Nga - Anh: Khủng hoảng ngoại giao

Thứ Sáu, 13/07/2007, 11:00
Cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga - Anh lại bùng phát dữ dội sau khi chính quyền Moskva từ chối dẫn độ doanh nhân Andrei Lugovoy theo yêu cầu của London. Sự kiện này khiến hai quốc gia bên bờ vực chiến tranh lạnh.

Những đòn trả đũa

Chính phủ Anh đã có một số động thái thách thức như đe dọa trục xuất tất cả các nhà ngoại giao của Nga. Ngoại trưởng David Miliband là người chịu trách nhiệm soạn thảo những biện pháp cứng rắn của Anh đối với Nga và sẽ đệ trình trước Quốc hội vào tuần tới.

Nhiều khả năng, Chính phủ Anh sẽ cắt viện trợ trực tiếp với Moskva cùng các quan hệ khác; kêu gọi doanh nhân Anh giảm đầu tư vào Nga (trung bình đầu tư thương mại của Anh vào Nga khoảng 33 tỷ bảng).

Không chịu thua kém, Kremli đã tạo một làn sóng biểu tình nhằm vào Đại sứ Anh Tony Brenton ở Moskva. Cơ quan thuế của Nga cũng tới kiểm tra tài chính của Hội đồng Anh và yêu cầu tổ chức này phải rời trụ sở khỏi thành phố Yekaterinburg. Chưa hết, phía Nga còn cáo buộc Anh mua chuộc điệp viên và khởi tố vụ án hình sự về việc tình báo Anh tiến hành hoạt động tình báo nhằm phá hoại nền chính trị, kinh tế của nước này.

Thông qua lời khai của cựu sĩ quan an ninh của Nga Vyacheslav Zharko, Moskva cho biết, Vyacheslav Zharko đã được cơ quan tình báo MI-6 của Anh tuyển mộ từ năm 2003.

4 năm qua, Vyacheslav Zharko thường xuyên cung cấp thông tin về an ninh, quân sự của Nga cho MI-6 thông qua John Callaghan, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Anh tại Moskva và một người tên Paul.

Mỗi tháng MI-6 trả cho Vyacheslav Zharko 200.000 euro để đổi lấy thông tin mà anh này tổng hợp, phân tích qua nguồn thông tin báo chí công khai trên mạng Internet. Vyacheslav Zharko còn cho biết, tỷ phú lưu vong Boris Berezovsky và Alexander  Litvinenko đã giới thiệu anh với MI-6 vì hai người này cũng làm việc cho cơ quan tình báo Anh...

Cái chết đáng ngờ

Vậy điều gì đã khiến hai quốc gia này trở nên đối đầu? Trên thực tế, mối quan hệ giữa Nga và Anh bắt đầu "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" khi chính quyền London liên tục từ chối dẫn độ tỷ phú lưu vong Boris Berezovsky, kẻ đứng đằng sau các vụ phá hoại nhằm lật độ chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.

Kremlin đã chỉ trích London là không thiện chí. Thế nhưng, bất đồng này cũng dần được giải quyết và Anh đã trở thành nhà đầu tư số 1 của Nga. Lãnh đạo hai nước vẫn tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề trên thế giới. Nhưng vụ đầu độc Alexander  Litvinenko bằng chất phóng xạ polonium-210 đã phá hỏng tất cả.

Dựa vào bức thư tuyệt mệnh được cho là của Alexander Litvinenko, trong đó có nói chính quyền Moskva đứng đằng sau vụ việc, London đã tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào các điệp viên Nga. Kết quả là Anh cáo buộc Andrei Lugovoy, một doanh nhân đồng thời là cựu nhân viên KGB là thủ phạm và yêu cầu được dẫn độ ông này về Anh.

Chính phủ Nga từ chối thẳng thừng và khẳng định Anh đã biến một vụ án hình sự thành một cuộc vận động chính trị. Đồng thời, cơ quan an ninh Nga cũng mở cuộc điều tra vụ án dựa trên lời khai của Andrei Lugovoy, người đã gặp Alexander  Litvinenko tại khách sạn ở London ngày 1/11/2006, tức một ngày trước khi ông này chết.

Nga cho rằng cái chết của Alexander Litvinenko có liên quan đến tỷ phú Boris Berezovsky, MI-6 và không loại trừ khả năng ông này tự kết liễu đời mình.

Lời qua tiếng lại, vô tình, vụ việc đã tạo một cuộc tranh cãi gay gắt giữa Moskva và London mà chẳng bên nào chịu nhường bên nào. Lịch sử hai nước đã từng chứng kiến bê bối ngoại giao hồi tháng 5/1996. Khi đó, Moskva trục xuất 9 nhà ngoại giao Anh, cáo buộc họ làm gián điệp, còn London thì buộc 4 nhà ngoại giao Nga về nước.

Vì thế, nhiều nhà phân tích đang lo ngại về khả năng xảy ra xung đột hoặc chiến tranh lạnh giữa hai quốc gia, cái mà từ lâu người ta đã cố triệt tiêu vì một thế giới hòa bình

Huyền Chi
.
.