Nga - Mỹ kết thúc vòng đàm phán thứ ba về START-1

Chủ Nhật, 28/06/2009, 08:20
Sau 2 ngày nhóm họp tại Geneva, Thụy Sĩ (từ 22 đến 23/6), đoàn đại biểu của Nga và Mỹ đã kết thúc vòng đàm phán thứ ba về Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược mới thay thế Hiệp ước START-1. Cũng giống như 2 vòng đàm phán trước, cuộc họp lần này đã kết thúc, nhưng vẫn chưa tạo được đột phá trong lĩnh vực vô cùng nhạy cảm.

Dự kiến, vấn đề này sẽ được định đoạt tại cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Moskva trong tháng 7 tới. Thông qua Hiệp ước mới là trọng tâm hiện nay của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm cải thiện mối quan hệ song phương.

Cuộc họp thượng đỉnh Nga - Mỹ dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ 6 đến 8/7/2009) với nội dung chính xoay quanh Hiệp ước START-1. Giới bình luận cho rằng, Mỹ cố gắng đạt được một hiệp ước mới thay thế START-1 bởi đó được coi là món quà nhân chuyến công du tới Nga của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ngoài ra, Quốc hội Mỹ cũng tuyên bố, trước tháng 8 cần phải có văn bản thỏa thuận giữa 2 bên để các nhà lập pháp kịp phê chuẩn trước khi Hiệp ước START-1 hết hiệu lực.

Tính đến nay, các chuyên gia Nga và Mỹ còn 5 tháng để soạn thảo một thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm thay thế Hiệp ước START-1 bởi nó sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/12/2009 sau khi được ký năm 1991.

Tuy nhiên, Nga luôn muốn gắn các cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược với hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ đang được triển khai tại châu Âu. Tổng thống Nga cũng bày tỏ mối quan tâm tới các loại vũ khí tấn công chiến lược được trang bị đầu đạn phi hạt nhân - nó cũng đe dọa tới sự ổn định chiến lược. Ông Dmitry Medvedev nhấn mạnh, Nga sẵn sàng cắt giảm phương tiện vận chuyển hạt nhân chiến lược, thậm chí xuống mức thấp hơn vài lần so với quy định của Hiệp ước START-1.

Tổng thống Nga cho rằng, số lượng đầu đạn hạt nhân thường có mối liên hệ mật thiết với số lượng thiết bị chuyên chở, do đó, số lượng của cả hai loại vũ khí này đều cần được giảm xuống mức thấp hơn so với quy định trong bản Hiệp ước Moskva năm 2002. Nhưng Nga từng rút khỏi Hiệp ước Moskva (năm 2002) vì Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) được ký năm 1972.

Theo Hiệp ước Moskva, đến tháng 12/2012, mỗi bên cần cắt giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn từ 1.700 đến 2.200 đơn vị. Còn theo những quy định trong START-1, Nga và Mỹ phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn 6.000 và số thiết bị phóng hạt nhân xuống còn 1.600 mỗi bên.

Thủ tướng Putin từng nhấn mạnh, Nga sẽ gắn vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ với thỏa thuận cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Nga sẵn sàng ký một hiệp ước thay thế START-1 nếu Mỹ giải quyết thỏa đáng những lo ngại của Moskva - Mỹ cần lưu tâm tới mối lo ngại của Nga xung quanh kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa tại Trung Âu bởi Moskva không chấp nhận việc này.

Đây không phải lần đầu tiên Moskva bày tỏ mối quan ngại xung quanh kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa tại Trung Âu của Mỹ bởi việc này sẽ trở thành mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga sau khi Washington triển khai 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và 1 radar cảnh báo sớm tại Cộng hòa Czech. Nhưng cho tới nay, Mỹ vẫn luôn khẳng định tính cần thiết của hệ thống này, nhất là sau những động thái mới tại CHDCND Triều Tiên và cuộc bầu cử tổng thống Iran mới đây.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng hy vọng, Mỹ sẽ hiểu rõ lập trường của Nga - việc cắt giảm vũ khí hạt nhân có mối quan hệ mật thiết tới lá chắn tên lửa của Mỹ tại Trung Âu. Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, ông William Burns cũng nhận định, hệ thống phòng thủ tên lửa là chướng ngại vật trong quan hệ Nga - Mỹ. Nhật Bản cũng đang kêu gọi các nước G-8 giải trừ hạt nhân. Trước đó (10/6), Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh, giải trừ vũ khí hạt nhân là một vấn đề chính trị khẩn cấp nhất thế giới hiện nay.

Trong khi bày tỏ mối quan ngại đối với lá chắn tên lửa của Mỹ tại Trung Âu, nhưng Nga cũng đang thể hiện sức mạnh quân sự của mình. Tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược Nga (SMF), tướng Nikolai Solovtsov vừa tuyên bố (ngày 20/6), việc tiếp nhận tổ hợp tên lửa mới Topol-M, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 và RS-12M2 vào SMF thời gian tới sẽ tạo nên một trong những lực lượng hạt nhân nòng cốt trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Nga.

Tới năm 2015, SMF sẽ trang bị cho tất cả các cơ sở hạt nhân những hệ thống bảo vệ mới. SMF sẽ đảm bảo an toàn cho nước Nga và các đồng minh của mình trong thế kỷ này. Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Nga có thể mang 1.788 đầu đạn hạt nhân. Từ nay đến năm 2016, Nga sẽ cải tiến khả năng tầm bay của tên lửa đạn đạo nhằm đánh bại tất cả hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. SMF có 538 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, bao gồm 306 tên lửa SS-25 Topol và 56 tên lửa SS-27 Topol-M.

Về phần mình, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tướng Norton Schwartz vừa đề nghị trang bị cho không quân lái máy bay F-15, F-16, F-22, F-35 các loại phương tiện, vũ khí đặc biệt để tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Viện trưởng Viện Vũ trụ Carnegie Rose Gottemoeller từng tuyên bố, một hiệp ước mới thay thế cho Hiệp ước START-1 có thể đạt được nếu 2 bên cùng cố gắng trong những cuộc thương đàm.

Trưởng đoàn đàm phán Nga, Giám đốc Cơ quan An ninh và Giải trừ quân bị Anatoly Antonov cho rằng, song phương đã thảo luận về một loạt vấn đề, trong đó có các bước chuẩn bị cho một hiệp ước mới trong tương lai

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.