Nga về nhất trong cuộc đua vaccine COVID-19?

Thứ Hai, 17/08/2020, 18:15
Nga trở thành nước đầu tiên phê chuẩn một vaccine ngừa COVID-19 và tuyên bố vaccine này đã sẵn sàng cho việc sử dụng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra thông báo này và nhấn mạnh vaccine mà Nga vừa bào chế ra đã qua những cuộc thử nghiệm cần thiết và chứng tỏ hiệu nghiệm, cung cấp miễn nhiễm lâu dài đối với virus Corona.

Tổng thống Putin thậm chí còn tiết lộ con gái ông là một trong những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine.

Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ca ngợi đây là một “thời khắc Sputnik”, so sánh với vụ phóng phi thuyền Sputnik 1 vào năm 1957, vệ tinh đầu tiên của thế giới. Vaccine sẽ được tung ra thị trường quốc tế dưới tên “Sputnik V”, ông Dmitriev cho biết.

Trước đó, thông cáo báo chí của Bộ Y tế Nga cho biết bộ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vaccine phòng ngừa COVID-19, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sĩ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển.

Dù tuyên bố là nước đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine COVID-19, song Nga thừa nhận Sputnik-V vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 với sự tham gia của hàng nghìn người để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả. Người đứng đầu RDIF Dmitriev nhấn mạnh giai đoạn thử nghiệm này sẽ được tiến hành ở nước ngoài. Nga đã đạt được thỏa thuận tiến hành thử nghiệm vaccine mới với các đối tác tới từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Arab Saudi và một số nước khác.

Kế hoạch chủng ngừa đại trà cho toàn bộ dân số dự kiến khởi động vào tháng 10, trên tinh thần tự nguyện. Đến tháng 11, vaccine sẵn sàng lên kệ tại các quốc gia khác. Ông Dmitriev nói Nga đã nhận được đơn đặt hàng cho 1 tỉ liều vaccine và các thỏa thuận quốc tế đã được bảo đảm để sản xuất 500 triệu liều mỗi năm. Dự kiến vaccine này cũng sẽ được sản xuất ở Brazil.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko.

Ngày 12-8, Viện Công nghệ Paraná, thường gọi là Tecpar, của Brazil ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ RDIF cho biết họ dự kiến sản xuất vaccine COVID-19 của Nga trước nửa cuối năm 2021, sau khi bang Parana ký bản ghi nhớ với Moscow.

Hiện không chỉ Nga mà rất nhiều nước trên thế giới coi vaccine là “liều thuốc” duy nhất giúp khôi phục trạng thái bình thường cũng như nền kinh tế đang bị tàn phá nặng nề do dịch COVID-19 gây ra. Là nước đầu tiên trên thế giới thành công trong cuộc đua bào chế vaccine, Nga tất nhiên đặt hy vọng rất lớn vào triển vọng phục hồi, thậm chí vượt lên trong tương lai.

Ngay sau thông báo của Nga, trong cuộc họp báo tối 10-8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố tình nguyện là người thử vaccine phòng COVID-19 Nga sản xuất. Ông Duterte nói thêm Manila có thể hỗ trợ Moscow trong việc thử nghiệm lâm sàng và sản xuất ở địa phương.

Không giống như lãnh đạo Philippines, giới truyền thông, giới khoa học và các nhà chính trị phương Tây lại có những phát biểu không mang tính xây dựng. Theo các nhà khoa học Mỹ, vaccine mới “Sputnik V” của Nga, được phê duyệt mà chưa qua giai đoạn thử nghiệm trên quy mô lớn thường được yêu cầu ở phương Tây, có thể hiệu quả. Nhưng nếu không, quá trình “đốt cháy giai đoạn” có thể gây rủi ro cho người dân Nga và rất nhiều người khác.

Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết, chỉ khoảng 10% các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công và một số nhà khoa học lo ngại rằng Moscow có thể đặt uy tín dân tộc lên trước cả vấn đề an toàn.

Đại diện Bộ Y tế Đức ngày 11-8 cho rằng vẫn chưa có dữ liệu về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vaccine ngừa COVID-19 mà Nga điều chế và vừa được đăng ký lưu hành. Quan chức Đức được dẫn lời nói: “Việc cấp phép cho vaccine ở châu Âu, cùng với xác nhận chất lượng tân dược, còn cần cung cấp đầy đủ thông tin thu được từ các thử nghiệm lâm sàng để chứng minh tính hiệu quả và vô hại của nó”.

Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, bà Kellyanne Conway - cố vấn của Tổng thống Donald Trump cho rằng vaccine ngừa COVID-19 của Nga tụt hậu so với sự phát triển của Mỹ và mới được thử nghiệm cho quá ít người. Bà Conway trích dẫn các tiêu chuẩn của Nga và khẳng định rằng các tiêu chuẩn của Mỹ nghiêm ngặt hơn nhiều.

Động thái của Mỹ và Đức được cho là không bất ngờ bởi trong cuộc đua này Nga từng nhiều lần bị “dìm hàng”. Tiến sĩ Anthony Fauci, quan chức dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, hồi cuối tháng 7 cũng từng bày tỏ quan ngại về tính chất an toàn của loại vaccine đang được Trung Quốc và Nga phát triển. Phát biểu với báo giới tại Geneva ngày 11-8, người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic cho biết tổ chức này đang liên lạc chặt chẽ với giới chức y tế Nga.

Các cuộc thảo luận hiện đang tập trung vào khả năng WHO thông qua chất lượng vaccine. Quan chức này cho hay dù WHO lạc quan trước tốc độ nghiên cứu vaccine trên toàn thế giới, song việc đẩy nhanh tốc độ không đồng nghĩa với việc giảm bớt độ an toàn.

Hiện nay, hơn 100 loại vaccine khả thi đang được phát triển trên khắp thế giới để cố gắng ngăn chặn đại dịch COVID-19. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới, ít nhất 4 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng trên người. Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 11-8 tuyên bố nước ông hy vọng bắt đầu sản xuất vaccine chống COVID-19 vào đầu năm tới nếu giai đoạn cuối thử nghiệm trên người chứng tỏ thành công. Viện về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Đức ngày 12-8 loan báo có thể có vaccine đầu tiên ngừa virus Corona mới sớm nhất là vào mùa thu.

Thông tin từ Nga thúc cuộc đua vaccine COVID-19 toàn cầu tăng tốc hơn nữa. Nhiều hãng dược cũng nhận được tài trợ để sản xuất hàng triệu liều vào năm 2021, thậm chí cuối năm nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động “Chiến dịch Thần tốc” với mục tiêu cung cấp vaccine cho tất cả người Mỹ vào tháng 1-2021.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.