Nga tìm cách ngăn chặn không để Daghestan trở thành một Chechnya thứ hai

Thứ Tư, 17/08/2005, 07:36

Lo ngại trước diễn biến phức tạp tại Daghestan, Nga đang tăng cường các biện pháp an ninh tại vùng biên giới này bằng cách thiết lập 2 căn cứ quân sự mới tại phía vùng bắc Caucase nhằm ngăn chặn các phần tử khủng bố tràn vào Nga từ Daghestan, đồng thời phòng chống trước nguy cơ quốc gia láng giềng này sẽ trở thành một Chechnya thứ hai.

Ngày 15/7, Tổng thống Nga V.Putin đã có chuyến thăm chính thức tới Daghestan, nước Cộng hòa Hồi giáo đa chủng tộc nằm ở phía bắc vùng Caucase, giáp ranh Chechnya. Trong khi vấn đề trấn áp các tổ chức khủng bố tại Chechnya vẫn chưa kết thúc, mới đây hàng loạt các tờ báo của Nga bày tỏ sự lo ngại của Moskva đối với tình hình an ninh tại các vùng biên giới phía nam giáp nước Cộng hòa Hồi giáo Daghestan, nhất là sau vụ Truyền hình Mỹ cho phát bài trả lời phỏng vấn của phóng viên Babitksy với Shamil Basaev.

Là một đất nước với 2 triệu dân, phần nhiều là những người thuộc khu vực miền núi, Daghestan trong những tháng gần đây đang trở thành trung tâm của nhiều vụ tấn công khủng bố, bắn giết và là địa bàn hoạt động của các băng đảng mafia. Mới đây, đại diện của TT V.Putin phụ trách khu vực phía nam Liên bang Nga, ông Dimitri Kozak, đã có bản báo cáo khẩn về tình trạng an ninh chính trị tại Daghestan. Bản báo cáo này kết luận: “Chế độ chính trị tại Daghestan đang đứng trước nguy cơ sụp đổ”.

Tờ Komsomolskaia Pravda, đặt nghi vấn: “Liệu Daghestan có thể trở thành một Chechnya thứ hai không?”. Tác giả bài báo đưa ra một loạt những nguyên nhân dẫn đến nghi vấn trên chẳng hạn như trong nhiều năm liền nền kinh tế của Daghestan không phát triển được, tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao trong thời gian dài và trong những tháng gần đây còn tăng đột biến. Các thành phần bất mãn, chống đối đang tìm mọi cách để công kích, lên án chính phủ, nhiều cuộc chiến giữa các băng đảng mafia diễn ra liên miên và khắp nơi, tệ nạn tham nhũng và biển thủ tài sản công đang dần gặm nhấm các cơ quan công quyền. Nhiều nhóm vũ trang trong nước nhận tài trợ từ bên ngoài thông qua tổng hành dinh của trùm khủng bố Shamil Basaev.

Cũng theo hướng phân tích trên, chủ bút tờ Ejenedelny bà Yulia Latynina cho rằng, tình hình nghèo đói tại Daghestan hiện nay rất dễ làm phát sinh các trào lưu tôn giáo cực đoan. “Tại Daghestan, dân chúng được chia thành 4 tầng lớp: tầng lớp thứ nhất nắm giữ quyền lực nhờ các mối quan hệ huyết thống. Tầng lớp thứ hai cũng có quyền lực trong tay nhưng nhờ đi mua mà có. Tầng lớp thứ 3 hình thành quân đội phục vụ hai tầng lớp trên. Tầng lớp cuối cùng bao gồm chủ yếu là người trẻ tuổi không công ăn việc làm, trong đó có các phần tử cực đoan.

Theo tờ Vremia Novostiei, số lượng các vụ khủng bố tại Daghestan trong thời gian gần đây đã vượt quá số vụ tại Chechnya. Chỉ từ đầu năm 2005 đến nay, đã có khoảng 70 vụ tấn công khủng bố diễn ra tại Daghestan, trong đó riêng tại thủ đô Makhatchkala đã chiếm khoảng 40 vụ. Nạn nhân của những cuộc khủng bố trên chủ yếu là lực lượng cảnh sát kể cả cảnh sát tại địa phương lẫn những người được cử tới các địa bàn hoạt động khác nhau.

Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Daghestan một mặt nhằm tăng cường mối quan hệ truyền thống giữa các nước thuộc khối Liên bang Nga, đồng thời báo hiệu sự hiện diện của Nga trong vùng Caucase giúp ngăn chặn những âm mưu đen tối của các thế lực phương Tây tại khu vực này. Báo Vremia Novostiei bình luận: “Chuyến thăm của TT Putin tới Daghestan mang nhiều sắc thái quân sự, bởi lẽ cùng đi có Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Ivanov, Giám đốc FSB Nikolai Patruchev, Phó giám đốc FSB Vladimir Pronitchev và Chỉ huy trưởng Bộ tham mưu Yuuri Baluievski.

Theo nhật báo Rossiiskaia Gazeta, trong những năm gần đây, TT Putin đặc biệt coi trọng việc tăng cường kiểm soát các vùng biên giới phía nam, nhất là vùng giáp biên Gruzia và Azerbaidjan. Để làm được điều này, Nhà nước Nga dự định sẽ mở hai căn cứ quân sự tại những vùng biên giới có địa hình là đồi núi hiểm trở. Căn cứ thứ nhất sẽ được đặt tại Botlikh, Daghestan; thứ hai tại Zelentchoukskaia, Kartachaevo-Tcherkessie. Theo các quan chức quân sự Nga, nhân sự đồn trú tại hai căn cứ này sẽ được đào tạo theo phương pháp đặc biệt của GRU, lực lượng tình báo quân sự Nga. Dự kiến đến năm 2007, sẽ chỉ có những người gia nhập quân đội dưới dạng ký kết hợp đồng mới được gửi tới hai căn cứ trên.

Tờ báo Komsomolskaia Pravda bình luận: “Đây là một trong những biện pháp chưa từng có từ trước tới nay được TT Putin áp dụng cho khu vực biên giới Nga - Daghestan nhằm tránh cho quốc gia này trở thành một Chechnya thứ hai bên cạnh nước Nga”

Nguyễn Phương (Tổng hợp)
.
.