Nga - Mỹ hợp tác tìm lối thoát cho Syria

Thứ Hai, 20/05/2013, 20:40

Hợp tác giữa 2 cường quốc Nga và Mỹ là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Và hiện nay, Nga và Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch tổ chức một hội nghị quốc tế bao gồm tất cả các bên liên quan tại Syria để tìm kiếm giải pháp hòa bình. Syria đang đứng trước một cơ hội chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 2 năm qua.

Thông tin về việc Nga và Mỹ bắt tay hợp tác cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria đã được công bố từ sau chuyến làm việc của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Moskva ngày 8/5. Trong  chuyến đi đó, sau cuộc tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Kerry đã có cuộc họp báo để công bố thông tin về việc Tổng thống Nga Putin đã đồng ý hợp tác với Mỹ trong giải quyết vấn đề Syria. Kể từ sau chuyến làm việc đó, cả 2 phía Nga và Mỹ ráo riết chuẩn bị kế hoạch, đồng thời từng bước vận động các bên liên quan tham gia hội nghị hòa bình.

Sau cuộc gặp thứ hai bên lề Hội nghị Hội đồng Bắc Cực tại thành phố Kiruna, Thụy Điển, Ngoại trưởng Kerry và Ngoại trưởng Lavrov đã thông báo kế hoạch hội nghị Geneva đang hình thành và hội nghị chắc chắn sẽ diễn ra đúng như dự kiến. Theo kế hoạch, Hội nghị hòa bình dự kiến sẽ được tổ chức tại Geneva vào tháng 6/2013. Các bên được mời tham gia cho đến nay cũng đã có dấu hiệu tích cực, đồng ý tham gia. Ngày 14/5, đại diện Chính phủ Syria đã gửi cho Bộ Ngoại giao Nga bản danh sách những đại biểu sẽ tham dự hội nghị.

Trước đó, ngày 13/5, người đứng đầu Hội đồng chuyển tiếp quốc gia Syria (SNC) George Sabra cũng tỏ ý không từ chối tham gia hội nghị, nhưng thông báo rằng sẽ tham vấn các đồng minh (Arập Xêút, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ) trước khi đưa ra quyết định. Phe đối lập Syria sẽ có cuộc gặp với các đồng minh trong tổ chức Những người bạn của Syria tại cuộc họp vào ngày 22/5 tới tại Jordan trước khi gặp nhau tại Istanbul để bàn bạc phương án tham gia hội nghị Geneva do Nga - Mỹ tổ chức. Đây sẽ là thời gian quyết định tương lai của phe đối lập Syria trong thành phần chính phủ tương lai.

Quân đội ủng hộ Tổng thống Syria ngày càng chiếm ưu thế quân sự.

Sự hợp tác Nga - Mỹ rất có ý nghĩa và là con đường hợp tình hợp lý nhất trong bối cảnh cuộc nội chiến Syria hiện nay. Một mặt, Nga đứng sau lưng ủng hộ Chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad, còn Mỹ quyết liệt hậu thuẫn phe đối lập với các nhóm phiến quân dẫn đầu là lực lượng FSA tìm cách lật đổ Tổng thống Assad.

Mặt khác, việc Nga và Mỹ xúc tiến hội nghị hòa bình Geneva cũng là bước hiện thực hóa một thỏa thuận giữa 2 nước Nga - Mỹ tại hội nghị Geneva tháng 6/2012 về việc xây dựng một chính phủ Syria chuyển tiếp có đủ quyền hành pháp và bao gồm tất cả các bên. Kể từ sau hội nghị Geneva đó, các nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình đều gặp phải trở ngại cực lớn do phe đối lập trong tổ chức Liên minh Quốc gia Các lực lượng đối lập và cách mạng (NCSROF), được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ và các nước đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút, Qatar và Jordan, nhất quyết từ chối đàm phán, đặt điều kiện Tổng thống Assad phải "ra đi" trước.

Tuy nhiên, sau gần một năm, với hàng loạt trận thắng quyết định giải tỏa thế trận giằng co, quân đội chính phủ Syria đang dần lấy lại thế thượng phong. Thắng lợi mới nhất của quân đội chính phủ Syria là thu hồi quyền kiểm soát hoàn toàn thị trấn chiến lược Khirbet Ghazaleh, gần tuyến quốc lộ nối thủ đô Damascus tới biên giới Jordan.

Đồng thời quân chính phủ cũng khai thông trở lại tuyến quốc lộ nối Damascus với trung tâm tỉnh lỵ Daraa ở miền Nam. Phiến quân đối lập đã dự định lấy thị trấn Khirbet Ghazaleh làm bàn đạp tấn công Damascus. Vì vậy, việc để mất thị trấn Khirbet Ghazaleh được xem là tổn thất lớn về mặt chiến lược, kế hoạch đánh chiếm thủ đô Damascus coi như phá sản, do trước đó, một số vị trí chiến lược khác xung quanh Damascus cũng đã bị quân đội chính phủ tái chiếm.

Mỹ và các đồng minh chống lưng phe đối lập đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn về việc phải tìm một giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria do lo ngại nguy cơ các nước láng giềng như Israel, Liban, Thổ Nhĩ Kỳ bị lôi kéo vào cuộc chiến ngày càng lớn dần, với những vụ đấu pháo qua lại biên giới Syria-Liban, Syria-Thổ và nhất là việc Israel ngang nhiên dùng máy bay ném oanh kích các vị trí ngoại ô Damascus của Syria, khiến cho cuộc nội chiến trở nên phức tạp do nguy cơ Syria trả đũa Israel làm tăng khả năng xung đột lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông. Vì vậy, Mỹ và đồng minh quyết định mở thêm căn cứ hỗ trợ phiến quân ở Jordan nhằm tăng cường tiếp tế cho các mặt trận miền Nam, giúp phiến quân lấy lại thế trận đang suy yếu.

Phe đối lập đang đối mặt nguy cơ bị đánh bại hoàn toàn, thế của quân chính phủ càng lúc càng mạnh, lại được trang bị những tiểu đoàn tên lửa hiện đại của Nga, làm cho khả năng thất bại của việc sử dụng phiến quân bên trong để lật đổ Tổng thống Assad ngày càng hiện rõ, nhưng việc trực tiếp can thiệp hoặc hỗ trợ vũ khí tối đa cho phiến quân đã trở nên bất khả thi do lo ngại các loại vũ khí tối tân sẽ rơi vào tay tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra. Đây chính là lúc Mỹ rất cần đến sự hợp tác của Nga, tạm thời chấp nhận không đặt điều kiện ông Assad phải từ chức như trước.

Quân nổi dậy Syria bộc lộ tính man rợ

Một ảnh trong video clip.

Một đoạn video dài 27 giây quay bằng điện thoại từ thành phố Homs đã được phát tán từ tháng 4/2013, với nội dung đủ khiến cho bất cứ ai cũng phải rùng mình vì mức độ man rợ của nó, được một nhóm ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad tải lên mạng Internet từ ngày 12/5 vừa qua.

Đoạn video mô tả cảnh một thủ lĩnh phiến quân được nhiều người nhận diện là Khaled al-Hamad, biệt danh là Abu Sakkar, một tay cầm dao rạch bụng một binh sĩ chính phủ đã chết, tay kia moi lấy tim và gan của nạn nhân, quay mặt về phía ống kính và tuyên bố: "Tao thề sẽ ăn tim và gan của bọn bay, lũ chó của Bashar". Đoạn, hắn đưa quả tim lên miệng cắn một nhát trong tiếng reo hò của đám thuộc hạ.

Cần biết, Abu Sakkar chỉ huy đơn vị Omar al-Farouq Brigade gồm 60 tay súng, trước đây thuộc lực lượng Farouq Brigades, lực lượng chủ lực tại thành phố Homs thuộc tỉnh Homs, miền Trung Syria.

Sự xuất hiện của đoạn video man rợ nói trên đã làm xấu thêm hình ảnh vốn đã nhiều tai tiếng của lực lượng phiến quân Syria, xói mòn sự ủng hộ của dân chúng, khiến cho những nỗ lực tăng cường hậu thuẫn của Mỹ và các đồng minh cho phiến quân trở nên khó khăn hơn.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.