Tổng thống Putin đối thoại trực tiếp với người dân:

“Nếu ai đó quyết tâm tự sát, sẽ khó lòng cứu được…”

Thứ Ba, 19/04/2016, 15:10
Cuộc đối thoại trực tiếp với người dân Nga ngày 14-4 của Tổng thống Putin chỉ kéo dài 3 giờ 40 phút thay vì 4 giờ 57 phút như lần trước. Ông kết thúc bằng lời chúc: “Tôi không mong được trả lời nhiều câu hỏi. Người dân càng ít thắc mắc thì có nghĩa là họ càng hạnh phúc”. Thật thấm thía!

Đây là cuộc đối thoại trực tiếp với dân lần thứ 14 của Tổng thống Putin. Cuộc đối thoại lần này xoay quanh 2 vấn đề chính; thứ nhất là tình hình kinh tế nước Nga, thứ hai là chính sách đối ngoại. Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề kinh tế nước Nga hiện nay.

Đây là điều dễ hiểu vì nước Nga đang phải đối mặt với sự cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây trong khi dầu mỏ giảm mất hơn 50% giá trị từ hơn 1 năm qua. Nga là nước dựa vào xuất khẩu dầu là chính. Khi được hỏi liệu nền kinh tế đang trải qua giai đoạn “tối tăm” hay “tươi sáng”, câu trả lời của nhà lãnh đạo Nga là “màu xám”, ý nói không tốt nhưng cũng không tệ.

“Tình hình chưa được cải thiện nhưng xu hướng chung là tích cực. GDP dự kiến tiếp tục giảm 0,3% trong năm nay nhưng sẽ tăng trưởng trở lại vào năm tới” - ông Putin quả quyết, đồng thời nhấn mạnh nền kinh tế cần được tái cơ cấu để vượt khó.

Để giải quyết tình trạng hiện nay, trong hơn một năm qua, chính quyền Nga đã tiến hành nhiều biện pháp cải cách kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, tìm kiếm đối tác mới... Trước câu hỏi về đánh giá thành quả tiến trình cải cách kinh tế, ông Putin nói kinh tế Nga đang trong giai đoạn chuyển đổi, nhấn mạnh kinh tế đang cải thiện một cách chậm rãi. Ông nói thêm rằng, ông xem việc đưa nền kinh tế trở lại con đường phát triển bền vững là cần thiết, mặc dù các chính sách ngân sách và kinh tế vĩ mô cân bằng, và đảm bảo thâm hụt ngân sách không vượt quá 3%.

"Chúng ta đã tăng sản xuất công nghiệp, nhân đây cần nói là lần đầu tiên vào tháng 2-2016 ghi nhận sự thay đổi nhịp độ theo chiều hướng tích cực, còn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao cũng được mở rộng và gia tăng so với xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Điều chính yếu không phải là in thêm tiền, mà là thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. Đó là chu trình rất phức tạp, nhưng dù sao chăng nữa ở ta đang có chuyển động theo hướng này" - ông Putin đánh giá trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân Nga.

Có mấy cuộc gọi từ các chủ trang trại địa phương hỏi về tình hình với lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như biện pháp đáp trả của Nga. "Tôi không nghĩ rằng phương Tây trong thời gian tới sẽ xóa bỏ trừng phạt chống Nga. Trong trường hợp tiếp nối những biện pháp của họ, Nga cũng sẽ gia hạn các hạn chế đối ứng" - Tổng thống Putin tuyên bố.

Ngoài kinh tế, chính sách đối ngoại của Nga cũng được rất nhiều người dân Nga quan tâm, đặc biệt liên quan tới Syria, Ukraine và Mỹ.

Liên quan tới Ukraine, ông Putin khẳng định chỉ có một giải pháp duy nhất cho vấn đề Ukraine hiện nay là các bên phải tôn trọng thỏa thuận Minsk. “Đừng nên đòi hỏi Nga phải làm gì nữa, Moscow đã làm tất cả những gì có thể để cứu vãn hòa bình cho Ukraine rồi” - Tổng thống Putin quả quyết. Tổng thống Putin cho biết thỏa thuận Minsk-2 hiện là cứu cánh duy nhất cho tình hình tại Ukraine. Ông cáo buộc chính quyền Kiev đã không đáp ứng những đòi hỏi của cộng đồng quốc tế trong thỏa thuận Minsk-2. “Thỏa thuận này yêu cầu chính quyền Kiev phải sửa đổi hiến pháp và trao quyền tự quyết cho các vùng ở miền đông trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký. Nhưng chính phủ Kiev đã không thực hiện điều đó viện cớ rằng vẫn còn xung đột giữa phe ly khai và quân chính phủ. Đây là lý do hoàn hảo để Kiev không thực hiện thỏa thuận Minsk-2. Khi quân đội Ukraine bắn phá, phe ly khai đương nhiên phải chống trả” - ông Putin bình luận.

Ngoài ra, người đứng đầu nước Nga cũng cho rằng còn 2 nguyên nhân khác khiến tình hình Ukraine chưa thể yên ổn. Thứ nhất, Mỹ và phương Tây luôn tìm cách đổ lỗi cho Nga không tôn trọng các thỏa thuận. Thứ hai, Ukraine nói rằng họ đang bị khủng hoảng về chính trị nên không thể thực thi những điều đã thỏa thuận.

Liên quan tới quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một bé gái 12 tuổi hỏi ông Putin: Nếu Tổng thống Ukraine Porochenko và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang sắp chết đuối, ông sẽ cứu ai trước?”. Ông Putin cho biết, nếu một ai đó đã quyết tâm tự sát, người ta khó lòng cứu được anh ta.

Tổng thống Putin trả lời câu hỏi của người dân trong cuộc đối thoại trực tiếp ngày 14-4.

Đối với nước Mỹ, Tổng thống Nga gọi Tổng thống Mỹ là "một người đàn ông tử tế" vì đã thừa nhận sai lầm của mình sau khi can thiệp quân sự vào Libya là không có kế hoạch cho thời hậu chiến ở nước này. Ông khẳng định phát biểu điều này là hoàn toàn chân thành và không chút mỉa mai, bởi chuyện thú nhận như vậy không hề dễ dàng. Ông cũng nói thêm rằng "chỉ có một người trí tuệ mạnh mẽ" như ông Obama mới dám thú nhận như vậy. Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng những lỗi lầm đó lại được tiếp tục tại Syria và chưa biết hậu quả sẽ như thế nào.

Khi được hỏi với nước Nga thì ai là nhân vật tồi hơn, Clinton hay Trump? Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Mỹ không nên hành động từ lập trường vũ lực và tham vọng đế chế, mà cần tôn trọng các đối tác, trong đó có Nga.

Có thể nhận thấy, khác với những tuyên bố hùng hồn, đanh thép trong thông điệp liên bang cũng như buổi trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí trong và ngoài nước hồi cuối năm 2015, ông Putin thể hiện một phong thái nhẹ nhàng hơn rất nhiều trong buổi đối thoại lần này. Sự "nhẹ nhàng" ấy được thể hiện qua nhiều khía cạnh, như qua cách trả lời khá "mềm" và pha chút hóm hỉnh của ông Putin.

Thái độ mềm dẻo với Mỹ trong phát biểu lần này được giải thích bằng 2 lý do. Thứ nhất, về mặt đối nội, trước thềm cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga vào tháng 9 tới đây, Tổng thống Putin muốn giữ một bầu không khí ổn định trong nước. Thứ hai, trong thời gian gần đây, Nga-Mỹ đã có những hợp tác tốt, với những tín hiệu tương đối tích cực trong phối hợp song phương tại Syria.

Vấn đề Syria và IS được nêu trong câu hỏi: “Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria đã thành công và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã suy yếu, nhưng liệu tổ chức khủng bố này sẽ trỗi dậy lại ngay sau khi Nga rời đi?”.

Ông Putin trả lời: "Vấn đề là chúng tôi không phải rời đi và bỏ lại mọi thứ. Chúng tôi rút một phần quan trọng của lực lượng nhưng với sự hỗ trợ từ lực lượng còn lại ở đó, quân đội Syria có thể tiến hành nhiều chiến dịch tấn công lớn. Thực tế sau khi chúng tôi rút đi, họ đã chiếm được một số mục tiêu quan trọng. Nga đang giám sát chặt chẽ tình hình ở Syria và nỗ lực hết sức để đảm bảo mọi thứ không tồi tệ hơn".

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.