Thành phố đền đài ở Nepal biến thành nơi dựng lều trại

Thứ Năm, 07/05/2015, 16:45
Ở Nepal, nhiều công trình được quốc tế ghi nhận vẫn tồn tại nguyên vẹn trong nhiều thế kỷ qua. Song thật đáng tiếc là sau thảm họa động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra hôm 25/4, nhiều di tích giá trị đã bị phá hủy. Tuy nhiên, chính phủ nước này vẫn hy vọng có thể phục dựng những di sản đó.

Thung lũng Kathmandu nổi tiếng thế giới với di sản văn hóa. Thung lũng nằm ở nơi giao nhau của các nền văn minh cổ xưa của châu Á, và có ít nhất 130 di tích quan trọng, trong đó có nhiều địa điểm hành hương cho người theo đạo Hindu và Phật giáo. Nơi này gồm 7 nhóm công trình và tòa nhà đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Các công trình đó tượng trưng cho các thành tựu lịch sử và nghệ thuật, gồm các quảng trường Hanuman Dhoka (Kathmandu), Patan và Bhaktapur, tháp chứa hài cốt sư Swayambhu và Bauddhanath bên cạnh các ngôi đền Hindu Pashupati và Changu Narayan.

Quảng trường Durbar ở thung lũng Kathmandu sau thảm họa động đất.

Từ đống đổ nát bao quanh ngôi đền trung tâm đã bị rạn nứt, người ta có thể ngắm nhìn toàn bộ cảnh quan của thung lũng Kathmandu.

Bên dưới Quảng trường Durbar và cung điện của Bhaktapur là một thị trấn có niên đại từ thời Trung cổ. Thị trấn này được bảo tồn nguyên vẹn trong nhiều thế kỷ qua, song giờ đã thành đống đổ nát sau thảm họa động đất. Phía xa hơn nữa là những cung điện Patan, cũng bị nứt hoặc đã đổ sụp. Quanh đó còn có các công trình khác, hầu hết đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới bởi tầm quan trọng toàn cầu, song giờ đã bị tổn hại nặng nề. “Kathmandu là thành phố của đền đài, tuy nhiên sau động đất đã biến thành nơi lều trại” – Giáo sư Madhab Gautam thuộc Trường đại học Tribhuvan, nói.

Ở ngôi đền Changu Narayan 1.600 năm tuổi, một tảng granite lớn bị đổ sụp, gần đó chiếc chuông đồng khổng lồ nằm giữa đống cờ từng được dùng để phục vụ trong lễ cầu nguyện. Khu quần thể đang trong tình trạng ngổn ngang này bao phủ cả đỉnh đồi, nó được trang trí với rất nhiều tác phẩm khắc gỗ và tượng. Song nhiều tác phẩm đã bị nứt và hư hại nặng. Những tác phẩm như vậy rất được ưa chuộng trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Từ lâu, Nepal đã là mục tiêu của các vụ trộm cổ vật, rất nhiều di sản đã rơi vào các bộ sưu tập tư nhân hoặc bảo tàng ở phương Tây.

Cảnh sát dọn dẹp đống đổ nát tại ngôi đền Changu Narayan.

Ở Patan, quân đội cũng đã chuyển hàng tấn gỗ khắc vào sân chính của các cung điện cũ. Bên ngoài, một bức tượng sư tử đầu chim bằng đá nằm chỏng chơ trên sàn lát đá của quảng trường chính, tuy nhiên thật kỳ diệu là một bức tượng chim thần trong Ấn Độ giáo, Garuda (Kim Sí Điểu), vẫn đứng vững trên chiếc bệ cao. “Ở đây, các yếu tố tôn giáo, văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế gắn kết với nhau. Các di chỉ văn hóa là một phần quan trọng của thành phố này. Nếu chúng không tồn tại thì thành phố này sẽ sụp đổ” - Gautam nói khi ông nhìn đống đổ nát đang được dọn đi.

Mỗi ngôi làng ở Nepal đều có đền thờ và thậm chí các ngôi đền ở Kathmandu còn đóng vai trò chính yếu trong cuộc sống của cộng đồng. Ở đất nước này, khoảng 80% người dân theo đạo Hindu. Sau khi xảy ra động đất, kế hoạch canh gác không chính thức đã được xúc tiến nhằm bảo vệ các di chỉ văn hóa. Mrigen Joshi (21 tuổi) cho biết, anh và hàng chục người khác đang tham gia bảo vệ Quảng trường Durbar. “Chúng tôi coi đây như tài sản của mình, vì vậy chúng tôi phải gìn giữ nó. Chúng tôi canh gác ở đây đến đêm và sau đó quân đội tiếp quản” – Joshi cho biết.

Trong khi đó, bà Lakshmi Shreshtra (71 tuổi) cho biết, những ngôi đền ở quảng trường đã bị phá hủy sau trận động đất đã là “bạn” của bà từ thời thơ ấu.  “Tôi chơi ở những ngôi đền này từ khi còn nhỏ. Đây là nơi tụ hội của giới trẻ, còn cánh già ngồi dưới ánh mặt trời và trò chuyện. Ngày nào tôi cũng tới đây cầu nguyện. Vào các dịp lễ hội, mọi người cũng đều tới đây” – bà Shreshtra kể. Gần đó, còn có một ngôi đền nhỏ thờ Ganesh, một vị thần trong Ấn Độ giáo với nhân dạng kỳ dị, đầu voi mình người. Thần Ganesha là tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công. Ngài là con của thần Shiva và nữ thần Parvati. Tuy nhiên, giờ đây nó đang được dùng làm kho chứa đồ cứu trợ.

Không chỉ gây tổn hại về người và của, thảm họa động đất còn tác động mạnh đến kinh tế. Khoảng 10% nền kinh tế của Nepal dựa vào du lịch. Nhiều người ở Kathmandu đang chưa biết xoay xở thế nào sau thảm họa động đất. Ở sân của ngôi đền Changu Narayan đã bị phá hủy, nghệ sĩ tôn giáo truyền thống Kamal Bhujel đang cố gắng cứu các bức tranh Phật giáo từ đống đổ nát trong studio của mình và cửa hàng. “Tôi đã mất toi 15 năm làm việc của mình. Tất cả các học trò của tôi đều mất nhà và đã phải rời khỏi đây” -  Bhujel cho biết.

Trong khi đó, Anis Bhatta (25 tuổi) là chủ của một nhà nghỉ gần đó, nhưng giờ nó đã thành đống đổ nát. “Chúng tôi đang phá sản. Người nước ngoài không còn dám tới đây nữa vì quá sợ” – Bhatta buồn rầu nói.

Chứng kiến cảnh ngôi đền bị đổ sụp sau trận động đất, nhiều người đã đổ lỗi cho các quan chức tham nhũng. Họ bị buộc tội là đã làm ngơ trước tình trạng khai thác cát trái phép từ ngọn đồi nơi ngôi đền tọa lạc. Người ta cho rằng tình trạng khai thác đó đã làm suy yếu móng của ngôi đền. 

Giới chức Chính phủ Nepal thông báo, họ đã nhận được sự cam kết hỗ trợ tài chính từ các nước châu Âu, Ấn Độ và UNESCO cho các dự án tái xây dựng các công trình. Bheshraj Dahan, Bộ trưởng Bộ Khảo cổ Nepal, tự tin cho rằng tất cả các công trình bị hư hại sau động đất sẽ được phục dựng trong vòng 5-7 năm tới.

Trong thời kỳ đỉnh cao từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, các vương quốc của thung lũng Kathmandu rất màu mỡ, được phòng ngự tốt, mạnh mẽ và sôi động nhất Nam Á. Các công trình ở thung lũng này hòa trộn các phong cách của Ấn Độ và Tây Tạng cũng như cách mô tả bằng hình tượng của đạo Hindu và đạo Phật. “Di sản có thể tái dựng. Cứ 100 năm lại có một trận động đất mạnh phá hủy nhiều ngôi đền và cung điện. Tuy nhiên, các vị vua luôn phục dựng lại được. Đó cũng là việc mà chúng tôi có thể làm, song vấn đề cốt yếu ở đây là tài chính” - Kunda Dixit, chủ bút tờ Nepali Times, cho biết.

Sau trận động đất ở Nepal hồi năm 1934, nhiều tòa nhà đã được xây dựng lại. Rohit Ranjitkar, sử gia văn hóa đồng thời là một nhà bảo tồn, tự tin cho rằng các công trình văn hóa bị tổn hại trong trận động đất này có thể phục dựng được. “Đó là di sản của chúng tôi và công trình phục dựng là nhiệm vụ của chúng tôi” – Ranjitkar khẳng định.

Phúc Quyên (tổng hợp)
.
.