Ngừng bắn tại Syria: Khoảng trống trước xung đột?

Thứ Tư, 02/03/2016, 18:00
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 27-2, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận giao tranh giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập đã chấm dứt tại 34 thị trấn. Người dân tại một số điểm nóng như Alleppo, Hama... cũng thừa nhận tình hình yên tĩnh trở lại.

Cùng với tuyên bố của Moscow ngừng hoàn toàn các cuộc không kích để bảo đảm không không kích sai mục tiêu trong ngày đầu tiên lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Mỹ đã có những nỗ lực đầu tiên nhằm đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn tạm thời tại Syria được thực thi đầy đủ và nghiêm túc.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bài phát biểu tại thủ đô Washington, tất cả các bên cần phải chấm dứt các cuộc tấn công, không kích, giao tranh và cho phép các cơ quan cứu trợ phân phối hàng viện trợ tới các khu vực bị bao vây. 

Thỏa thuận ngừng bắn mới đi qua được hơn 3 ngày, song liệu nó có kéo dài được 2 tuần như thời hạn đã đặt ra không là một câu hỏi lớn. Sự phức tạp trên chính trường Syria, thiện chí thực sự của các bên liên quan vẫn đang khiến nhiều người không khỏi hoài nghi về tính thực thi thỏa thuận này. Ngay chính người dân Syria, đang khao khát hơn bao giờ hết một nền hòa bình cũng cảm nhận được sự mong manh của thỏa thuận ngừng bắn lần này...

Giới phân tích cho rằng, những lo ngại của người dân hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ trên thực tế, tại những vùng như Alleppo, vẫn có sự hiện diện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận al-Nusra và lực lượng đối lập ôn hòa, lệnh ngừng bắn không dễ gì được các bên tôn trọng. Bằng chứng là trong vòng 24 giờ, các đơn vị chức năng xác nhận lệnh ngừng bắn bị vi phạm 9 lần. Nhưng các vụ tấn công được ghi nhận không xảy ra trong khu vực ngừng bắn.

Giới phân tích cho rằng nếu chỉ nhìn nhận yếu tố chiến trường phức tạp tại Syria là rào cản lớn đối với việc thực thi lệnh ngừng bắn, sẽ là chưa đầy đủ. Một trong những nguyên nhân khác khiến lệnh ngừng bắn không được thực thi được trọn vẹn là sự “rối rắm” của thỏa thuận. Là bởi chính Mỹ và Nga, những nước “thiết kế” cuộc đàm phán hòa bình này, không thống nhất được thành phần phe đối lập tham gia đàm phán.

Lệnh ngừng bắn tại Syria bắt đầu có hiệu lực.

Nga và Iran, hai quốc gia ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vẫn bất đồng sâu sắc với Mỹ và Saudi Arabia cũng như các nước ủng hộ phe đối lập về việc nhóm đối lập nào ở Syria bị coi là khủng bố và không được phép tham gia tiến trình đám phán chuyển giao chính trị kéo dài 18 tháng. Một số nhóm nổi dậy bị Nga, Iran và Syria coi là khủng bố, nhưng lại được Mỹ và Saudi Arabia coi là các nhóm đối lập hợp pháp.

Trong khi đó, một số lực lượng đối lập lại tuyên bố sẽ không ủng hộ giải pháp hòa bình cho Syria nếu bị loại khỏi tiến trình đàm phán. Như trường hợp việc các đảng của người Kurd không được mời tham gia cuộc đàm phán tại Geneva là một trong những vấn đề gây tranh luận nhiều nhất giữa các phe phái tham chiến ở Syria, cũng như các nước ủng hộ đứng đằng sau các phe phái này. 

Một chiến trường đầy phức tạp với sự can dự của nhiều bên với các toan tính khác nhau đang là những trở ngại lớn trong việc thực thi một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Syria. Nếu nội bộ quốc gia, dân tộc không đoàn kết, không lắng nghe lẫn nhau, không san sẻ lợi ích cho nhau mà chỉ chăm chăm theo đuổi các lợi ích cá nhân, phe nhóm, đảng phái, sắc tộc thì sớm muộn gì cũng sẽ bị bên ngoài “thổi” các mâu thuẫn nội bộ lên thành xung đột vũ trang đẫm máu.

Ngừng bắn để cùng tiến tới hòa bình hay chỉ là khoảng lặng trước những cuộc giao tranh mới ác liệt hơn? Câu trả lời sẽ có trên chiến trường trong những giờ tới.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.