Nga – EU tái khởi động các vòng đàm phán về Hiệp định quan hệ đối tác.

Thứ Ba, 08/07/2008, 10:00
Quan hệ Nga - Liên minh châu Âu (EU) đang có cơ hội sang trang mới sau khi Moskva và Brussels đạt được thỏa thuận tái khởi động các vòng đàm phán về hiệp định đối tác mới đã bị trì trệ hơn 18 tháng qua.

Đó là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU năm 2008 diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/6 tại “thủ phủ dầu mỏ” Khanty - Mansiysk trong vùng Siberia của Nga (Khanty - Mansiysk chiếm 57% tổng sản lượng dầu mỏ của Nga và 7% tổng sản lượng toàn cầu).

Theo báo chí quốc tế, Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU lần này đã thể hiện một bầu không khí cởi mở hơn nhiều so với hội nghị năm ngoái tại thành phố Volzhsky Utyos (tây nam nước Nga). Hầu như các nguyên thủ EU đều tỏ vẻ hài lòng về kết quả mà 2 bên đã đạt được sau 2 ngày làm việc.

Trong thông cáo chung được công bố tại cuộc họp báo ngay sau hội nghị, EU và Nga đã khẳng định sự đồng thuận qua việc đề xuất bộ khung thỏa thuận sẽ được đưa ra bàn bạc sắp tới.

Theo đó, đề cương hiệp định mà EU đưa ra gần như tương đồng với bộ thỏa thuận khung mà Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đề xuất. EU mong muốn một thỏa thuận bao quát tất cả các lĩnh vực quan hệ, trong đó quan trọng nhất là vấn đề hợp tác năng lượng vốn được xem là yếu tố khiến EU lệ thuộc vào Nga hiện nay.

Trong khi đó, Nga cũng yêu cầu một khung bao gồm cả các thỏa thuận chi tiết kèm theo hiệp ước chính và sẽ được bàn bạc song song với hiệp ước chính. Hai bên đã chấp nhận một số thỏa hiệp ban đầu để tiến trình đàm phán được tái khởi động nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất đồng còn tồn đọng.

Theo Trưởng phái bộ EU tại Nga Marco Franco, vòng đàm phán đầu tiên (cả thỏa thuận chính thức lẫn các thỏa thuận phụ) sẽ bắt đầu từ ngày 4/7 tại Brussels, và các địa điểm diễn ra các vòng đàm phán sẽ luân phiên giữa Nga và EU.

Hiệp định đối tác mới sẽ thay thế cho hiệp định cũ ký kết năm 1997 nay không còn phù hợp với bối cảnh quan hệ song phương đã có nhiều thay đổi, nhất là khi nước Nga đã trở lại với vai trò một cường quốc có ảnh hưởng mạnh trên trường quốc tế. Nhiều vấn đề sẽ phải bàn bạc lại và phải sửa đổi, tập trung vào 5 lĩnh vực hợp tác về chính trị, an ninh, tư pháp, hội nhập kinh tế và thỏa thuận về quyền tự do đi lại của công dân 2 bên.

Việc tháo gỡ vướng mắc trong các cuộc đàm phán sẽ không đơn giản vì ngoài những vấn đề trong hiệp định cũ cần bàn bạc lại còn có những gút mắc mới phát sinh giữa từng quốc gia thành viên EU với Nga. Chính những gút mắc kiểu này lại có nguy cơ rất cao làm gián đoạn các vòng đàm phán chung do nguyên tắc đồng thuận của EU (mỗi quốc gia thành viên đều có quyền phủ quyết các quyết định chung của khối).

Chẳng hạn, cách đây 18 tháng, các cuộc đàm phán đã bị gác lại do sự phản đối của Ba Lan, khi đó do Thủ tướng Jarowslav Kaczinsky lãnh đạo. Ba Lan đã phản đối Nga vì lý do Nga cấm nhập khẩu thịt bò của Ba Lan vì cho rằng thịt bò Ba Lan không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có thể nói, Hội nghị Khanty - Mansiysk đối với Nga là một thành công về nhiều mặt. Ngoài thành công về khâu tổ chức, về việc giới thiệu hình ảnh nước chủ nhà thân thiện, mến khách, và về thỏa thuận quan trọng nhất (nối lại các vòng đàm phán song phương) đã đạt được như kể trên, sự thành công còn thể hiện ở cách 2 bên đi đến thỏa thuận và những nội dung chi tiết trong thỏa thuận đạt được.

Dường như các nguyên thủ EU đã thể hiện một thái độ “khát khao” hợp tác với Nga hơn, và nói như một chuyên gia về quan hệ Nga - EU ở Brussels thì EU đang chuyển từ thế “kèo trên” đối với Nga sang thế đối tác ngang bằng và đang cố áp dụng phương án mềm mỏng để thuyết phục đối phương hơn là thái độ “áp đặt” như thập niên 90 thế kỷ XX.

Nga và EU có nhiều lý do để thúc đẩy quan hệ song phương, tránh sự đối đầu không cần thiết. Về kinh tế, như lời khẳng định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso tại hội nghị: EU và Nga đang ngày càng “phụ thuộc lẫn nhau” về kinh tế.

Thật vậy, Nga hiện cung cấp đến 1/4 nhu cầu năng lượng của EU, và ngược lại EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm đến 1/2 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước Nga. Trong tình hình giá cả nhiên liệu và năng lượng nói chung đang tăng vọt như hiện nay, EU không muốn làm mất lòng nhà cung ứng số một của mình. Để bảo đảm sự an toàn năng lượng đó không gì hay hơn là cùng với Nga ký kết hiệp định hợp tác mới.

Nga cũng thể hiện mình là “láng giềng gần” không thể thiếu của EU trong vấn đề bảo đảm an ninh. Những diễn biến gần đây về an ninh ở lục địa châu Âu cũng như tại các khu vực lân cận (như Trung Đông, Nam Á,...) cho thấy chính Nga chứ không phải ai khác mới là “anh bạn láng giềng” có khả năng giúp EU bảo đảm an ninh một cách hữu hiệu nhất.

Ngoài yếu tố địa lý, Nga còn có tiềm lực quân sự và năng lực cũng như kinh nghiệm lão luyện về an ninh, và Nga đã thể hiện thái độ sẵn sàng hợp tác với EU trong lĩnh vực này qua đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về an ninh giữa Nga - EU nhằm đáp ứng các đòi hỏi an ninh trong khu vực, trong khối và trong khung hợp tác chung giữa 2 bên.

Tổng thống Medvedev đã gọi châu Âu là “ngôi nhà chung của chúng ta” (Nga và EU), và Nga không chấp nhận để cho một nước (Mỹ) ở cách xa châu Âu lại đi lo về an ninh cho “ngôi nhà” đó. Đề xuất của Nga đã gây lo ngại cho nhiều thành viên EU vốn cũng là thành viên NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác kinh tế (OSCE). Mặc dù Ngoại trưởng Nga đã khẳng định Nga không muốn loại bỏ NATO, người ta vẫn lo ngại rằng một khi đề xuất của Nga thành hiện thực thì NATO và OSCE sẽ chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa mà thôi.

Tất cả chỉ thành hiện thực khi 2 bên gác bỏ được những bất đồng để cùng nhau đạt thỏa thuận hợp tác vì lợi ích chung

Trương Hùng (Tổng hợp)
.
.