Nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Vladimir Putin:

“Nghĩa vụ của cả đời tôi là phục vụ Tổ quốc, nhân dân”

Thứ Ba, 15/05/2012, 16:10

Bước chân vào Điện Kremli lần này trong vị thế đã được thừa nhận của một chính trị gia có ảnh hưởng hàng đầu trong lịch sử nước Nga hiện đại thời hậu liên bang Xôviết - có công đưa nước Nga thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tê chính trị trầm trọng, dần quay trở lại với vị trí của một trong những cường quốc hàng đầu thế giới - nhưng nhiệm kỳ thứ ba lần này của ông Putin được bắt đầu trong bối cảnh nước Nga đang phải đương đầu với nhiều vấn đề nan giải mới đang nảy sinh, được đánh giá sẽ trở thành những thách thức không nhỏ với tân Tổng thống.

Lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Putin đã được cả 6 kênh truyền hình hàng đầu tại Nga tổ chức tường thuật trực tiếp (kỷ lục trong những lễ tuyên thệ trước đó mới chỉ là 3). Không chỉ truyền hình trực tiếp, các kênh còn liên tục phát hàng loạt những bộ phim về Vladimir Putin, những chương trình bình luận đánh giá về vị Tổng thống tương lai của nước Nga. Điều này phần nào đã cho thấy mối quan tâm và sự kỳ vọng của người dân xứ sở Bạch dương đối với ông Putin.

Một vấn đề khiến nhiều người quan tâm hiện nay là, liệu ông V.Putin sẽ thể hiện như thế nào trong nhiệm kỳ thứ ba của mình, trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội của Nga đã có nhiều thay đổi, khi mà một số "bảo bối" cũ của ông giờ đây có vẻ không còn hợp thời nữa. Một mặt, Putin cần phải bảo lưu quan điểm của một chính trị gia cứng rắn và nhất quán. Nhưng mặt khác, tân Tổng thống không thể tảng lờ những xu hướng xã hội vừa hình thành trong tiến trình đổi mới cải cách đã và đang hình thành trong mọi lĩnh vực đời sống của nước Nga trong thời gian qua. Về chính sách đối ngoại, ông Putin chắc chắn cũng phải có những điều chỉnh phù hợp, nhằm tăng cường vị thế ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế. 

Thử điểm lại một số yếu tố phức tạp mà ông Putin phải đối mặt trong thời điểm hiện tại. Tình trạng sụt giảm uy tín và thất bại của đảng "Nước Nga thống nhất" khiến cho tiến trình cải cách hệ thống chính trị đã bị chậm trễ từ một đến hai năm. Hiệu lực của các cơ quan hành pháp và tòa án bị sụt giảm đáng kể vì tình trạng tham nhũng và những bê bối thường xuyên. Bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh và kém hiệu quả, trong khi khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng ngày một lớn. Hoạt động của các phe phái đối lập (một số có sự giật dây từ bên ngoài) đã tỏ ra có tổ chức và có quy mô hơn, điển hình là những cuộc biểu tình ngay sau bầu cử và chỉ một ngày trước lễ tuyên thệ nhậm chức v.v… Tất cả buộc tân Tổng thống phải nhanh chóng triển khai các chính sách đã cam kết khi tranh cử theo một lộ trình hợp lý.

Mọi động thái sắp tới của một vị tân Tổng thống tại một quốc gia có vị thế và ảnh hưởng lớn như nước Nga chắc chắn cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các đối tác lớn trên trường quốc tế. Như tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc mới đây đã đăng tải một bài bình luận đáng chú ý, trong đó nêu ra những phương án khả thi sau khi Putin quay trở lại Điện Kremli. Bài báo nói rằng, ông Dmitri Medvedev trong 4 năm vừa qua đã không thể giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của nước Nga, đồng nghĩa với việc gánh nặng này giờ đây lại dồn lên vai Vladimir Putin.

Cụ thể, các chuyên gia phân tích của Nhân dân nhật báo cho rằng, nước Nga hiện có ít nhất 6 vấn đề mà ông Putin sẽ phải giải quyết: tiềm năng khoa học thấp, tỉ lệ khoáng sản bị khai thác và bán trực tiếp không qua sơ chế cao, số lượng những rào cản quan liêu đối với doanh nghiệp đang gia tăng, khả năng tự tổ chức kém trong nhiều lĩnh vực, thiếu khả năng cạnh tranh và thiếu hụt lực lượng lao động. Dù không đưa ra một kết luận cụ thể nào, nhưng nội dung bài báo cũng cho thấy Bắc Kinh rất mong muốn ông Putin sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với họ trong việc giải quyết nhiều vấn đề trên.

Putin cùng vị Tổng thống tiền nhiệm Medvedev trong lễ nhậm chức.

Tất nhiên không chỉ Trung Quốc có được sự quan tâm hợp tác của tân Tổng thống Nga. Ngay như Washington cũng đã vội vàng từ bỏ những tuyên bố mới cách đây không lâu trước cuộc bầu cử tổng thống Nga, theo kiểu như khả năng thắng cử của Putin sẽ "là một bước lùi trong lịch sử nước Nga". Khi hiểu mọi chuyện đã an bài, người Mỹ đã biết thay đổi quan điểm theo hướng thực dụng hơn, thay vì chống đối đã quay sang tìm cách thỏa hiệp để hợp tác với ông Putin. Những thay đổi này đã được thể hiện rất rõ trong một số nhượng bộ với Nga về vấn đề Syria, vấn đề mở rộng NATO và hệ thống phòng thủ chống tên lửa, những nỗ lực tìm cách đối thoại về vấn đề Afghanistan v.v…

Nói một cách đơn giản, mọi động thái cũng như sai sót chính trị trong nhiệm kỳ thứ ba này của ông Putin sẽ bị "soi" và chỉ trích nhiều hơn. Tân Tổng thống cần phải hành động một cách tỉnh táo từ "vạch số không", tức là biết chấp nhận không được nhìn lại những thành công trong quá khứ để "làm mới" lại mình cho phù hợp với những đặc điểm của tình hình mới. Điều này đòi hỏi phải có một ý chí và quyết tâm lớn, yếu tố mà phần lớn mọi người đều phải thừa nhận Putin đang sở hữu, kể cả từ phía những người ủng hộ lẫn chống đối ông.

Có nhiều lý do để người dân Nga quyết định đặt niềm tin một lần nữa lên Vladimir Putin. Trên hết, V.Putin hiện được đa số cử tri Nga nhìn nhận là chính trị gia duy nhất có đủ tầm, đủ tâm và đủ lực để tiếp tục đưa nước Nga phát triển trong thời gian tới. "Tôi cho rằng ý nghĩa và nghĩa vụ của cả đời tôi là phục vụ Tổ quốc, nhân dân; nguyên tắc này đã cổ vũ và giúp tôi giải quyết những nhiệm vụ khó khăn phức tạp nhất. Tôi sẽ làm tất cả để đáp ứng được sự tin cậy của hàng triệu người dân trên đất nước chúng ta" - Tân Tổng thống Putin đã có những lời tri ân ban đầu như vậy ngay trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.