Nga đưa ra kế hoạch hạt nhân cho Iran

Thứ Năm, 11/08/2011, 14:20

Sau vài tuần do dự, cuối cùng thì Iran cũng cho thấy họ đang có thái độ tích cực đối với kế hoạch "từng bước" do Nga đề xuất, còn gọi là "Kế hoạch Lavrov", nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề gút mắc giữa họ với phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân.

Kế hoạch Lavrov là một đề xuất của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov được đưa ra vào trung tuần tháng 7 vừa qua nhân cuộc gặp và hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Washington. Ông Lavrov đưa ra đề xuất và mong muốn Mỹ và phương Tây xem xét, đón nhận một cách nghiêm túc.

Ngày 25/7, Kế hoạch Lavrov được trình lên Bộ Ngoại giao Iran và được đón nhận với thái độ nồng nhiệt. Theo báo chí Iran và nước ngoài, Kế hoạch Lavrov kêu gọi Iran mở rộng hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trong đó Iran thực hiện những hành động từng bước giải quyết những vướng mắc tồn đọng giữa nước này với IAEA. Tương ứng với từng bước hành động của Iran, phương Tây (P5+1) cũng nới lỏng dần từng phần các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Iran.

Nói cách khác, Kế hoạch Lavrov kêu gọi các bên liên quan đến phương Tây và Iran - mỗi bên đều phải có những bước nhượng bộ nhất định để cùng nhau tìm kiếm tiếng nói chung trong việc giải quyết những bất đồng liên quan chương trình hạt nhân của Iran, trong đó phương Tây cần có những nhượng bộ nhất định tương ứng với từng bước Iran đáp ứng các yêu cầu làm rõ về mục tiêu chương trình hạt nhân của mình. Trọng tâm của kế hoạch tập trung vào những đòi hỏi của IAEA đối với Iran, tìm kiếm nối lại đối thoại giữa 2 bên để giải quyết những mối bận tâm mà Mỹ và châu Âu đặt ra.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong một chuyến thăm nhà máy điện hạt nhân Bushehr.

Iran đón nhận Kế hoạch Lavrov một cách nồng nhiệt vì ít ra kế hoạch này đã tạo cho họ một tư thế hợp tác 2 chiều, còn hơn là những áp đặt một chiều từ phương Tây. Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này cũng khác với những yêu cầu cứng rắn của phương Tây, khi chỉ đặt ra yêu cầu Iran "làm sáng tỏ" chứ không bắt buộc Iran phải "chấm dứt" chương trình hạt nhân - một yêu cầu cho đến nay luôn bị Iran bác bỏ. Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của mình nhằm mục đích dân sự, dùng vào việc phát điện và phục vụ y học, nhưng Mỹ và phương Tây không nghĩ thế.

Mỹ - nước đi đầu trong các nước phương Tây chống chương trình hạt nhân Iran - đã tỏ thái độ dứt khoát không chấp nhận Kế hoạch Lavrov và cương quyết bảo lưu phương án áp đặt cứng rắn đối với Iran. Vấn đề ở đây là, quan điểm của 2 nước Nga và Mỹ cho đến thời điểm hiện nay rất khác nhau đối với chương trình hạt nhân của Iran. Washington vẫn quyết tâm theo đuổi chính sách "ngoại giao cưỡng bức", hay "chiến tranh mềm", đối với Iran trong khi Nga chủ trương theo đuổi chính sách ngoại giao mềm dẻo để hai bên cùng đạt được mục tiêu trong việc giải quyết vấn đề.

Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ vào trung tuần tháng 7/2011, Ngoại trưởng Lavrov đã cho thấy thái độ của nước Nga là không ủng hộ chính sách "ngoại giao cưỡng bức" của Mỹ trong vấn đề Iran. Sự khác biệt này có 2 nguyên nhân, thứ nhất Nga và Mỹ có cách nhìn khác nhau đối với "mối đe dọa hạt nhân từ Iran", và nguyên nhân thứ 2 cũng chính là bất đồng giữa Nga và Mỹ trong vấn đề "nhân quyền". Nga không can thiệp vào chuyện nội bộ Iran, không đặt vấn đề "nhân quyền" này nọ trong các cuộc tiếp xúc đối thoại với Tehran để giải quyết những vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân, còn Mỹ thì vừa nói chuyện "hạt nhân", vừa xen vào đó cả chuyện "nhân quyền" nhằm can thiệp sâu vào chính trị nội bộ của Iran, mà mục tiêu cuối cùng không gì khác hơn là lật đổ chế độ hiện tại ở Iran.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Washington hôm 15/7.

Bên cạnh đó, Nga cũng không xem chương trình hạt nhân của Iran là một "mối đe dọa" trong khi đối với Mỹ và rộng hơn là phương Tây. Hơn nữa, giữa Nga và Iran còn có những hợp tác nhất định trên một số lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là hợp tác khai thác dầu khí trong biển Caspien và các dự án trong đó Nga giúp Iran xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Sau thất bại của kế hoạch "hoán chuyển nhiên liệu" do nhóm P5+1 đề xuất thì đây là kế hoạch đáng để các cường quốc phương Tây quan tâm nhất trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran. Và sau hàng loạt nỗ lực nối lại đối thoại giữa Iran với nhóm P5+1 tại Vienna (tháng 12/2010) và tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 1/2011) không thành công, vấn đề hạt nhân của Iran đã không được phương Tây chú ý nhiều do bận tâm hàng loạt vấn đề lớn khác, như khủng hoảng nợ châu Âu, cuộc chiến Libya, Taliban ở Pakistan,…

Trong tình hình đó đã rộ lên những tin đồn về việc Israel đang có ý định dùng máy bay không người lái tấn công các mục tiêu hạt nhân của Iran. Điều này gây lo ngại chung trong cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ riêng nước Nga, vì nếu một cuộc chiến xảy ra ở Iran, bất ổn có thể sẽ lan rộng khắp vùng Vịnh Persic và đến những khu vực quanh biển Caspien - trung tâm sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới. Điều gì sẽ xảy ra nếu nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới bị gián đoạn do chiến tranh? Đó là một viễn cảnh mà chắc chắn không ai muốn, kể cả Nga, Mỹ và châu Âu. Vì vậy, cũng có thể xem việc Nga đưa ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran là một hành động cần thiết nhằm duy trì ổn định an ninh Iran và cả khu vực Trung Đông

An Châu (tổng hợp)
.
.