Nghiêm minh trước hết ở công bằng

Thứ Ba, 23/03/2010, 19:35
Ngày 17/3/2009, Hội đồng kỷ luật Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội vừa mới công bố mức kỷ luật đối với các em học sinh trường này có liên quan đến vụ đánh "hội đồng" một nữ sinh mà cả nước đã xôn xao theo dõi,â lo ngại và căm phẫn.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, 2 nữ sinh Vũ Ngọc Diệp, Chu Minh Huyền bị đuổi học "treo", tức là bị đuổi học nhưng thử thách một năm, giao cho Chi đoàn, giáo viên chủ nhiệm, gia đình theo dõi, mỗi tuần nộp một bản tường trình cho nhà trường. Nếu còn vi phạm, sẽ đuổi khỏi trường. Nguyễn Quỳnh Anh, nạn nhân trong clip, bị cảnh cáo trước toàn trường, xếp hạnh kiểm yếu. Trịnh Minh Tú, Ngô Mạnh Hùng, 2 nam sinh có mặt trong đoạn video clip và Đặng Quang Mạnh, người đưa clip lên diễn đàn TNT bị khiển trách trước Hội đồng kỷ luật và hạ một bậc hạnh kiểm.

Ông Sơn lý giải: "Việc học sinh đánh nhau là sai, nhưng tôi cho rằng, đuổi học các em là một cách né tránh trách nhiệm của nhà trường. Chúng tôi đã họp bàn và thống nhất sẽ tạo cơ hội cho các em rèn luyện, phấn đấu. Nếu đuổi học ngay lập tức, tôi e, sẽ gây hậu quả xấu".

Về việc nạn nhân Quỳnh Anh cũng bị kỷ luật, ông Sơn cho hay, nữ sinh này không báo cáo với giáo viên, mà cũng chủ động tham gia bỏ học ra ngoài nói chuyện với Ngọc Diệp.

Sau khi sự việc xảy ra, Quỳnh Anh cũng giấu gia đình và nhà trường, thậm chí khi clip bị tung lên mạng, nữ sinh này cũng không chủ động thông báo với nhà trường!

Có mấy cảm tưởng khác nhau trước bản án kỷ luật này. Thứ nhất, việc chỉ đuổi học "treo" 2 nữ sinh đánh bạn là một quyết định "rất sư phạm", đầy trách nhiệm và nhân văn. Đành rằng 2 nữ sinh này đã phạm khuyết điểm, nói nôm na là hư, nhưng nhà trường đã nhận "khó" về mình chứ không rũ trách nhiệm, đẩy các em ra ngoài xã hội, để rồi vết trượt của các em không biết sẽ trôi về đâu. Đây là một mức án nghiêm minh và công bằng nhận được sự đồng tình của đông đảo giáo viên, phụ huynh và dư luận.

Thứ hai, gây gờn gợn và thắc mắc trong nhiều người, nhất là những ai đã xem đoạn clip thấy cảnh nữ sinh Quỳnh Anh bị đánh rất dã man. Theo mức án kỷ luật, nạn nhân Quỳnh Anh bị cảnh cáo trước toàn trường, xếp hạnh kiểm yếu. Lý do có mức án ấy được chính thầy Hiệu trưởng giải thích là vì Quỳnh Anh" không báo cáo với giáo viên, bỏ học ra ngoài nói chuyện với Ngọc Diệp, rồi giấu gia đình và nhà trường, rồi khi clip bị tung lên mạng cũng không chủ động báo cáo với nhà trường".

Tôi thấy tội nghiệp cho Quỳnh Anh. Rất có thể ở lứa tuổi này, sự ngượng ngập đã ngăn cản sự mạnh dạn của các em khi cần báo cáo với nhà trường việc mình bị đánh. Chưa kể, trước sự côn đồ đến mức ấy, các em hầu như tê liệt sự dũng cảm phanh phui sự thật, chỉ còn biết "nhắm mắt đưa chân". Chắc chắn không ai muốn mình bị đánh đập, bị quay phim, nhưng thân cô thế cô "trần trụi giữa bầy sói", em biết làm gì, đấy là chưa kể còn bị  răn đe, dọa dẫm, nếu mách thầy cô, gia đình thì sẽ bị đánh nặng hơn (?).

Tôi tin rằng ngay cả thầy Sơn và các thầy cô của em, trong cuộc sống hàng ngày, khi ra phố ra đường, gặp những chuyện sai trái, thậm chí nhìn thấy kẻ cắp ngoài chợ, kẻ cướp giật ngoài phố, cũng ngại, cũng không dám hô hoán hay báo công an, cũng chẳng dám xông vào truy bắt, mà đành im lặng để "giữ thân" hay nhìn mà nuôi hận?! Chắc là như thế !

Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Thứ ba, kỳ quặc và khó hiểu, khi học sinh lớp 11 Đặng Minh Quang, người đưa clip lên mạng TNT của nhà trường lại bị khiển trách trước Hội đồng kỷ luật, hạ một  bậc hạnh kiểm. Việc kỷ luật học sinh Quang như thế liệu có còn khuyến khích các em học sinh tham gia vào công tác phòng chống tội phạm? Các khu phố Hà Nội đều có hòm thư tố giác tội phạm dành cho mọi công dân, không có lẽ video clip và mạng lại không được là một phương tiện để tố giác tội phạm, không có lẽ các học sinh - các công dân nhỏ tuổi - không có quyền tham gia tố giác tội phạm.

Có thể, việc em học sinh này tung clip ấy lên mạng đã làm ảnh hưởng đến uy tín, đến thành tích của nhà trường, làm khó cho các thầy, cô, nhưng, kỷ luật em này, vô hình trung, chúng ta đã dạy các em cái "luật im lặng" của... mafia đảo Sicile “im lặng là vàng" trước tội ác quanh mình?! Việc kỷ luật học sinh đưa clip lên mạng là một việc làm đi ngược với một phong trào lớn của ngành giáo dục mà đích thân Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thiện Nhân đã rất tâm đắc và dày công triển khai là: "Nói không với bệnh thành tích". Nếu nhà trường và thầy, cô không mắc "bệnh thành tích", chắc chắn học sinh Đặng Minh Quang đã không bị kỷ luật như thế ?!

Vụ đánh nhau của các nữ sinh hóa ra lớn hơn chúng ta tưởng. Trẻ con đánh nhau là "chuyện thường ngày ở huyện", nhưng người lớn hành xử ra sao trước sự việc này lại là một chuyện khác. Một ngày sau khi clip được tung ra, trong khi cô chủ nhiệm chối đây đẩy là không có chuyện đánh nhau, trong khi hết trường nọ đổ tội cho trường kia, thì Giám đốc Công an Hà Nội đã kịp thời ra lệnh cho PC14 phải vào cuộc ngay. Và Đội Chống tội phạm công nghệ cao PC14 đã rất nhanh chóng và tích cực làm được cái việc "mò kim đáy bể" này để tạo điều kiện cho ngành giáo dục Hà Nội nói chung và Trường Trần Nhân Tông nói riêng có cơ sở pháp lý mà tiến hành các biện pháp giáo dục học sinh của mình. Rồi báo chí quan tâm ở mức độ cao, các ý kiến của phụ huynh, của thầy, cô về clip này được đăng tải liên tục và với số lượng lớn.

Thứ trưởng GD&ĐT Trần Quang Quý cũng tức thì ký Công văn yêu cầu các trường học trong cả nước lập báo cáo gửi về Bộ trước ngày 31/3/2009, về tình trạng bạo lực học đường. Vậy mà, câu chuyện đã có một cái kết không hề tương xứng, ít nhất cũng ở mấy băn khoăn về các mức án kỷ luật của Trường Trần Nhân Tông mà người viết bài này đã nêu ở trên. Sự nghiêm minh đòi hỏi trước hết ở sự công bằng, đặc biệt đối với lứa tuổi còn cắp sách đến trường. Mong Hội đồng kỷ luật Trường THPT Trần Nhân Tông đồng tình và suy xét lại. Mong lắm thay!

Vĩnh Thịnh
.
.