Nên sử dụng lại sách giáo khoa

Thứ Năm, 12/06/2008, 08:30

Sách giáo khoa (SGK) không thể thiếu đối với việc học tập của mỗi học sinh; nhiều năm nay, chúng ta không còn sử dụng SGK cũ như trước đây mà mỗi năm sử dụng một bộ mới. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân thu nhập còn thấp, việc mua cho con em mình mỗi năm một bộ SGK mới là cả một vấn đề không đơn giản.

Tôi nhớ bản thân ngày còn đi học phổ thông, cứ vào đầu năm học công việc đầu tiên là làm thủ tục mượn SGK của nhà trường. Chính vì vậy, ở quyển SGK nào cũng có dòng chữ nhắc nhở học sinh là “Giữ gìn sách cẩn thận cho các lớp sau”; làm bài tập thì phải tự tay chép đề bài, phải tự tay đặt các phép tính,... chứ không có in sẵn, học sinh chỉ việc điền kết quả.

Nói như thế không có nghĩa là nuối tiếc quá khứ, là quay về với sự khó khăn thiếu thốn trước đây, nhưng thực tế những quyển SGK nào còn dùng được thì chưa cần thiết phải thay mới hoàn toàn.

Như ở Trung Quốc, một đất nước phát triển hơn ta, họ cũng có quy định “Cả nước khuyến khích sử dụng lại SGK” được đưa vào Luật Giáo dục. Cả nước có 220 triệu học sinh phổ thông các cấp. Nếu mỗi học sinh sử dụng 15 quyển SGK/năm học, có nghĩa là tất cả học sinh Trung Quốc sẽ sử dụng hơn 3 tỉ quyển SGK/năm, tương đương với 550 nghìn tấn giấy, hoặc khoảng 11 triệu cây lấy gỗ sản xuất giấy. Nếu tính trung bình mỗi quyển SGK có giá 15 NDT (1,9USD), đất nước có thể tiết kiệm hơn 45 tỉ NDT bằng cách sử dụng lại 3 tỉ cuốn SGK/năm học, hoặc 225 tỉ NDT nếu số SGK này có thể được sử dụng lại trong 5 năm liên tiếp.

Theo tôi, để có thể sử dụng lại được SGK thì việc thay đổi nội dung (trên thực tế sự thay đổi nội dung rất nhỏ) chỉ cần giáo viên bổ sung qua giáo án bài giảng là đạt yêu cầu; không nên ra loại sách bài tập in sẵn đề bài, in sẵn các phép tính,... để học sinh chỉ việc điền kết quả.

Việc sử dụng lại SGK tất nhiên sẽ làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất bản và các nhà phân phối; song hãy vì số đông người nghèo mà chung tay giải quyết khó khăn. Một số bậc phụ huynh cũng không nên có tâm lý cho rằng, con em mình cứ phải học bằng SGK mới. Nên nhận thức là, khi làm bài tập học sinh phải tự tay chép đề bài, phải tự tay đặt các phép tính,... cũng là việc rèn luyện tu dưỡng đạo đức biết quý trọng lao động; rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ; rèn luyện tính lôgíc khoa học,... muốn thực hiện được một công việc nào đó trong cuộc sống phải hoàn thành từng bước, muốn làm được bước sau thì phải làm được bước trước.

Sử dụng lại SGK là việc nên làm, vừa giúp những gia đình thu nhập thấp có điều kiện cho con em học tập, vừa rèn luyện tư cách đạo đức của học sinh; thực hiện tiết kiệm chi phí dành cho công việc khác

Nguyễn Đức Luận
.
.