Nga: Đạo chích quan tâm tới các biểu tượng văn hoá và tôn giáo

Thứ Năm, 11/05/2006, 08:00

Hàng năm, tại Nga có khoảng 300 biểu tượng tôn giáo bị mất trộm và khoảng 70 vật phẩm nghệ thuật có giá trị. Không chỉ các nhà thờ mà ngay cả các viện bảo tàng, nhà riêng của các nhà sưu tập đồ cổ cũng là các mục tiêu tấn công của bọn đạo chích.

Từ lâu, mỗi khi phát hiện tiếng động nhỏ nghi ngờ có kẻ gian đột nhập nhà thờ, cha cố Guennadi luôn mang theo khẩu súng săn cũ. Vị linh mục cai quản nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ XVI nằm trong một ngôi làng cách biệt của vùng Iaroslav tin rằng đây là mục tiêu săn tìm các cổ vật dữ dội nhất của bọn trộm.

Năm 2005, cha Guennadi thậm chí còn bị bọn gian đả thương khi đang cố bảo vệ tài sản của nhà thờ. Sau lần đó, ông cho lắp một hệ thống báo động. Ngay khi tiếng chuông báo động rung lên, ông liền xách theo khẩu súng săn đi kiểm tra dẫu biết rằng việc làm này đối với một vị cha cố là không nên. “Nhưng biết làm gì giờ vì bọn trộm chẳng kiêng nể điều gì” - vị cha cố than phiền.

Trong vùng Saint Pétersbourg, bọn trộm thậm chí còn ăn cắp cả chiếc hòm đựng thánh cốt của 14 vị thánh. Đa phần trong các vụ trộm linh vật tôn giáo, đều do các băng trộm có tổ chức thực hiện, bọn chúng chuyên về ăn trộm đồ cổ. Có đến hàng trăm thậm chí cả nghìn băng nhóm như vậy tại Nga. Bọn này đa phần đều câu kết với các nhóm chứa chấp đồ ăn cắp ở Tây Âu.

Theo Đại tá Ilia Riaznoi thuộc Cơ quan Trấn áp mạng lưới buôn bán lậu các tác phẩm nghệ thuật của Bộ Nội vụ Nga (MVD), hiện có khoảng 40 băng nhóm buôn bán cổ vật phi pháp bao gồm chủ yếu là những người Nga ở nước ngoài có mặt tại hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu. Thánh địa của bọn chúng là Berlin, Đức.

Từ đầu năm 2006 cho đến nay, đã có khoảng 6.000 nơi buôn bán đồ cổ bất hợp pháp đã bị dẹp bỏ. Theo thống kê của MVD, trong năm 2005, các lực lượng cảnh sát Nga đã tìm thấy 48.000 vật phẩm văn hóa hoặc lịch sử, trong đó có 35.000 biểu tượng tôn giáo. Còn theo Bộ Văn hóa Nga, có đến 9.400 món đồ cổ bao gồm sách cổ, tranh cổ, tiền cổ, biểu tượng tôn giáo... nằm trong bảng danh sách những di sản văn hóa cần bảo vệ cũng bị mất.

Anatoli Vilkov, Giám đốc Vụ Bảo vệ di sản văn hóa Nga cho biết, rồi một ngày nào đó, các tác phẩm bị đánh cắp sẽ xuất hiện trên thị trường hoặc ngay tại Nga hoặc ở nước ngoài, tại các nhà bán đồ cổ, trong các buổi bán đấu giá công khai thậm chí cả trong các phòng trưng bày.

Vấn đề lớn nằm ở chỗ một số các vụ mất cắp không được khai báo, hoặc vì người quản lý các tác phẩm nghệ thuật không biết trong kho lưu trữ của họ thiếu đồ vật gì, hoặc vì có sự thông đồng giữa những người trông coi các di sản văn hóa, lịch sử với bọn tội phạm. Mới đây, một bức tranh của Semiratski bị đánh cắp tại Viện Bảo tàng Taganrog, nhưng không được khai báo đã được tìm thấy tại Moskva.Còn tại Nijni Novgorod, một vị linh mục còn tự lấy đi những biểu tượng tôn giáo cổ và thay thế vào đó là những món đồ làm giả.

Theo Anatoli Vilkov, trong vòng 7 năm qua, các cơ quan chức năng ở Nga đã thu hồi được 5.000 món đồ cổ bị đánh cắp. Mùa hè năm 2005, chính Anatoli Vilkov đã đích thân sang London để mang về bức tranh "Mère de Dieu Odigitrie" có niên đại từ thế kỷ thứ XV bị đánh cắp cách đây 14 năm tại Bảo tàng Oustioujna, thuộc vùng Vologda. Bức tranh này được phát hiện trong nhà của một người sưu tầm đồ cổ ở Anh.

Nước Nga hiện có khoảng 200.000 nhà thờ, 2.500 viện bảo tàng, gần 49.000 thư viện và 6.000 viện lưu trữ tác phẩm văn hóa. Tính tổng cộng nước Nga có khoảng 80 triệu đồ vật văn hóa, lịch sử và tôn giáo khác nhau. Những năm 80 của thế kỷ trước, hầu hết các nhà thờ ở Nga đều bị bọn trộm "viếng thăm". Sau đó chúng quay sang các viện bảo tàng. Số lượng đồ vật bị đánh cắp được bọn trộm chuyển đi khắp Tây Âu là vô cùng lớn. Bọn chúng dùng cả một khoang tàu hỏa hoặc một xe tải lớn để chuyển đồ ăn cắp. Biên giới Nga với các nước Phần Lan, Belarus và Ucraina là những nơi bọn buôn lậu cổ vật hoạt động mạnh nhất.

Dẫu vậy, theo Interpol, Nga mới chỉ đứng hàng thứ 16 trong bảng xếp hạng các quốc gia có nạn trộm cắp các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, đứng sau Italia, Pháp hay Iraq. Tuy nhiên, tình hình đạo chích đồ cổ tại Nga vẫn rất đáng lo ngại. Cảnh sát Nga gần đây cho biết nạn trộm đồ cổ tại đây đang có chiều hướng gia tăng vì lẽ giá cả của các đồ vật này tại thị trường nội địa ngày một cao do sự nổi lên của bộ phận người giàu mới.

Alexandre Lipnitski là một nhạc công nổi tiếng. Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, tay nhạc công này đã có sở thích sưu tầm các biểu tượng tôn giáo cổ. Alexandre Lipnitski cho biết: "Ngày nay, thị trường buôn bán đồ mỹ thuật tại Nga đã được hình thành rõ nét. Bên cạnh đó, nạn đạo chích đồ cổ hiện giờ đang bị nạn làm hàng giả cổ cạnh tranh quyết liệt. Có cả những món đồ giả cổ được bán từ người này qua người khác khắp châu Âu, thậm chí còn được bán trong các sàn bán đấu giá”.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Hải quan Nga đã bắt và thu giữ được gần 90.000 đồ cổ, trong đó có 1 miếng thiên thạch trị giá tới 300.000 USD được đánh cắp từ một viện khoa học cùng nhiều ngà voi. Đã có bao nhiêu đồ vật văn hóa và lịch sử bị mất cắp được bọn tội phạm tuồn trót lọt từ Nga sang Tây Âu hay châu Á? Cả Igor Poukhlov và Andrei Tcherniavski, hai người điều phối chiến dịch chống nạn buôn bán lậu các tác phẩm nghệ thuật đều không biết.

Tại Italia, cách đây 2 năm, cảnh sát đã bắt giữ được 3 chiếc xe tải chở đồ cổ từ Nga sang. Qua đó thu giữ được 900 biểu tượng tôn giáo và văn hóa. FSB cũng vừa sang đảo Síp để nhận về 74 biểu tượng tôn giáo bị đánh cắp tại Nga. Tháng 2-2006, 688 biểu tượng văn hóa, tôn giáo cùng nhiều đồng tiền cổ khác đã "không cánh mà bay" tại Bảo tàng vùng Kamychinsk.

Tại ngôi làng bị bao trùm trong tuyết trắng, cha cố Guennadi đã trở thành một người hùng. Cách đây 12 năm, vị linh mục này được chuyển đến tiếp quản nhà thờ ở Ilinski, và mặc dù luôn cảnh giác, song bọn trộm cũng đã lấy đi một biểu tượng tôn giáo cổ của nhà thờ

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.