Nga – NATO: Đối thủ trở thành đối tác

Thứ Ba, 30/11/2010, 19:40
Tái khởi động (reset) là cách nói phổ biến trên phương tiện truyền thông phương Tây để mô tả thỏa thuận hợp tác mới giữa Nga với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đạt được sau cuộc gặp cấp cao tại Lisbon hôm 20/11. Sẽ còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần phải giải quyết cho xong để sự hợp tác được thực hiện đầy đủ.

"Chúng tôi xem Nga là một đối tác chứ không phải đối địch", Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói như vậy tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc Hội nghị Nga - NATO chiều ngày 20/11. Phát biểu của ông Obama phản ánh quan điểm chung của toàn khối NATO, đó là xem Nga "không phải là “mối đe dọa”, khối cần phải đề phòng mà là một “đồng minh tiềm năng” trong việc bảo vệ khối trước những nguy cơ tấn công bằng tên lửa từ Iran hoặc những nơi khác". Còn Tổng thống Nga Dmitri Medvedev thì nói: "Đây là một sự kiện lịch sử... Chúng ta đã vượt qua một quãng đường dài".

Những phát biểu đầy lạc quan này cho thấy cuộc họp cấp cao hôm 20/11 giữa lãnh đạo Nga và NATO đã có kết quả thành công như dự tính. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia vào năm 2008 - đỉnh điểm của những mâu thuẫn về lợi ích an ninh giữa 2 bên sau hàng loạt động thái "lấn sân" của NATO và những vấn đề an ninh khác ở châu Âu, Nga - NATO mới lại có một cuộc tiếp xúc cấp cao. Với những thỏa thuận đã được Tổng thống Nga Dmitri Medvedev ký kết với Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, 2 bên coi như đã chính thức nối lại quan hệ đối tác quan trọng đó.

Một trong những điểm thỏa thuận đáng chú ý là việc Nga và các nước thành viên khối NATO sẽ nhanh chóng phục hồi sự hợp tác về việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (theater missile defense) nhằm bảo vệ quân đội các nước, đồng thời xem xét trong vòng 6 tháng mức độ tham gia của Nga vào hệ thống rộng lớn hơn - hệ thống lá chắn tên lửa bao gồm toàn bộ các nước thành viên NATO trên lãnh thổ châu Âu và Bắc Mỹ. Kế hoạch này đã được toàn khối NATO thống nhất triển khai trong phiên họp ngày 19/11. "Điều này rất quan trọng xét về mặt chính trị", Tổng thư ký NATO Rasmussen nói.

Trước đây, giai đoạn 2002-2008, Nga và NATO đã cùng hợp tác trên một số lĩnh vực quân sự, trong đó bao gồm hợp tác kỹ thuật quân sự và một số cuộc tập trận chung. Nay, với thỏa thuận Lisbon, Nga và NATO đã đồng ý khôi phục lại hoạt động của Hội đồng Nga - NATO, đồng thời mở ra triển vọng tái hợp tác quân sự ở một tầm cao hơn, trong đó bao gồm việc hợp tác xây dựng lá chắn tên lửa ở châu Âu. Nga cũng đã đồng ý tham gia hỗ trợ NATO trong các cuộc chiến chống khủng bố, chống buôn bán ma túy và chống cướp biển. Ngoài ra, Nga còn đồng ý để cho NATO tăng cường vận chuyển các loại khí tài phi sát thương và cung ứng hậu cần qua không phận và lãnh thổ Nga ra vào Afghanistan.

Đối với Tổng thống Mỹ Obama, văn kiện được ký kết giữa NATO và Nga (kể cả hôm 20/11 còn là một thắng lợi quan trọng trong chính sách đối ngoại sau những chệch choạc nửa nhiệm kỳ đầu. Trước đó, ngày 19/11, toàn khối NATO cũng đã nhất trí với kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa toàn diện bao trùm lãnh thổ các quốc gia thành viên ở châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này khẳng định ông Obama vẫn duy trì được quyền lực và ảnh hưởng của nước Mỹ trong khối NATO.

Như Tổng thống Nga Medvedev đã nói, "hệ thống lá chắn tên lửa chỉ đạt hiệu quả cao khi nó là hệ thống chung". Và việc toàn khối thông qua kế hoạch triển khai chung như thế đánh dấu bước thành công đầu tiên của ông Obama khi đưa ra phiên bản tinh gọn và ít tốn kém hơn phiên bản cũ của người tiền nhiệm George W. Bush - vừa tốn kém vừa gây phản ứng tiêu cực từ phía Nga.

Tuy vậy, giữa Nga và NATO vẫn còn nhiều việc phải giải quyết. Tất cả còn phải chờ xem Nga đồng ý tham gia lá chắn tên lửa ở mức độ nào và những vấn đề còn vướng mắc giữa 2 bên sẽ được giải quyết ra sao. Tổng thống Nga Medvedev nhấn mạnh rằng, sự hợp tác của Nga "phải nằm trong một cơ cấu quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và NATO" chứ không chỉ dừng lại ở cái gật đầu đồng ý để "xua tan cảm giác lo lắng" của người Nga, còn châu Âu và Mỹ ung dung làm theo ý mình. "Nếu làm khác đi, sự hợp tác sẽ không thể tiến triển được".

Tiếp đến, tiến trình tái khởi động hợp tác an ninh với Nga sẽ tùy thuộc khá nhiều vào việc phê chuẩn Hiệp ước START mới (New START), hiện đang gặp trở ngại tại Quốc hội Mỹ. Phe Cộng hòa sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua đã lên tiếng sẽ "bóp chết" hiệp ước này để chống lại ông Obama. Chính vì vậy, ông Obama đang vận động hết mình và nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh chủ chốt trong khối NATO như Đức, Ba Lan, Romania, Bulgaria,... vì những nước này nhìn thấy New START rất có lợi ích về an ninh. Vì vậy, NATO sẽ phải chờ xem ông Obama có thắng nổi Quốc hội Mỹ trong "cuộc chiến" phê chuẩn hiệp ước này hay không.

Ngoài ra, Nga và NATO sẽ còn phải giải quyết các gút mắc quanh vấn đề Gruzia. Việc Tổng thống Mỹ Obama có cuộc gặp riêng với Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili bên lề Hội nghị cấp cao NATO đã phát đi thông điệp rằng, Mỹ vẫn đang ủng hộ Gruzia và xem việc Nga duy trì quân đội gìn giữ hòa bình ở 2 nước cộng hòa vừa tuyên bố độc lập Abkhazia và Nam Ossetia là "mối bận tâm lớn". Một số quan chức NATO còn nói rằng: "Chỉ có quan hệ gần gũi với Nga mới giải quyết được vấn đề Abkhazia và Nam Ossetia". Quan hệ Nga - NATO từng bị gián đoạn vì vấn đề Gruzia, vì vậy giải quyết xong xuôi vấn đề này cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho tiến trình hợp tác mới

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.