Nga – Saudi Arabia: Thời cuộc thay đổi nước cờ

Thứ Hai, 09/10/2017, 14:40
Chuyến thăm đầu tiên của Quốc vương Saudi Arabia tới Nga mang một ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Nếu như trước đây Ryad luôn đứng phía bên kia chiến tuyến trong các vấn đề quốc tế thì nay, những thay đổi thời cuộc đang khiến Saudi Arabia phải sắp đặt sự “hiện diện thực tế” trên phần sân của Nga.

Moscow coi đây là cơ hội tốt để lôi kéo một đồng minh của Mỹ nhưng cũng không quá viển vông mà tận dụng những cơ hội giao thương trước mắt.

Tín hiệu cho vị thế mới

Ngày 5-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz Al Saud tại điện Kremlin. Tầm quan trọng của chuyến thăm đã được thể hiện trong phát biểu của ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga: “Saudi Arabia là quốc gia đóng vai trò lãnh đạo then chốt trong các vấn của thế giới Arập. Ở Nga, chúng tôi tìm cách thúc đẩy đối thoại với Riyadh trên nhiều vấn đề quan tâm chung, bao gồm tình hình hiện nay ở Trung Đông và đặc biệt là ở Syria”.

Khi lịch trình công du của Quốc vương tới Moscow được xác nhận, Ngoại trưởng Saudi, ông Adel al-Jubair đã gọi đây là “chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử”. Theo hãng thông tấn Al-Jazeera, mô tả của ông al-Jubair hoàn toàn chính xác, bởi quan hệ Nga-Saudi Arabia vốn trải qua nhiều cung bậc thăng trầm.

Liên Xô là quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước độc lập của Quốc vương Abdulaziz và thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Hejaz và Nejd (tên gọi của Saudi Arabia cho đến năm 1932) vào năm 1926. Tuy nhiên, khi đặc sứ của mình tại Riyadh, ông Karim Khakimov - người bạn thân thiết của Quốc vương Saudi bị chính quyền Moscow tử hình vào năm 1938, thì quan hệ song phương bắt đầu rạn nứt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz Al Saud tại điện Kremlin ngày 5-10-2017.

Quan hệ này chỉ được Saudi Arabia tái lập với Liên bang Nga vào năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã. Hệ quả của hơn 5 thập kỷ đình trệ là tình trạng ngoại giao lạnh nhạt, quá trình bình thường hóa diễn ra rất khó khăn và cuộc khủng hoảng Syria còn làm mối quan hệ đó thêm xấu đi. Chưa một quốc vương Saudi nào từng đến thăm Liên Xô hay Nga, cho đến hôm nay, mặc dù chính Salman bin Abdulaziz từng thăm Nga, nhưng ông đến khi chưa với tư cách là Quốc vương của hoàng gia Saudi Arabia.

Từ khi Nga trở lại Trung Đông qua cuộc chiến ở Syria, Saudi Arabia - nước lớn với tham vọng là trọng tài toàn khu vực Trung Đông - tự nhiên trở thành những đối thủ của Moscow trong rất nhiều vấn đề, từ Syria cho tới các vấn đề về dầu mỏ và cả Iran.

Trong cuộc xung đột Syria, Nga và Saudi Arabia mỗi bên ủng hộ một phe khác nhau: Moscow đứng về phía Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Riyad thì ủng hộ phe nổi dậy. Cục diện này gần đây đã thay đổi khi Chính phủ Saudi Arabia yêu cầu phe đối lập Syria suy nghĩ về phương án giải cứu đất nước này và bắt đầu lộ trình hòa giải với chính phủ.

Về phía Nga, họ tin rằng, việc hậu thuẫn quân sự cho chính quyền của Tổng thống Assad đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trên thực địa và tạo ra các vùng giảm căng thẳng, giúp đẩy nhanh kết thúc xung đột. Chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia vào thời điểm này cho thấy Nga đã chứng tỏ được sự hiện diện của mình ở Trung Đông.

Sự thành công của Nga được nhiều người Saudi Arabia coi là tín hiệu cho vị thế mới mà Nga sẽ thể hiện trong tương lai của Trung Đông, trong bối cảnh Mỹ bắt đầu giảm sự hiện diện cả về chính trị và quân sự đồng thời thể hiện được tầm quan trọng về vị thế chính trị và chiến lược của Riyadh trong quan hệ giữa Nga với thế giới Arập.

Phát biểu về sự kiện lần này, nhà phân tích kinh tế cấp cao Chris Weafer tại Tập đoàn tư vấn Macro-Advisory của Nga nhận định: “Đây là phái đoàn Saudi Arabia đến Nga lớn nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy phía Saudi Arabia xem quan hệ với Nga rất quan trọng với quyền lợi của mình”.

Theo ông, sự kiện này đặc biệt ý nghĩa trong thời điểm ảnh hưởng của Mỹ ở Vùng Vịnh đang xuống dốc. Nga đã nhanh tay chớp lấy cơ hội. Ông Weafer đánh giá: Nga đang có cơ hội tái lập ảnh hưởng lên Vùng Vịnh dễ dàng hơn bao giờ hết. Theo cố vấn cấp cao Theodore Karasik tại Công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics, Mỹ, Nga “đã âm thầm tìm kiếm cơ hội phát triển quan hệ với Saudi Arabia mà không để Mỹ biết trong cả thập niên qua”.

Mặt khác, chính quyền Riyadh cũng đánh giá nghiêm túc quan hệ với Moscow, nhà cố vấn chính trị Fahad Nazer tại Đại sứ quán Saudi Arabia ở Mỹ nhận định.

Hoàng tử Mohammed bin Salman (bên phải) thăm Nga hồi tháng 6-2015.

Bánh ít đi, bánh quy lại

Điều trước mắt là hai bên đã và đang tiếp tục tìm được tiếng nói chung trong vấn đề dầu mỏ. Từ khi giá dầu tuột dốc không phanh cách đây hơn 2 năm, cả Nga và Saudi Arabia đều điêu đứng vì ngân sách của họ chủ yếu dựa vào kinh doanh dầu. Nhưng đến nay nếu như kinh tế Nga dường như thoát khủng hoảng còn Saudi Arabia vẫn trong “vùng xám”.

Theo báo cáo của Cơ quan thống kê Saudi Arabia công bố ngày 1-10-2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vương quốc này trong quý II/2017 giảm xuống còn 2,3% so với mức 3,7% của quý I. Đây là kỳ giảm thứ hai liên tiếp. Nếu xu hướng giảm tiếp tục thì năm 2017 sẽ là năm đầu tiên nền kinh tế của Saudi Arabia suy giảm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 0,1%. Theo giải thích từ phía Cơ quan thống kê Saudi Arabia, tăng trưởng kinh tế của nước này giảm là do giá dầu vẫn ở mức thấp và trong thời gian qua nước này phải cắt giảm sản lượng dầu khí để tuân thủ thỏa thuận cắt giảm ký kết giữa các nước trong và ngoài OPEC, có hiệu lực từ đầu năm 2016 đến nay. Là quốc gia đứng đầu OPEC nên việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm là điều kiện để giữ uy tín cho vương quốc này.

Từ một nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhưng đến giữa năm 2014, Saudi Arabia đã phải áp dụng hàng loạt các biện pháp tiết kiệm chi tiêu do doanh thu từ dầu mỏ, chiếm hơn 90% tổng thu ngân sách của chính phủ, giảm mạnh do dầu mất giá.

Trong 3 năm qua, ngân sách nước này đã bị thâm hụt hơn 200 tỷ USD và dự báo mức thâm hụt ngân sách trong năm 2017 là 53 tỷ USD. Để bù đắp cho những thiếu hụt này, Ryad đã vay mượn từ các thị trường quốc tế và trong nước, cũng như phải rút khoảng 245 tỷ USD từ nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Bình luận về lý do của chuyến thăm này, chuyên gia về Trung Đông Yuri Barmin của Hội đồng Đối ngoại Nga, trong một bài viết đăng trên Moscow Times cho rằng, Quốc vương Saudi Arabia sang Nga là tìm kiếm sự hỗ trợ của Moscow để kéo dài thời gian thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đến khi nào giá dầu ổn định trở lại như trước năm 2014.

Hôm 4-10, Tổng thống Nga tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục chính sách này cho đến cuối năm 2018. Thực ra trong vấn đề này, ông Barmin cho rằng, Nga cũng cần duy trì thỏa thuận trên để giữ dầu giá cao nhưng Ryad cần điều đó hơn Moscow. Thực tế từ hơn 2 năm qua, Saudi Arabia có kế hoạch giảm bớt phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.

Để có tiền chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Saudi Arabia muốn bán 5% giá trị của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco ra thị trường chứng khoán quốc tế vào năm 2018. Theo Bjarne Shieldrop, chuyên gia phân tích tại hãng SEB, giá cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí lớn phụ thuộc rất nhiều vào giá dầu và việc đưa cổ phiếu của Saudi Aramco lên sàn chứng khoán được xem là lý do chính khiến Saudi Arabia phải nâng giá dầu lên bằng mọi cách.

“Không có bất cứ khả năng nào Saudi Arabia bỏ mặc giá dầu lao dốc trước phiên IPO của Saudi Aramco”, chuyên gia Bjarne Schieldrop nhận định.

Không chỉ tìm kiếm sự ủng hộ của Nga để kéo dài thỏa thuận hạn chế nguồn cung dầu ra thị trường, Saudi Arabia cũng muốn tìm các cơ hội làm ăn khác với Nga. Ngày 5-10, Nga và Saudi Arabia đã tuyên bố thành lập một quỹ trị giá 1 tỷ USD để đầu tư vào các dự án năng lượng.

Phát biểu với đài Sputnik, Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga, cho biết thỏa thuận mới nhất sẽ giúp Nga và Saudi Arabia tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu, khí gas, điện và các nguồn năng lượng tái tạo. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC, Helima Croft, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết, thỏa thuận 1 tỷ USD chỉ mới là “bề nổi của tảng băng”. Bà kỳ vọng Nga và Saudi Arabia sẽ tăng cường hợp tác và liên doanh trong lĩnh vực dầu, năng lượng, cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư công.

Chưa hết, tờ Kommersant trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Nga đã chuẩn bị một gói hợp đồng hợp tác kỹ thuật quân sự trên 3 tỉ USD cho chuyến thăm Moscow của vua Salman. Nga đã nỗ lực xâm nhập thị trường vũ khí của Saudi Arabia suốt 10 năm nay. Các cuộc thảo luận được tổ chức nhưng chưa có hợp đồng nào được ký.

Bộ trưởng Năng lượng Nga và Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia đạt thỏa thuận về cắt giảm sản lượng giúp dầu tăng giá từ năm 2016.

Ngày 5-10, kênh truyền hình al-Arabiya của Saudi thông tin: Saudi Arabia đã đồng ý mua các hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Hai nước cũng đã ký một bản ghi nhớ để hỗ trợ Saudi Arabia trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp quân sự nội địa, theo tuyên bố của Công ty Saudi Arabian Military Industries (SAMI) thuộc sở hữu nhà nước.

SAMI cho biết, Biên bản ghi nhớ với nhà xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport được thực hiện nằm trong khuôn khổ các hợp đồng ký kết về mua hệ thống tên lửa S-400, hệ thống chống tăng Kornet-EM, hệ thống pháo phản lực nhiệt áp TOS-1A, súng phóng lựu AGS-30 và súng Kalashnikov AK-103. Công ty này cho hay thương vụ vũ khí “dựa trên sự đảm bảo của phía Nga trong việc chuyển giao công nghệ và nội địa hóa việc sản xuất và bảo trì các hệ thống vũ khí này tại Saudi Arabia”.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Sputnik cho biết, Saudi Arabia đang có kế hoạch đầu tư trong hơn 25 dự án của Nga trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng, nông nghiệp, tài sản, cơ sở hạ tầng, dầu khí.

Ngoài kinh tế, các nhà phân tích còn chỉ ra những lý do địa chính trị khác trong chuyến thăm Nga của Quốc vương Salman. Chuyên gia về Trung Đông Yuri Barmin cho rằng, việc tăng cường hợp tác với Nga nhiều khả năng là một trong những tính toán dài hạn trong chính sách đối ngoại của Saudi Arabia và do xuất phát từ tình hình chính trị trong nước.

Vương quốc Saudi Arabia đang bước vào thời kỳ chuyển giao quyền lực. Con trai của Quốc vương Salman, Hoàng tử Mohammed, được kỳ vọng sẽ trở thành người trị vì tiếp theo. Hoàng tử 33 tuổi này đang thiếu những kinh nghiệm cần thiết và con đường tới vị trí quốc vương tương lai có thể sẽ gặp nhiều thử thách, đặc biệt chương trình phục hồi kinh tế Saudi Arabia của Hoàng tử bị hoài nghi nhiều.

Theo ông Barmin, sau khi đã không mấy thành công trong việc xây dựng hình ảnh cho con trai mình ở trong nước, Quốc vương Salman đang tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế cho việc chuyển giao quyền lực sang con trai Mohammed bin Salman của mình. Nước Nga, với tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng ở Trung Đông, đã trở thành một quốc gia mà sự hậu thuẫn của họ có tầm quan trọng đặc biệt trong kế hoạch chuyển giao quyền lực nói trên.

Quan hệ quốc tế luôn phải có sự qua lại, trao đổi lợi ích. Hai năm trở lại đây, Nga rõ ràng đã rất bối rối với thực trạng là có nhiều cuộc tiếp xúc với các quan chức cấp cao của Ryad, nhưng tất cả chỉ mang lại toàn những lời hứa suông và rất ít sự hợp tác thực chất. Năm 2015, Saudi Arabia cam kết sẽ đầu tư 10 tỷ USD vào Nga. Hai bên đã ký rất nhiều thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, nhưng chẳng thỏa thuận nào dẫn tới kết quả là các hợp đồng kinh tế.

Một lãnh đạo trong Tập đoàn Công nghệ quốc phòng Rostec của Nga còn từng phát biểu rằng, những lời hứa mua vũ khí từ Saudi Arabia dường như chỉ là một loại đòn bẩy chính trị vì chưa bao giờ họ thực sự ký một hợp đồng mua bán nào.

Cuối cùng, chuyên gia Barmin nhận định, tuy chuyến thăm không thể giúp Nga thay thế Mỹ ở vị trí đồng minh chủ chốt của Ryad, nhưng đây là cơ hội để Nga gây dựng lòng tin với Saudi Arabia, giúp hai bên loại bỏ một trở ngại trong vấn đề địa chính trị. Người ta nói đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Nga hy vọng chuyến thăm của Quốc vương Salman sẽ đặt nền móng cho quan hệ Nga- Saudi Arabia sau này.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.