Nga tham vọng trở lại châu Phi

Thứ Năm, 15/03/2018, 13:44
Sau một thời kì tương đối xa lánh châu Phi, giờ là thời điểm Moscow trở lại lục địa này. Nước Nga đang không ngừng mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước và châu Phi được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã có chuyến công du đến 5 nước châu Phi (Angola, Namibia, Mozambique, Zimbabwe và Éthiopia). Tại những nơi dừng chân, Ngoại trưởng Serguei Lavrov không chỉ gặp gỡ các đồng nhiệm mà còn cả nguyên thủ các quốc gia này.

Theo nhận xét của Sputnik, điều này cho thấy chuyến thăm của ông Lavrov có một tầm quan trọng rất lớn đối với các nước châu Phi. Trước khi bay sang Angola - trạm dừng chân đầu tiên - Ngoại trưởng Nga tuyên bố rằng châu Phi là một phần trong những ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại Nga hiện nay.

Trong thời kì Xôviết, nhất là tại thời điểm Chiến tranh Lạnh xảy ra, mối quan hệ giữa Nga và châu Phi rất tốt. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa Nga và châu Phi suy giảm nhanh chóng.

Trước đó, Liên Xô đã có những hỗ trợ rất quan trọng cho các quốc gia châu Phi, nhất là trong thời kì giải phóng thuộc địa tại các quốc gia này. Dĩ nhiên, tất cả các viện trợ này đều có những điều kiện địa chính trị đi kèm vì trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, các phe phái đều muốn lôi kéo đồng minh của nhau. Do đó sẽ hoàn toàn sai lầm khi nói rằng Nga không có lợi ích gì khi hỗ trợ các quốc gia châu Phi. Ngược lại, mối quan hệ liên minh này đã giúp làm tăng tầm ảnh hưởng về chính trị, văn hóa, quân sự cũng như thương mại của Liên Xô đối với các quốc gia này.

Trang sử về những năm tháng tự do của chủ nghĩa thân phương Tây đã bước sang trang mới, bây giờ là thời điểm để làm mới lại các mối quan hệ. Nếu nói các nước trong khu vực Á-Âu và Trung Đông là mối quan tâm hàng đầu của Nga, thì châu Phi và Mỹ Latinh là một phần không thể thiếu trong dự án lớn của Moscow trên trường quốc tế.

Theo nhận định của Sputnik, mặc dù chuyến thăm tuần trước của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến các nước châu Phi đã được chuẩn bị từ rất lâu trước đó nhưng giờ là thời điểm lý tưởng nhất: khi quan hệ giữa Nga với châu Âu và Mỹ đang suy giảm mạnh mẽ, giờ là lúc Moscow cải thiện mối quan hệ với châu Phi.

Moscow có rất nhiều lợi thế: trong quá khứ, châu Phi chưa bao giờ là thuộc địa của Nga. Hơn thế nữa, Liên Xô còn cung cấp nguồn viện trợ rất lớn, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của các quốc gia tại châu lục này, giúp họ đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân kiểu mới.

Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov tổ chức họp báo cùng lãnh đạo Ủy ban Liên minh châu Phi ngày 9-3 tại Éthiopia. Ông Lavrov khẳng định Nga ủng hộ châu Phi có đại diện trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Bên cạnh đó, cũng phải nhắc đến sự quan tâm đáng kể của Nga trong việc tham gia công tác đào tạo các chuyên gia cho châu Phi, hay việc mời hàng nghìn sinh viên người châu Phi đến và học tại các trường đại học của Liên Xô. Rất nhiều cựu học sinh hiện nay giữ các chức vị quan trọng tại các quốc gia trên lục địa này.  Cho đến tận ngày hôm nay, tất cả điều này vẫn chưa bị lãng quên.

Mặt khác, chính sách hiện nay của Nga đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân tại châu Phi. Biết rằng, chính sách đối ngoại của Moscow dựa trên ba trụ cột đó là: hợp tác trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, cũng như các giá trị và truyền thống lịch sử của họ. Và cuối cùng là sự ủng hộ của Nga trong khái niệm về thế giới đa cực.

Châu Phi cũng thể hiện rõ ràng rằng họ mong muốn Nga nối lại quan hệ với châu Phi. Nước Nga hiện cũng có cùng mong muốn như vậy, nên hiện tại họ đang triển khai các hành động cụ thể.

Mối quan hệ đồng minh chiến lược trong quá khứ đang giúp tăng cường củng cố quan hệ giữa Nga với Algerie, cả trong việc hợp tác về mặt quân sự-kỹ thuật và dân sự. Nga cũng đang chuẩn đàm phán về việc thành lập đối tác tự do thương mại với Macroc. Trong tương lai gần, các nhà máy điện hạt nhân sẽ được Nga xây dựng tại Nam Phi và Ai Cập (việc xây dựng khu vực tự do thương mại với Ai Cập vẫn còn đang trong giai đoạn thảo luận).

Bên cạnh đó, Nga còn xuất khẩu ngũ cốc sang nhiều quốc gia tại châu lục này trong thời điểm sản lượng ngũ cốc của Nga đang phá kỉ lục. Việc hợp tác trong lĩnh vực khai thác hầm mỏ, cũng như giáo dục đang giúp Nga thu hút thêm nhiều du học sinh từ các quốc gia châu Phi. Cuối cùng các dự án mới của Nga tại Equatorial Guinea, Uganda, Burundi, Zambia, Zimbabwe cũng đang được khởi động.

Đầu tháng 2-2018, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Chủ tịch của Ban Giám đốc Uralkali - công ty sản xuất và xuất khẩu các loại phân bón lớn nhất nước Nga, ông Dmitri Mazepine đã tới châu Phi để gặp gỡ 2 Tổng thống Edgar Lungu của Zambia và Emmerson Mnangagwa của Zimbabwe. Trong các cuộc gặp trên, hai bên đã đưa ra quyết định thành lập một trung tâm của Nga tại châu Phi để trực tiếp cung cấp phân bón từ công ty Nga cho người tiêu dùng tại châu Phi.

Cần biết rằng, nhu cầu phân bón tại châu Phi không ngừng tăng cao, dự kiến trong các năm tới sẽ tăng nhiều hơn. Một doanh nhân người Nga đã đưa ra ví dụ, sản lượng phân bón được phân phối của công ty Uralkali tại Đông Nam Phi hiện nay khoảng gần 100 ngàn tấn/năm. Nhưng trong thời gian ngắn, con số này sẽ tiếp tục tăng lên đến 500-600 ngàn tấn/năm.

Sự hợp tác giữa Nga với Zambia và Zimbabwe (cùng với các quốc gia khác tại châu Phi) sẽ giúp giảm đáng kể giá phân bón cho người nông dân ở châu Phi, bằng việc loại bỏ các nhà phân phối trung gian. Những nhà phân phối trung gian này bán phân bón với giá thành từ 450 đến 500 USD/tấn. Việc thành lập trung tâm phân phối trong khu vực và trực tiếp giao hàng đến các cảng ở châu Phi giúp giảm tới 250- 300USD/tấn.

Giờ mới chỉ giai đoạn đầu tiên trong quá trình Nga trở lại châu Phi. Từ sau khi Liên Xô tan rã, lợi ích tương hỗ giữa Nga và châu Phi chưa bao giờ quan trọng như hiện nay.

M.T. (tổng hợp)
.
.