Nga bóc trần thủ đoạn cấm vận của phương Tây

Chủ Nhật, 26/10/2014, 16:25

Phương Tây trừng phạt hòng ép Nga thay đổi lập trường trong những vấn đề then chốt và có tính nguyên tắc chứ không nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraina. Đó là phản bác mới nhất của Nga liên quan tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga xung quanh vấn đề Ukraina.

Phát biểu tại buổi diễn thuyết ở Moskva ngày 20/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, quan hệ Nga – Mỹ đã chạm đáy và sẽ ở mức này trong một thời gian dài. Tuy nhiên, theo ông Lavrov, không nên so sánh mối quan hệ Moskva - Washington hiện nay với thời kỳ Chiến tranh lạnh.

"Rất phức tạp nếu so sánh trực tiếp những gì diễn ra thời đó với mối quan hệ của Nga và Mỹ hiện nay. Sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa Moskva và Washington hôm nay không phải là tình trạng chao đảo trên bờ vực chiến tranh hạt nhân như những gì từng xảy ra hồi năm 1962. Đây không phải là cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai. Về câu hỏi mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ đi về đâu, như các quý vị thấy, nó đã đi xuống rất thấp. Tôi hy vọng mức độ hợp tác giữa hai bên không thể thấp hơn”-ông Lavrov nói.

Ngoại trưởng Nga nhận định, lập trường hiện nay của Washington sẽ không dẫn đến sự cải thiện nào. "Giai đoạn này của mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ kéo dài. Và không chỉ vì cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ còn tiếp diễn, vì chúng tôi phải suy tính để thống nhất các nỗ lực theo hướng xây dựng chứ không phải là trừng phạt đơn phương”- ông Lavrov cho biết thêm.

Ngoại trưởng Nga cho rằng, sẽ không thể có thay đổi cơ bản chừng nào Mỹ chưa công nhận là thế giới đã trở nên đa cực. Quan hệ Nga – Mỹ đã trở nên căng thẳng do cuộc khủng hoảng Ukraina, dẫn tới việc các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Nga. Washington và Brussels buộc tội Moskva là hỗ trợ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraina và đã gia tăng các lệnh trừng phạt vốn đã được siết chặt kể từ sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Nga NTV ngày 19/10, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, chính sách trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã không mang lại kết quả gì trong vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina. Theo ông Lavrov, phương pháp tiếp cận kiểu thực dân như vậy là đặc trưng của thời đại đã qua. Tuyên bố mạnh mẽ từ người đứng đầu ngành ngoại giao Nga chỉ ra rằng, đối với Moskva, phương pháp tiếp cận của phương Tây để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay là không thể chấp nhận. Phương Tây cũng không che giấu sự thật rằng, mục đích của biện pháp trừng phạt và áp lực đối với Nga không phải là Ukraina. Washington và Brussels đang cố gắng áp đặt cho Moskva quan điểm của mình về những vấn đề quan trọng và nguyên tắc nhất.

Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn hợp tác bình đẳng và công bằng. Chúng tôi muốn chính sách đối ngoại phải thoát khỏi hệ tư tưởng hy sinh nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu địa chính trị đáng ngờ. Có những người cho rằng phía Nga cần thực hiện những nhượng bộ đơn phương để có được lợi ích kinh tế và để tránh thiệt hại. Tôi không thuộc nhóm đó, không phải vì tôi không yêu đất nước tôi, mà bởi vì chính sách đối ngoại ở các nước như Nga có nhiệm vụ phải bảo vệ chân lý và bình đẳng, là bản chất dân chủ trong quan hệ quốc tế”.

Phương Tây bắt Nga lựa chọn các điều kiện rằng nếu Moskva giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina, Nga sẽ được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Theo ông Lavrov, Moskva có câu trả lời đơn giản: Nga sẽ không tán thành với các kiểu tiêu chuẩn và điều kiện như vậy. Nga đã làm nhiều hơn bất cứ ai khác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Moskva đi tiên phong trong sáng kiến tháng 4/2014 tại Geneva và sau đó là thỏa thuận Berlin. Thỏa thuận Minsk là kết quả sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraina Poroshenko.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, Moskva hiện đang sử dụng tất cả mọi quan hệ của mình để các thỏa thuận này được thực hiện. Trong khi đó, các đồng nghiệp phương Tây "không thực sự sử dụng ảnh hưởng của họ đối với chính quyền Kiev để thuyết phục họ rằng không có phương án thay thế nào ngoài phương hướng đã thỏa thuận giữa họ và lực lượng dân quân”.

Gần đây, hành vi của Mỹ ngày càng trở nên nghịch lý. Một mặt, Washington ra sức cô lập Nga. Đồng thời, Nhà Trắng kêu gọi Moskva hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề của Iraq, Syria, để chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, chính sách như vậy là điển hình cho người Mỹ: “Đây là một tính năng đặc trưng của Mỹ - một cách tiếp cận thực dụng trong quan hệ quốc tế. Họ cho rằng họ có quyền trừng phạt những nước không làm theo cách mà Washington mong muốn. Nhưng họ lại yêu cầu các nước đó hợp tác về các vấn đề mang tính sống còn đối với Mỹ và đối với đồng minh của họ. Đây là cách tiếp cận sai lầm, và tôi đã nói điều đó với Ngoại trưởng John Kerry. Tôi cho rằng ông ta cũng hiểu được sự thất bại của những nỗ lực như vậy - ít nhất là liên quan đến quan hệ giữa Mỹ và Nga”.

Ngoại trưởng Lavrov bày tỏ tin tưởng rằng các nước phương Tây hiện nay đã nhận thức được tính bất lợi trong chính sách hiện hành nhằm mục đích trừng phạt Nga và khẳng định họ cần phải thay đổi phương pháp tiếp cận này khi giải quyết các vấn đề thế giới, nhưng tiếc thay, sẽ mất một thời gian dài để làm điều đó.

Trước tình thế hiện nay, Nga khẳng định sẽ không để mất Ukraina. Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình NTV, ông Sergei Lavrov nói rõ: "Chúng ta không thể mất Ukraina, vì đó không phải là một nhóm các cá nhân đã thực hiện cuộc đảo chính và chiếm quyền. Ukraina không phải là những phần tử Quốc xã vẫn tiếp tục tuần hành ở Kiev và những thành phố lớn khác, dùng hành động phá hoại, phá hủy tượng đài kỷ niệm và tôn vinh những tên tay sai của chủ nghĩa phát-xít”.

Ông Lavrov nhấn mạnh: “Ukraina đối với Nga là dân tộc anh em gần gũi nhất, có chung với Nga cả nguồn cội lịch sử, văn hóa, thế giới quan và gốc rễ văn minh, đó là chưa nói đến ngôn ngữ và văn học. Những gì xảy ra bây giờ trong quan hệ hai nước khẳng định rằng dù sao đi nữa chúng ta vẫn sẽ tìm được lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại và sẽ giúp đỡ nhân dân Ukraina anh em thỏa thuận với nhau về cách họ tái thiết đất nước”

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.