Nga cầm trịch cuộc hòa đàm Syria

Thứ Năm, 19/01/2017, 16:40
Chiến thắng của quân đội Chính phủ Damascus tại thành phố Aleppo hồi tháng trước với sự hỗ trợ nhất là của Nga đã dẫn đến một lệnh ngừng bắn giữa các phe phái ở Syria và mở ra cuộc đàm phán hòa bình tại Kazakhstan vào cuối tháng này. Cuộc hòa đàm lần này với nhiều điểm khác biệt so với các lần trước liệu có đem lại cho người dân Syria một cuộc sống hòa bình thực sự sau 5 năm nội chiến?

Phần lớn các nhóm nổi dậy quyết định sẽ tham dự hòa đàm

Ngày 29-12-2016, thỏa thuận ngừng bắn được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết với sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an LHQ, đã có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Syria. Đây là kết quả của việc quân đội Syria giành lại thành phố chiến lược Aleppo từ tay phiến quân Syria trước đó một tuần.

Tiếp nối thành quả này là hội nghị đàm phán hòa bình giữa các phe phái của Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ sẽ được tổ chức vào ngày 23-1-2017 tại thủ đô Astana, Kazakhstan.

Để chuẩn bị cho hội nghị này, ngày 16-1, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã tiến hành điện đàm để thảo luận những diễn biến mới nhất về tình hình tại Syria, kêu gọi những nỗ lực phối hợp hơn nữa giữa Tehran và Moskva nhằm đảm bảo cho các cuộc đàm phán hòa bình Syria đạt được kết quả tích cực.

Cuộc họp cấp Ngoại trưởng 3 bên Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bàn về lệnh ngừng bắn ở Syria tại Moskva ngày 20-12-2016.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thảo luận với người đồng cấp Kazakhstan Kairat Abdrakhmanov về công tác chuẩn bị cho cuộc hòa đàm Syria sắp tới. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cũng đã thảo luận về công tác chuẩn bị này với Phó Đặc phái viên LHQ về Syria Ramzy Ezzeldine Ramzy.

Cũng trong ngày 16-1-2017, các nhân vật phe nổi dậy Syria xác nhận nhiều nhóm phiến quân đã quyết định tham dự các cuộc đàm phán hòa bình do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ tổ chức tại Kazakhstan nhằm thúc đẩy việc thực thi lệnh ngừng bắn. Một nhân vật thuộc nhóm phiến quân Lực lượng quân đội Syria Tự do (FSA) giấu tên nói: “Những phe phái này sẽ tham gia (hòa đàm) và điều đầu tiên mà họ thảo luận sẽ là vấn đề ngừng bắn và những vi phạm của chính quyền (Damascus)”.

Zakaria Malahifj thuộc nhóm nổi dậy Fastaqim cho hay "phần lớn các nhóm nổi dậy đã quyết định sẽ tham dự (hòa đàm). Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào lệnh ngừng bắn, các vấn đề nhân đạo, phân phát viện trợ và phóng thích tù nhân".

Các nhóm nổi dậy tại Syria đã đưa ra quyết định trên tại hội nghị đang diễn ra ở Ankara, và các nhóm này đang thành lập một phái đoàn khác với phái đoàn từng tham dự hòa đàm tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ vào năm 2016, để tham dự hội nghị Astana sắp tới.

Về phía Chính phủ Damascus, trả lời ba cơ quan truyền thông Pháp ngày 8-1-2017, Tổng thống Syria Bachar Al Assad tuyên bố “sẵn sàng thương thuyết trên tất cả mọi vấn đề” và chính quyền Damascus đang trên đà chiến thắng.

Theo kế hoạch các cuộc đàm phán tại Astana do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian, sẽ được tổ chức giữa đại diện của chính quyền Syria và các nhóm đối lập vào ngày 23-1 tới, ngoại trừ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Jabhat Fateh al-Sham trước đây được biết dưới tên gọi Mặt trận Al-Nusra - có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda.

Cuộc hòa đàm lần này nhằm mục đích hướng tới việc thực thi triệt để lệnh ngừng bắn trên khắp lãnh thổ Syria. Đây được coi là một thành công trong nỗ lực ngoại giao của Nga nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đã bước sang năm thứ 6 tại quốc gia Trung Đông này.

Dấu hiệu đầu tiên cho sự tăng cường hợp tác giữa Nga và Mỹ

Mỹ và châu Âu kể từ giờ hoàn toàn vắng bóng trong hồ sơ khủng hoảng Syria. Tương lai của nước này sẽ do 3 quốc gia định đoạt: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Cụ thể hơn, phương Tây và LHQ sẽ không là những tác nhân chính trong hồ sơ này, thay vào đó là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, 2 đối tác trong khu vực tiến hành các cuộc đàm phán.

Geneve, nơi vẫn thường xuyên diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình cũng không phải nơi để thương thuyết nữa. Thay vào đó là Astana, thủ đô Kazakhstan, đồng minh chính của Nga tại Trung Á.

Le Figaro (ra ngày 17-12-2016) trích dẫn lời Nikolai Kojanov, thuộc trung tâm Carnegie ở Moskva: “Cách tiếp cận của ông Putin là hoàn toàn logic. Moskva rồi cũng hiểu ra rằng khuôn khổ song phương với Mỹ thì không giải quyết được gì trong cuộc khủng hoảng Syria. Giờ đây cần phải đưa các tác nhân khu vực vào cuộc thương thuyết này”.

Theo phân tích của Le Figaro, thắng lợi tại Aleppo, Syria, sau 15 tháng can thiệp quân sự của Moskva, cho thấy rõ đường lối chiến thuật của Nga tại khu vực. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Tổng thống Putin đã thực hiện được tất cả mục tiêu của mình tại Syria.

Tổng thống Syria Bachar al Assad trả lời truyền thông Pháp tại Damascus ngày 8-1-2017.

Theo tờ báo Pháp, giải quyết được khủng hoảng Syria còn là cách để Nga “rửa hận” sau thất bại từ cuộc Chiến tranh Lạnh. Đấy cũng là cách Nga trả đũa hành động can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya, Iraq và Kosovo.

Đấy cũng chính là cách ông Putin chứng tỏ rằng, trái với chính quyền Mỹ, quốc gia đã bỏ rơi các đồng minh tại Syria, nước Nga không bao giờ bỏ rơi bạn bè của mình. Và nhất là, ông Putin đã đưa được nước Nga quay trở lại chính trường quốc tế, có mặt trên sân chơi của các cường quốc và ngẩng cao đầu, mặt đối mặt với Mỹ.

Về ẩn số Mỹ trong cuộc đàm phán này, hàng loạt hãng truyền thông Trung Đông cuối tuần qua đồng loạt đưa tin về việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về việc cần phải mời Mỹ tham gia cuộc đàm phán hòa bình cho Syria tại Astana sắp tới. Ngày 15-1-2017, báo Washington Post cho biết đại diện nhóm chuyển giao quyền lực của Donald Trump tuyên bố rằng Nga đã mời chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump đến cuộc đàm phán sắp tới về Syria tại Astana.

Theo Washington Post, lời mời của Nga được nêu trong quá trình cuộc nói chuyện điện thoại giữa ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Donald Trump và ông Sergei Kislyak - Đại sứ Nga tại Mỹ. "Vào thời điểm này tôi không có nhiều thông tin về sự hiện diện của Mỹ (tại cuộc đàm phán ở Astana)", báo dẫn lời một nguồn tin trong nhóm chuyển giao của Trump, người muốn ẩn danh.

Tờ Washington Post cho biết quan chức thuộc đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump tiết lộ không có quyết định nào được đưa ra trong cuộc gọi đó và không biết liệu Mỹ có tham gia cuộc họp ở Kazakhstan hay không.

Theo các nhà phân tích, dù Nga được xác định đang “cầm trịch cuộc chơi” tại chiến trường Syria, song việc nước này “nâng lên, đặt xuống” trong quyết định gửi lời mời đến Mỹ cho thấy Nga đang tính toán rất kỹ lưỡng việc xác lập ranh giới cho vai trò của Mỹ tại Syria.

Có lẽ Nga hiểu rằng không thể “lờ” hoàn toàn vai trò của Mỹ. Thứ nhất, dù Mỹ thời gian qua đã đánh mất thế chủ động tại Syria vào tay Nga, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ không còn chút ảnh hưởng nào tới các lực lượng đối lập trên chiến trường Syria.

Thứ hai, như lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, cuộc đàm phán tại Astana chỉ là một phần bổ sung, chứ không nhằm thay thế cho cuộc đối thoại tại Geneva, Thụy Sĩ - vốn được LHQ hậu thuẫn và diễn ra vào tháng 2, tiếp sau cuộc đàm phán tại Astana.

Mỹ chắc chắn sẽ là một bên không thể thiếu tại Geneva, bởi vậy sự đồng thuận xuyên suốt của Mỹ từ Astana tới Geneva sẽ gia tăng khả năng các bên đạt được thỏa thuận về một lộ trình chính trị cho Syria. Ngoài ra, còn một yếu tố không thể không nhắc đến sau tính toán này của Nga, đó là sự tham gia của Mỹ tại Astana sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho sự tăng cường hợp tác giữa Nga và Mỹ dưới thời chính quyền mới của ông Donald Trump.

Các nhóm nổi dậy giờ mới chấp nhận ngồi vào đàm phán với chính phủ Syria.

Cuộc đàm phán hòa bình tại Astana sẽ diễn ra 3 ngày sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Đây được xem là “phép thử” đầu tiên về cách xử lý mối quan hệ với Nga của ông Donald Trump. Dù ông Donald Trump đang “gặp khó” sau khi công nhận sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, song ông vẫn tuyên bố Nga và Mỹ có thể hợp tác trên “một số mặt trận”.

Theo giới phân tích, “một số mặt trận” mà ông Trump ám chỉ có thể bao gồm Syria. Dù vậy, mọi kịch bản vẫn chỉ là dự đoán, và “ẩn số Mỹ” chỉ có thể được giải một cách chính xác tại Astana vào ngày 23-1 tới.

Liên quan tới kết quả hội nghị hòa đàm Syria lần này, các chuyên gia dự đoán sẽ khác thường bởi lẽ khác với các cuộc đàm phán trước, các phe đối lập Syria giờ đây bước vào bàn đàm phán với “hai bàn tay trắng”, vừa thua trên chiến trường lại vừa mất sự ủng hộ của Mỹ và châu Âu, nên không có chuyện họ sẽ có đòi hỏi này khác. Cách tốt nhất với họ có lẽ là tìm kiếm một thỏa thuận ít thua thiệt nhất mà thôi!

Thứ nữa, trong cuộc đàm phán này, việc đưa các nước khu vực như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vào cũng mang tính bước ngoặt. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn là bên ủng hộ các nhóm nổi dậy tại Syria chống lại Tổng thống Assad, song ưu tiên hiện nay trong vấn đề Syria của Ankara đã chuyển từ việc lật đổ chính quyền Tổng thống Assad sang chiến đấu chống lại các lực lượng người Kurd và IS ở các khu vực miền bắc Syria, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với một nền kinh tế suy yếu, tình hình Syria phức tạp và vấn đề chống IS, liệu Nga có thể hỗ trợ chính quyền Tổng thống al Assad tái thiết đất nước trên phương diện chính trị và tài chính đến đâu? Tờ Le Figaro nhận định: Tìm kiếm được hòa bình cho Syria có lẽ còn khó hơn là đạt được thắng lợi trong một cuộc chiến.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.