Nền kinh tế của Trung Quốc sẽ phải trả giá vì hành vi leo thang căng thẳng trên Biển Đông

Thứ Năm, 19/06/2014, 15:45

Những cảnh báo về tác động xấu tới nền kinh tế khu vực và thế giới từ việc Trung Quốc gây hấn khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lại còn liên tục leo thang vũ lực trên Biển Đông, đã được phát đi. Liệu Trung Quốc có chuẩn bị cho kịch bản bị cấm vận kinh tế vì hành vi bá quyền và coi thường luật pháp quốc tế?

Những hành động gây hấn và đe dọa trực tiếp lực lượng chấp pháp Việt Nam của Trung Quốc gần đây trên biển Đông có ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh ở châu Á. Đó là phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker nói với các doanh nghiệp Mỹ và Philippines tại Manila ngày 3/6 trong chuyến thăm 3 nước ASEAN (Việt Nam, Philippines và Myanmar) như một phần trong nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ tại châu Á. Đây là chuyến thăm thứ ba của bà Pritzker tới châu Á kể từ khi bà nhậm chức vào năm ngoái.

Bà Pritzker phát biểu, các doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về khu vực này và Mỹ muốn mở rộng các mối quan hệ kinh tế với châu Á. Tuy nhiên hành động đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc gần đây ở biển Đông tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một hành động gây hấn và làm tăng căng thẳng trong khu vực. Bộ trưởng Pritzker khẳng định  Mỹ rất quan ngại về tình hình này và những hành động tương tự chỉ gây thêm bất ổn và một môi trường kinh doanh không tốt cho các doanh nghiệp.

Khu vực châu Á Thái Bình Dương được dự đoán chiếm khoảng 54% giới trung lưu của thế giới vào năm 2022 và sẽ nhập khẩu gần 10.000 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ tính cho đến năm 2020, tăng gấp đôi so với mức hiện nay.

Viện Nghiên cứu chiến lược CSIS tại Washington cho hay, xét về mậu dịch, Mỹ đang có những cải thiện rõ rệt tại thị trường ASEAN. Mậu dịch song phương Mỹ-ASEAN tăng 71% trong giai đoạn 2001-2012, từ 137 tỉ USD lên 234 tỉ USD. Tuy nhiên Mỹ đã mất thị phần tại ASEAN trước các đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó giới quan sát cho rằng, Bắc Kinh đang có cách tiếp cận chiến lược bằng việc dùng các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) để làm đối trọng với các thách thức của Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ đang dẫn đầu.

Hội nghị Trung ương lần thứ 3 của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 11/2013 đã kêu gọi cho việc thúc đẩy hợp tác với các nước trong đó có ASEAN thông qua các FTA. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xúc tiến cho thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện với châu Á Thái Bình Dương với tên gọi tắt RCEP như một công cụ nhằm tăng cường cho các FTA mà Trung Quốc đã ký với các nước đối tác.

Ngày 22/5, Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn lời nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ có chuyến thăm Việt Nam từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2014. Nguồn tin trên cho biết, chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Nhật Bản sẽ nhằm "đẩy nhanh tiến trình tham vấn về việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam nhằm đối phó với những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông".

Tờ Minh Báo (Hồng Công) ra ngày 12/5 nhận định: Nhật Bản có thể đang hướng tới việc thành lập khối đồng minh với Việt Nam và Philippines nhằm phản đối những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc.

Trang tin Strategy Page của Mỹ ngày 27/5 bình luận: Đối với Bắc Kinh, Tokyo là mối đe dọa lớn hơn rất nhiều so với Manila và Hà Nội vì với tư cách một cường quốc công nghiệp và thương mại, Nhật có khả năng kêu gọi quốc tế trừng trị hành vi hiếu chiến của Trung Quốc. Trang tin này cho rằng, viễn cảnh bị cấm vận kinh tế là điều mà Trung Quốc ít có chuẩn bị để đối phó nhất và giới lãnh đạo ở Bắc Kinh dĩ nhiên muốn tránh điều này.

Tuy nhiên, Strategy Page cũng chỉ ra rằng, cấm vận một nền kinh tế lớn như Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ xấu đến kinh tế thế giới. "Nó sẽ giống như là một cuộc chiến tranh hạt nhân không tiếng nổ. Giống như đợt suy thoái kinh tế toàn cầu hồi năm 2008 nhưng còn tệ hơn. Giống như chấp nhận rủi ro là sẽ phải tái kiến thiết kinh tế của các cường quốc quyền lực nhất thế giới sau khi Trung Quốc tạm thời bị loại khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu"- trang tin quân sự Mỹ nhận định.

Hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quộc tại Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã làm nóng Hội nghị G7 đang diễn ra. Ngày 4/6, trong ngày đầu nhóm họp tại Brussels, Bỉ, lãnh đạo các thành viên G7 đã ra thông cáo về tình hình ở biển Đông và biển Hoa Đông. Bản thông cáo viết: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những căng thẳng tại biển Hoa Đông và biển Đông. Chúng tôi chống lại mọi ý định đơn phương của bất kỳ bên nào muốn khẳng định các đòi hỏi lãnh thổ hoặc biển qua việc đe dọa, cưỡng ép hoặc vũ lực".

Đồng thời, G7 kêu gọi tất cả các nước liên quan hãy tôn trọng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp. Mặc dù bản tuyên bố của G7 không nêu tên một nước nào, nhưng rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc. Bởi vì Nhật Bản và Mỹ là thành viên của G7.

Nhóm G7 chống lại "mọi ý định đơn phương đòi hỏi chủ quyền qua đe dọa hoặc vũ lực" của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Từ Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston đã trả lời phỏng vấn báo Sydney Morning Herald, số ra ngày 2/6 và cho biết, ông ủng hộ cáo buộc của đồng nhiệm Mỹ Chuck Hagel, theo đó, Trung Quốc có những hành động gây mất ổn định trong khu vực biển Đông. Theo Bộ trưởng Johnston, "Mỹ, Australia và Nhật Bản rất lo ngại về hành động đơn phương gây mất ổn định, đặc biệt ở biển Đông và biển Hoa Đông".

Sau khi nhấn mạnh châu Á - Thái Bình Dương trước kia mang lại phồn vinh cho các nước trong vùng, Bộ trưởng Quốc phòng Australia tuyên bố: "Tình trạng mất ổn định này là phi lý, rất có hại cho các triển vọng kinh tế. Do vậy, tôi chia sẻ các mối quan ngại của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel".

Trong một diễn biến liên quan, Bắc Kinh ngày 4/6 đã tuyên bố bác bỏ đề nghị của tòa trọng tài quốc tế về việc nộp hồ sơ biện hộ trước đơn kiện của Philippines liên quan đến tranh chấp trên vùng biển gần quần đảo Trường Sa. Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hague, Hà Lan, cho Trung Quốc hạn đến 15-12 để hồi đáp bộ hồ sơ của Philippines. Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại: nước này không có dự định tham gia vụ kiện. Người phát ngôn Hồng Lỗi tuyên bố hôm 4/6: "Lập trường của Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện của Philippines, không thay đổi".

Thông báo của tòa án ở La Hague nói họ yêu cầu Trung Quốc hồi đáp nhằm bảo đảm "mỗi bên đều có đầy đủ cơ hội để được nghe và trình bày". Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines nói: "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc xem lại quyết định không tham gia. Chúng tôi cũng muốn nhắc lại rằng việc nhờ trọng tài phân xử là cơ chế giải quyết thân thiện, cởi mở và hòa bình".

Philippines khởi kiện Trung Quốc từ năm 2013 dựa theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Bộ hồ sơ khoảng 4.000 trang của Manila được gửi cho tòa nhằm khởi kiện "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên biển Đông.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: Việt Nam cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế vì tranh chấp biển đảo. Nhân chuyến công du Philippines vào tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này".

Theo Valérie Niquet, phụ trách khu vực châu Á của Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp, sau cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới, Trung Quốc đã thoát ra được một cách tương đối tốt và một trong những hệ quả là Bắc Kinh đã đẩy mạnh một cách đáng kể những yêu sách trong toàn bộ vùng châu Á - Thái Bình Dương. Đó không phải là vì những lý do lãnh thổ, năng lượng hay tài nguyên như người ta thường nói, mà Trung Quốc có tham vọng thay đổi cái gọi là kiến trúc khu vực và tạo dựng lại một khu vực châu ÁÁ - Thái Bình Dương, về mặt chiến lược và kinh tế, quây quần xung quanh, với Trung Quốc là trung tâm, và nhờ vậy, Trung Quốc giành lại được vị trí lãnh đạo trong khu vực. Đây mới là tâm điểm của vấn đề.

Điều này giải thích vì sao, trước đây, trong nhiều năm, châu Á hài lòng vì có quan hệ hòa dịu với Bắc Kinh - và đặc biệt là rất có lợi về kinh tế - thì giờ đây, vấn đề ngày càng nổi trội là mối lo thực sự của các nước trước các tham vọng của Trung Quốc

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.