Nga – Thổ “sang trang”, phương Tây sốt ruột

Thứ Hai, 15/08/2016, 14:10
Gạt sang một bên những bất đồng và mâu thuẫn lớn suốt 9 tháng trời sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga ở Syria, chuyến thăm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tới Nga hôm 9/8 được đánh giá không chỉ nhằm nối lại mối quan hệ từ lâu đã được cho là thực dụng và luôn có nguy cơ bị phá bỏ do các bất đồng, mà còn xác lập một liên minh quyền lực để tạo ra sự cân bằng địa - chính trị trong vùng đệm giữa châu Âu và Trung Đông.

Việc Tổng Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng phần nào cho thấy cuộc khủng hoảng đã lùi vào quá khứ và một chương mới về đối thoại và hợp tác trong quan hệ Moscow và Ankara đang được mở ra.

Phương Tây lo ngại

Việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bình thường hóa quan hệ được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc giải quyết hàng loạt vấn đề khu vực như cuộc nội chiến tại Syria, cuộc chiến chống khủng bố và khủng hoảng người di cư. Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Nga, quốc gia đang tiến hành chiến dịch chống khủng bố hiệu quả tại Syria, chắc chắn cũng sẽ tác động tích cực tới tình hình khu vực.

Chính Tổng thống Erdogan đã phải thừa nhận rằng không có sự hợp tác của Nga thì không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng tại Syria.

Tuy nhiên, bình luận về chuyến công du của ông Erdogan tới St-Peterburg, giới phân tích cho rằng chính cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây đã buộc Ankara xích lại gần Nga.

Quan hệ giữa Ankara và Liên minh châu Âu (EU) đã bị rạn nứt nghiêm trọng do nhiều nước EU kêu gọi dừng tiến trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ sau các cuộc trấn áp những phần tử đảo chính vừa qua. Đáp lại, Ankara cảnh báo sẽ không tiếp tục tuân thủ thỏa thuận về kiểm soát dòng người di cư vào châu Âu.

Trong khi đó, Washington và Ankara, lâu nay vẫn bất đồng xung quanh việc Mỹ hậu thuẫn người Kurd ở Syria và Iraq, gần đây lại có thêm một loạt xích mích mới do Ankara cáo buộc Washington đứng sau vụ đảo chính và đòi dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen - nhân vật bị cáo buộc là chủ mưu vụ việc...

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong cuộc gặp tại St Petersburg.

Trong khi đó, ông Putin lại gần như không che giấu tham vọng muốn làm suy yếu NATO và sự đoàn kết của châu Âu vì cho rằng đó là cơ hội để ông hình thành một mối quan hệ mới và thân thiết với ông Erdogan. Hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán liệu có sự thay đổi căn bản trong mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, chí ít là trong thời gian trước mắt.

Moscow và Ankara đứng ở hai phía đối lập trong cuộc xung đột tại Syria và lãnh đạo hai nước này từng không tiếc lời chỉ trích nhau sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga.

Gia tăng ảnh hưởng

Ngoài châu Âu, giới phân tích còn cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai giữa hai quốc gia này cũng sẽ gây tác động đáng kể tới Trung Đông. Rất có thể ông Erdogan tận dụng đòn bẩy của mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga để buộc châu Âu phải đồng ý với một thỏa thuận có lợi hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh cuộc khủng hoảng người di cư. Quan hệ thân thiết hơn giữa Ankara và Moscow cũng có nguy cơ gây căng thẳng trong nội bộ NATO và đây là điều mà Nga muốn "khai thác".

Rốt cuộc, Moscow muốn kéo Ankara vào quỹ đạo của họ cũng như các tổ chức an ninh và mậu dịch mà Nga đang quảng bá tại châu Á cho dù không ai mường tượng được là điều này sẽ sớm xảy ra.

Aleksandr D. Vasilyev, chuyên gia về quan hệ Nga - Thổ thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông ở Moscow, nói: "Ông Erdogan có thể lợi dụng Nga làm lá bài tẩy trong cuộc đàm phán với phương Tây bởi mục tiêu chính của ông ấy là phương Tây, chứ không phải Nga".

Tuy nhiên, Syria vẫn là "ranh giới đỏ" giữa Moscow và Ankara cho dù lãnh đạo hai nước này đã cam kết sẽ hợp tác. Ông Putin lưu ý rằng quan điểm của hai bên "không phải lúc nào cũng đồng nhất", Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới và chặn dòng tiếp tế quân đội và vũ khí cho lực lượng nổi dậy, đồng thời chấm dứt yêu cầu ông Assad phải ra đi.

Trong khi Ankara muốn Nga ngừng đánh bom các đồng minh nổi dậy của họ, giảm bớt sự hỗ trợ cho người Kurrd và ngừng việc đánh bom dân thường - nguyên nhân dẫn đến dòng người di cư đổ vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Kỳ vọng

Những lợi ích kinh tế kể trên mặc dù chưa tương xứng so với tiềm năng hợp tác giữa hai nước, song có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Moscow và Ankara đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. "Nền kinh tế nguyên liệu" của Nga đang phải "oằn mình" chống chọi sự bao vây, cô lập từ phương Tây, trong khi giá dầu mỏ lao dốc.

Trong khi đó, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp trừng phạt của Moscow lại bị bồi thêm âm mưu đảo chính bất thành hôm 15-7 vừa qua, với tổng thiệt hại ước tính lên tới 100 tỷ USD. Hơn nữa, cùng với chính sách "mạnh tay" trừng trị những đối tượng liên quan đến âm mưu đảo chính, việc Ankara chỉ trích gay gắt các đồng minh phương Tây "hậu thuẫn" cho lực lượng này đang khiến cho mối quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng.

Điều đó đã tác động tiêu cực đến Thổ Nhĩ Kỳ và khiến chính quyền Ankara sốt sắng trong việc nối lại quan hệ với Nga. Lý giải tốc độ "đảo chiều" trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng "lợi ích của nhân dân hai nước đòi hỏi phải khôi phục quan hệ hợp tác toàn diện".   

Giới phân tích cho rằng bất luận không khí nồng ấm bao trùm cuộc gặp giữa hai tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, song Moscow có vẻ như vẫn phát đi tín hiệu bóng gió rằng mọi việc chưa trở lại bình thường. Rõ ràng, tình trạng "gương vỡ lại lành" trong quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể mang lại những lợi ích nhất định cho cả hai nước, góp phần tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực, song trong bối cảnh hai nước vẫn còn tồn tại nhiều mâu thuẫn khó có thể giải quyết..., vẫn còn quá sớm để đoán định tương lai của mối quan hệ vốn được coi là ít có tiếng nói chung trong các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.