Nga “cướp cờ” của Mỹ và phương Tây trong vấn đề Iran

Thứ Ba, 28/04/2015, 07:45
Không lâu sau khi P5+1 và Iran đạt một thỏa thuận sơ bộ về chương trình hạt nhân của Tehran hôm 2/4 tại Lausanne (Thụy Sĩ), Nga đã tung ra một loạt những động thái tăng cường hợp tác với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đầu tiên là quyết định dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 bị đình trệ từ năm 2010. Tiếp ngay sau đó là khởi động chương trình "đổi hàng hóa lấy dầu".

Giới chuyên gia nhận định, bước đi mang tầm chiến lược này của Nga tại Iran sẽ giúp nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Moscow tại Trung Đông vốn tụt lại khá xa so với Mỹ trong nhiều năm trở lại đây. Xa hơn, Iran có thể sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tăng thêm tiếng nói, sức mạnh cho Nga trong các vấn đề tại Trung Á và Afghanistan.

Nga đã làm đúng luật

Ngày 13/4 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống S-300 cho Iran. Trong khi Iran hoàn toàn ủng hộ động thái này thì Mỹ và Israel lại tỏ ý không bằng lòng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Ngoại trưởng John Kerry đã một lần nữa bày tỏ sự quan ngại của Mỹ về vấn đề này trong một cuộc điện đàm ngày 14/4 với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Cùng ngày, một nhóm nghị sĩ Mỹ đã gửi một bức thư cho ông Kerry mang nội dung: Việc Iran sở hữu loại vũ khí tối tân này (hệ thống S-300) sẽ tước đi khả năng Mỹ không kích các cơ sở hạt nhân tại Iran.

Trong khi đó, một quan chức trong Quốc hội Mỹ cũng cho rằng, vấn đề hiện nay không phải cấm vận vũ khí nhằm vào Iran mà là ngăn cản khả năng Tehran tiếp cận được các tên lửa phòng không giúp bảo vệ các cơ sở hạt nhân, quân sự.

Truyền thông Mỹ cũng ngay lập tức nhảy vào cuộc bằng việc "bới móc" lại chuyện Washington từng tuyên bố hồi năm 2010 rằng, việc chuyển giao S-300 giữa Nga và Iran là "giới hạn đỏ" mà Moscow không được phép vượt qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp với đồng cấp người Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AP.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã "bày tỏ không hài lòng" về quyết định của ông chủ Điện Kremlin.

Ông Netanyahu thậm chí còn cho rằng, hành động này sẽ chỉ làm tăng sự xâm lăng của Iran trong khu vực và làm suy yếu an ninh ở Trung Đông. Ông Netanyahu còn gọi quyết định trên của Nga là "nguy hiểm" với tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran.

Giải thích cho quyết định của mình và để đáp lại mối quan ngại của Israel, trong buổi đối thoại trực tuyến thường niên với người dân diễn ra hôm 16/4, Tổng thống Putin cho biết: "Có thể các nước đối tác không hiểu rằng, lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran không có điều khoản cấm việc buôn bán vũ khí. Liên quan đến việc bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, chúng tôi khẳng định sẽ tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ)".

Theo hợp đồng năm 2007, Nga đồng ý bán cho Iran 5 hệ thống S-300 PMU-1 với tổng trị giá 800 triệu USD. Phía Iran đã trả trước 166,8 triệu. Nhưng đến giữa năm 2010, Nga buộc phải ngừng hợp đồng này sau khi HĐBA LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran. Đáp lại động thái này, Tehran đâm đơn kiện Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Rosoboronexport (Nga) ra Tòa trọng tài ở Geneva năm 2011, đòi mức bồi thường 4 tỉ USD.

Tổng thống Putin giải thích: "Chúng tôi đã ký kết thỏa thuận này vào năm 2007, nhưng năm 2010, Tổng thống Nga lúc đó là ông Medvedev đã dừng thỏa thuận này do lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên cho đến nay, chúng ta đã thấy rõ thiện chí của Iran trong vấn đề này", và rằng: "Khi chúng tôi cung cấp vũ khí cho một quốc gia nào đó, chúng tôi luôn xem xét tình hình trong khu vực, đặc biệt là vùng Trung Đông.

Thủ tướng Netanyahu đã từng lo ngại về việc Nga sẽ chuyển hệ thống S-300 cho Iran. Tuy nhiên, S-300 sẽ không thể là mối đe dọa với Israel bởi hệ thống này chỉ mang tính phòng thủ".

Chia sẻ quan điểm này, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, thỏa thuận đạt được ở Lausanne khiến cho lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran của Moscow không còn giá trị và rằng, bởi đó chỉ là hệ thống phòng thủ nên sẽ không đe dọa đến Israel.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 mà Nga dự định sẽ chuyển giao cho Iran. Ảnh: Itar-Tass.

Bên cạnh đó, mặc dù lên tiếng phản đối, nhưng phía Mỹ cũng thừa nhận quyết định này của Nga không vi phạm lệnh cấm vận của HĐBA LHQ và không tác động đến sự nhất quán của Moscow về các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.

Chiếm thế thượng phong

Trong tuyên bố ngày 15/4, Phó chủ tịch Ravil Maganov của Tập đoàn sản xuất dầu thô lớn thứ hai tại Nga, Lukoil, cho biết, tập đoàn này sẽ mở cửa trở lại văn phòng tại Tehran để xúc tiến các hoạt động đầu tư tại Iran.

Hiện dự án Anaran là ưu tiên hàng đầu của Lukoil và tập đoàn này cũng đang nghiên cứu các dữ liệu địa chấn đối với nhiều dự án khác. Mỏ Anaran nằm trên khu vực biên giới Iran-Iraq, được Lukoil triển khai từ năm 2003, nhưng đã buộc phải ngưng lại sau khi các lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào Tehran được dựng lên.

Trước đó một ngày, song song với quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống S-300 cho Iran, Nga đã bắt đầu chương trình "đổi hàng hóa lấy dầu". Theo đó, Nga đang gửi ngũ cốc, trang thiết bị và vật liệu xây dựng tới Iran theo thỏa thuận trao đổi hàng hóa.

Được biết, thỏa thuận trao đổi hàng hóa với giá trị lên tới 20 tỉ USD này được đưa ra bàn bạc từ hơn một năm trước và có thể sẽ bao gồm việc Nga mua 500.000 thùng dầu/ngày từ Iran.

Ông Leonid Ivashov - người đứng đầu Trung tâm Phân tích Địa chính trị có trụ sở ở Moscow cho rằng, động thái này là một phần của cuộc chạy đua tìm kiếm các hợp đồng trong tương lai với Iran.

Ông Ivashov nêu rõ: "Nếu giờ chúng ta lại trì hoãn và để Iran chờ đợi, thì ngày mai, khi các biện pháp trừng phạt được hoàn toàn gỡ bỏ, Washington và các đồng minh của họ sẽ chiếm được thị trường rộng lớn của Iran". Ngoài các dự án của Gazprom và Lukoil, Tập đoàn Rosatom của Nga cũng đang tìm kiếm cơ hội xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Iran.

Iran hiện đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt dõi theo, khi triển vọng ký kết thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran ngày một sáng sủa.

Ông Charles Robertson - Giám đốc Quỹ Renaissance Capital tại London bình luận, chẳng có nước nào "được" như Iran - quốc gia nằm trong top 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới khi vẫn đóng cửa với giới đầu tư quốc tế  và đây sẽ là cơ hội không thể bỏ qua. Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư First Frontier, Nicholas Banszky thì nhận định, Iran có tiềm năng cực lớn về thu hút đầu tư.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.