Nga: Chặt chẽ giám sát các mạng xã hội

Thứ Hai, 17/09/2012, 10:40

Hoạt động của các mạng xã hội trong thời gian qua đã gây ra khá nhiều tác động xấu đến đời sống xã hội nước Nga, làm mất ổn định chính trị trong nước. Vì vậy, kiểm soát chặt chẽ, chủ động nắm quyền ảnh hưởng đối với cộng đồng mạng xã hội là mục tiêu của việc mua sắm công nghệ mới phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ của Cục Tình báo đối ngoại Liên bang Nga (SVR).

Theo tờ báo Kommersant của Nga ra ngày 27/8 vừa qua, SVR đã đặt hàng mua 3 phần mềm chuyên về giám sát cộng đồng mạng, tổng trị giá hơn 32 triệu rúp, tương đương khoảng 1 triệu USD. 3 phần mềm này được mời thầu chào giá cạnh tranh từ đầu năm 2012, với 3 gói thầu khác nhau.

Gói thứ nhất có mật hiệu là Disputation, là dự án phần mềm "nghiên cứu các trung tâm thông tin trên mạng Internet và các phân vùng mạng xã hội", trị giá 4,41 triệu rúp; gói thầu thứ hai mang mật hiệu Monitor-3, là dự án phần mềm "nghiên cứu các phương pháp kiểm soát chiến thuật mạng Internet", trị giá hợp đồng là 4,99 triệu rúp; và đặc biệt là gói thầu thứ ba mang mật hiệu Storm-12, "nghiên cứu phát triển các công cụ thông tin đặc biệt trên các mạng xã hội", trị giá hợp đồng 22,8 triệu rúp. Dự kiến, gói thầu đầu tiên sẽ được hoàn tất vào khoảng cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013.

Theo các chuyên gia, mặc dù được phân chia thành 3 gói thầu riêng biệt, nhưng cả 3 chương trình nói trên đều có thể kết nối chặt chẽ với nhau và hoạt động đồng bộ, tương thích trên cùng nền tảng phần mềm mạng.

Đầu tiên, dự án phần mềm Disputation tập trung "nghiên cứu các quá trình hình thành các trung tâm thông tin Internet để tán phát thông tin trên các trang mạng xã hội", và nghiên cứu "xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tính phổ biến và lưu lượng thông tin trên mạng". Sau đó, các thông tin, dữ liệu thu thập sẽ được đưa qua phân tích bởi hệ thống phần mềm Monitor-3.

Chức năng của Monitor-3 là "phát triển các phương pháp tổ chức và quản lý cộng đồng chuyên gia trên mạng", thiết lập các công việc, kiểm soát công việc đã giao cho các chuyên gia thông qua phương tiện mạng xã hội và đều đặn tiếp nhận thông tin phản hồi từ các chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Trên cơ sở những thông tin, dữ liệu đã qua phân tích bởi Monitor-3, hệ thống phần mềm Storm-12 sẽ khởi phát. Chức năng và nguyên tắc hoạt động của Storm-12 được mô tả như sau: phát triển phần mềm đặc biệt có khả năng phát tán thông tin tự động trên các mạng xã hội lớn và tổ chức thông tin phù hợp với từng bối cảnh tác động đối với cộng đồng mạng xã hội khác nhau.

Cộng đồng mạng xã hội sắp tới sẽ được cơ quan tình báo SVR của Nga giám sát chặt chẽ hơn.

Hồ sơ thầu có nêu rõ: Mục đích hoạt động của  3 phần mềm nói trên là phát tán thông tin với khối lượng lớn trên các mạng xã hội nhất định, sử dụng các tài khoản người dùng hiện hữu, nhằm uốn nắn, định hướng tư tưởng, dư luận công chúng mạng, thu thập thống kê và phân tích tính hiệu quả của làn sóng thông tin, phân tích tính phù hợp của các  công cụ mạng xã hội phổ biến nhất để từ đó triển khai các làn sóng thông tin có chủ đề và tính chất xã hội khác nhau.

Theo Kommersant, đơn vị chính thức đứng tên mua 3 phần mềm nêu trên là PKU N54939, một đơn vị quân sự có chức năng quản lý trực thuộc SVR. Đơn vị trúng thầu cả 3 gói thầu nêu trên là Công ty Iteranet của Igor Matskevich, cựu Phó viện trưởng Học viện Mật mã, viễn thông và khoa học máy tính trực thuộc Cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Do tính chất bí mật của hoạt động tình báo nên việc mở các gói thầu phát triển phần mềm của SVR cũng phải diễn ra trong vòng bí mật, các đơn vị tham gia đấu thầu cũng được thông báo một cách bí mật.

Việc công bố thông tin trên báo Kommersant không được nêu lý do nhưng là một động thái có chủ ý của Cơ quan Tình báo Nga. Từ trước đến nay, Cơ quan tình báo FSB của Nga cũng từng tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ từ Cục Tình báo liên cơ quan (ISI) của Pakistan, nhưng việc trao đổi này tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ thông tin rất cao.

Kommersant cũng cho biết, một khi các phần mềm này được hoàn tất, SVR sẽ tiến hành các bước chạy thử để đánh giá, thẩm định tính hiệu quả của chúng. Điều này đang đặt ra câu hỏi cho các chuyên gia an ninh, tình báo mạng ở châu Âu: những quốc gia nào sẽ là "đối tượng thử nghiệm" đầu tiên để SVR chạy thử các phần mềm nói trên, Đông Âu hay các quốc gia thuộc Liên Xô cũ?

Với việc tình báo Nga chuẩn bị triển khai các chương trình kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, giới chuyên gia cho rằng vấn đề an toàn thông tin, chống rò rỉ, chống virút và các vấn đề an ninh mạng khác cũng cần được quan tâm.

Các chuyên gia cho rằng, chắc chắn 100% các đối tượng phục vụ trong công việc giám sát này có thể là thành viên các trang mạng xã hội của Nga hoặc của các trang mạng xã hội lớn trên thế giới như Facebook hay Google. Ở đó có các công nghệ kiểm soát thông tin trên mạng rất hiện đại mà FSB hay SVR chưa thể tiếp cận được. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, việc đánh giá tính hiệu quả, khả năng vận hành thành công của các phần mềm nói trên là vấn đề cần phải có thời gian để kiểm chứng

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.