự.

Chống hải tặc chỉ là cái cớ

Cuộc họp không chính thức các bộ trưởng Quốc phòng khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong 2 ngày 9 và 10/10 tại Budapest (Hungary) khiến dư luận chú ý vì trong số các thỏa thuận giữa các bộ trưởng NATO thì quyết định triển khai sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ấn Độ Dương được xem là mang tầm chiến lược và gây chú ý nhiều nhất. Mục đích của việc triển khai này được cho là để bảo vệ các chuyến tàu chở hàng cứu trợ nhân đạo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đến cho các nạn nhân Somalia.

Một phát ngôn viên của NATO nói hôm 10/10: "Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu NATO giúp đỡ xử lý vấn đề hải tặc vùng ven biển Somalia. Do đó, các bộ trưởng NATO hôm nay quyết định NATO phải có một vai trò".

Theo quyết định vừa nêu, NATO thành lập cái gọi là Nhóm thường trực Hải quân hàng hải (SNMG) bao gồm 7 tàu chiến và sẽ được triển khai trong khu vực Ấn Độ Dương (nơi hải tặc đang giữ tàu chở xe tăng Ukraina) trong vòng 2 tuần. Thế rồi chỉ 5 ngày sau, ngày 15/10, 7 tàu chiến của hải quân các nước NATO là Mỹ, Anh, Đức, Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã đi qua kênh đào Suez (Ai Cập) và tiến vào vùng biển Ấn Độ Dương.

Việc triển khai lực lượng quá nhanh đã bộc lộ sự nôn nóng của NATO, nó làm lộ ra tham vọng thống trị vùng biển còn bỏ ngỏ tại đây của khối này. Tướng John Craddock, Tư lệnh tối cao Lực lượng liên quân tại châu Âu thừa nhận rằng, việc triển khai 7 tàu chiến đã thể hiện tham vọng lớn của NATO là chuyển thành một tổ chức chính trị toàn cầu. Ông nói, mối họa từ hải tặc đang thực sự ngày càng tăng trên toàn thế giới, và "việc triển khai này là một minh chứng cho thấy khả năng phản ứng nhanh của NATO trước các thách thức an ninh mới".

Xét cho cùng thì việc NATO triển khai 7 tàu chiến vào Ấn Độ Dương đánh dấu một bước đi mang tính lịch sử trong tiến trình chuyển đổi của khối này, bởi vì ngay cả trong thời cao điểm Chiến tranh lạnh, NATO cũng chưa hề triển khai tàu chiến tại khu vực này.

Nhưng Ấn Độ mới là cường quốc hải quân thống trị các vùng biển trong Ấn Độ Dương. Do đó nước này sẽ không khoanh tay nhìn NATO triển khai tàu chiến tại đây. Có lẽ vì thế nên ngày 16/10, ngay khi tàu chiến NATO đến vùng Vịnh Persic, một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố tại New Delhi rằng: "Chính phủ Ấn Độ chấp thuận triển khai tàu chiến Ấn Độ trong Vịnh Aden để tuần tra hộ tống các tàu hàng mang cờ Ấn Độ đi từ Salalah (Oman) sang Aden (Yemen)”.

Một mặt, New Delhi cho rằng "sự hiện diện của tàu chiến Ấn Độ trong khu vực này rất có ý nghĩa vì Vịnh Aden là điểm chốt chiến lược trong vùng biển Ấn Độ Dương, nơi kiểm soát tuyến đường vào kênh đào Suez của phần lớn tàu thuyền Ấn Độ".

Mặt khác, giới chức Ấn Độ cho biết, tàu chiến Ấn Độ sẽ hợp tác với tàu chiến phương Tây triển khai trong vùng và sẽ hỗ trợ bằng lực lượng mạnh nếu cần thiết và thích hợp.

Nhưng, do các tàu chiến phương Tây mang cờ NATO, việc hợp tác này đồng nghĩa với việc hợp tác với NATO. Điều này đi ngược lại chính sách lâu nay của New Delhi là không hợp tác với NATO. Hải quân Ấn Độ cũng rất hiếm khi hành động theo chiều hướng hợp tác xa hơn với Hải quân Mỹ, chỉ dừng lại trong khuôn khổ cuộc tập trận chung hàng năm mang tên Malabar.

Dù muốn dù không thì khi triển khai tuần tra, tàu chiến Ấn Độ cũng sẽ phải hoạt động bên cạnh tàu chiến NATO trong cuộc chiến chống khủng bố và hải tặc toàn cầu. Giới bình luận cho rằng tình hình đang tiềm ẩn một sự thay đổi trong chính sách quân sự của Ấn Độ đối với NATO. Điều này hoàn toàn có cơ sở vì từ lâu Mỹ đã khuyến khích Ấn Độ xây dựng quan hệ với NATO và đóng vai trò lớn hơn trong các vụ việc an ninh hàng hải.

Hai nước đã ký giao ước hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh hàng hải vào năm 2006. Theo bản giao ước này, Ấn Độ và Mỹ cam kết hợp tác với nhau và với các đối tác trong vùng về an ninh hàng hải khi cần thiết.

Nga cũng có khả năng chống khủng bố trong Ấn Độ Dương

Khác với các nước ven biển Ấn Độ Dương chỉ lưu ý và quan sát việc NATO và Ấn Độ "đua", Nga đã hành động cực nhanh. Ngày 14/10, ngay khi các tàu chiến NATO ở căn cứ trong Địa Trung Hải nhổ neo xuất hành thì tàu hộ tống mang tên Neustrashimy (có trang bị tên lửa, thủy lôi và máy bay trực thăng chiến đấu) thuộc Hạm đội Baltic của Nga đã trên đường gần đến kênh đào Suez.

Theo báo chí Nga, tàu Neustrashimy đã khởi hành ngay sau khi tàu chở xe tăng Faina của Ukraina bị cướp biển bắt giữ cách nay gần một tháng. Ngày 21/10, tàu Neustrashimy đã vượt qua kênh đào Suez để tiến vào vùng biển Somalia. Moskva tuyên bố việc cử tàu Neustrashimy đến vùng biển Somalia là nhằm mục đích chống hải tặc theo yêu cầu của Mogadishu.

Ngày 16/10, Chủ tịch Thượng viện Nga Sergei Mironov đã phát biểu khi đang ở thăm Sana, Yemen, rằng Yemen cũng muốn Nga giúp đỡ trong cuộc chiến hải tặc cũng như chống lại các đe dọa khủng bố từ Al-Qaeda. Một quyết định về yêu cầu này sẽ được đưa ra sau chuyến thăm Moskva sắp tới của Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.

Qua hai sự việc trên, thông điệp của Nga đã rõ: Nga cũng có thể hành động tương tự như NATO, cũng có khả năng và sẵn lòng tham gia cuộc chiến chống khủng bố trên Ấn Độ Dương.

Nhưng sự thật của việc các nước triển khai tàu chiến tại Ấn Độ Dương không đơn giản như thế. Cựu Đại sứ Ấn Độ MK Bhadrakumar viết trên tờ Asia Times rằng thực chất đây chính là "cuộc đua" của các cường quốc hải quân trong Ấn Độ Dương.

Với lợi thế "chủ sân", Ấn Độ có sẵn cơ sở hợp tác với các nước ven biển Ấn Độ Dương và sự hợp tác này có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào vì lợi ích an ninh chung của khu vực.

Thế nhưng ý đồ của NATO khi triển khai tàu chiến vào Ấn Độ Dương lại không theo chiều hướng này. NATO đang muốn xác lập vai trò "sen đầm" của mình tại đây, nhưng lại không tiến hành tham vấn trước với các nước quanh vùng. Đây là hành động nằm trong chiến lược vươn ra kiểm soát vùng biển Ấn Độ Dương của Washington sau khi đã thiết lập xong Bộ Chỉ huy châu Phi (đã gặp phải sự phản đối quyết liệt ở châu Phi).

Trong kế hoạch nhuốm màu “Chiến tranh lạnh” này, 3 nước Ấn Độ, Sri Lanka và Singapore nằm trong nhóm đối tác chiến lược. Sri Lanka có vị trí chiến lược kiểm soát tuyến đường hàng hải Đông Tây, có thể trở thành căn cứ trú đóng tàu khu trục và hàng không mẫu hạm của Mỹ. Singapore là chốt chặn ngay eo biển chiến lược Malacca.

Nhưng trong chiến lược của Mỹ thì Ấn Độ mới là đối tác quan trọng nhất. Washington đã khôn khéo đánh vào nhu cầu tiếp cận công nghệ quốc phòng tiên tiến của Hải quân Ấn Độ (đang được New Delhi xem là một công cụ đối ngoại lợi hại), do vậy đã phần nào lôi kéo được sự hợp tác của New Delhi

Nguyên Khang (Tổng hợp)
.
.