Người Việt mua vàng trên đất Mỹ: "Tích cốc phòng cơ"

Thứ Sáu, 04/10/2013, 07:10

Trước năm 1975, nhiều người Việt ở miền Nam - nhất là phụ nữ thường hay có thói quen mua vàng để dành rồi khi hữu sự, đem ra chi xài.
Sang đến Mỹ, họ vẫn giữ thói quen này và có người "để dành" được cả nghìn lượng…

1. Thật ra, khi gặp các bà các cô trong những tiệm vàng ở thương xá Phước Lộc Thọ, thuộc thành phố Westminster, quận Cam (Orange County), bang California, Mỹ và khi chúng tôi hỏi, thì chẳng bà nào nói là mình đi mua vàng bởi lẽ ở đất Mỹ này, do biết thói quen của một số người Việt là hay tích trữ vàng bạc, coi như của để dành thì một số băng đảng - cũng là dân Việt mình cả thôi, đột nhập vào nhà, giết người, cướp tài sản.

Bà Jenny Kim, chủ một tiệm vàng ở đây, tiết lộ: "Khách hàng của tôi chủ yếu là những phụ nữ người Việt, phần lớn đều trên 50 tuổi. Thường thì họ mua 1 "ao" (ounce) nhưng cũng có người mua 2, 3 "ao". Có người tháng nào cũng mua và cũng có người vài ba tháng mới mua một lần".

Thương xá Phước Lộc Thọ là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất ở Westminster nhưng thật ra, tên chính thức của nó là Asian Garden Mall, xây theo phong cách Á Đông, phía trước có cổng tam quan vươn cao lên trên với mái ngói âm dương màu xanh lục. Dưới cổng tam quan là tượng 3 ông Phước, Lộc, Thọ bằng đá hoa cương trắng nên người ta thường gọi là thương xá Phước Lộc Thọ. Trong thương xá này, hàng hóa phục vụ cho người Việt không thiếu thứ gì, từ ăn uống đến hàng tiêu dùng cùng hàng chục tiệm bán vàng, kim cương.

Ông Định là chủ một tiệm vàng, cho biết: "Nếu như ở Việt Nam, người mua vàng thường mua từng chỉ hoặc từng cây thì ở Mỹ, họ mua theo "ao". Một "ao" vàng nặng 31,103gr còn một "cây" nặng 37,50gr. Và mặc dù ở thương xá Phước Lộc Thọ vẫn có người sản xuất vàng "cây", nhưng bán không chạy lắm".

Cổng vào thương xá Phước Lộc Thọ.

Lúc ông Định đang trò chuyện cùng chúng tôi thì một phụ nữ người Việt đã đứng tuổi, bước vào. Hình như là khách quen vì thấy ông Định chào hỏi rất đon đả. Sau khi nhận một "ao" vàng rồi thanh toán tiền, bà nhét kỹ nó vào trong chiếc túi xách. Chúng tôi lân la làm quen: "Chị sang Mỹ lâu chưa?". Bà ta liếc nhìn và có vẻ e dè. Ông Định đỡ lời: "Bả là bạn thân với tôi mấy chục năm rồi đó".

Câu chuyện có vẻ cởi mở hơn. Theo lời người phụ nữ, thì bà tên Chín, 57 tuổi, quê ở Rạch Giá, Kiên Giang, được con cái bảo lãnh qua Mỹ hơn 10 năm. Bà Chín, nói: "Tiếng Mỹ một chữ bẻ đôi tui hổng biết, đi chợ thì chỉ ra đây thôi". Mấy năm đầu, bà ở nhà trông  hai đứa cháu cho vợ chồng con trai đi làm. Tới hồi cả hai đứa đến tuổi đi học, từ sáng tới chiều trong nhà chỉ còn mình bà: "Rảnh rỗi, không biết làm gì, tui quét lá, tưới cây, dọn vườn cho mấy gia đình người Mỹ hàng xóm. Một tháng kiếm cũng được vài trăm "đô". Cứ vài tháng, bà lại đến tiệm vàng ông Định mua 1 "ao". Bà nói tiếp: "Bữa nay 1 "ao" là 1.320 đô" chứ mấy tháng trước, nó lên tới gần 1.600".

Tôi hỏi: "Vậy chắc chị để dành cũng được kha khá rồi nhỉ?". Bà Chín cười: "Có bao nhiêu đâu. Mua để đó, phòng lúc con cái làm ăn cơ nhỡ thì có mà giúp chúng nó. Hơn nữa, tui cũng còn họ hàng ở Việt Nam. Mỗi năm đến dịp giỗ, tết, tui gởi về, góp phần". Nhưng theo ông Định, từ khi bà bắt đầu mua vàng ở tiệm ông tới giờ, ông ước tính cũng phải đến 60 - 70 "ao".

2. Bà Chín chỉ là một trong số hàng nghìn phụ nữ người Việt mua vàng để dành trên đất Mỹ. Hầu hết việc mua bán của họ rất kín đáo vì như tôi đã nói ở trên, một phần là vì họ không muốn ai biết họ có "của để dành" - ngay cả con cái họ cũng giấu, phần nữa là họ sợ bị cướp. Ở Westminster, đã từng xảy ra nhiều vụ cướp đột nhập vào nhà, sát hại gia chủ để tìm vàng. Khác hẳn với người Mỹ, hầu hết mọi sự chi tiêu đều thông qua thẻ tín dụng thì những người Việt lớn tuổi - nhất là những người trình độ học vấn thấp, lại ưa xài tiền mặt và hễ có dư là họ… mua vàng!

Bà Thành, 60 tuổi, nhà ở đường Brookhurst, cho biết: "Máy rút tiền toàn tiếng Mỹ, biết đường nào mà lần". Theo lời bà, thì hơn 30 năm trên đất Mỹ, chồng chết, bà làm đủ thứ nghề, từ lau chùi nhà vệ sinh đến dọn rác trong siêu thị rồi hễ dư được đồng nào là bà mua vàng để dành đồng đó. Và vì mua "để dành" nên bà không quan tâm giá vàng hôm nay lên hay xuống. Căn nhà bà đang ở cũng từ vàng mà ra. Ba đứa con bà, cứ đứa nào vào đại học là bà mua cho một chiếc xe hơi, trả hết một lần chứ không trả góp.

Bà nói: "Có lẽ tôi chịu ảnh hưởng từ má tôi. Hồi đó nhà tôi ở Tịnh Biên, An Giang, cứ xong mùa lúa là má tôi lại mua vàng. Tới hồi qua Mỹ, tôi toàn đi làm chui, lãnh tiền mặt nên đâu dám gửi ngân hàng vì nếu biết, họ cắt trợ cấp. Vậy là tôi mua vàng!".

Do sợ cướp, nên người Việt ở Mỹ có 1.001 cách giấu vàng, chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Có người bỏ vài ba "ao" vào hũ muối, để khơi khơi ở nhà bếp. Có người nhét trong chậu cây cảnh, dưới tấm nệm giường. Ông Định kể tôi nghe câu chuyện cười ra nước mắt: Một khách hàng của ông là bà Dung, nhà ở  Bolsa, giấu 20 "ao" vàng bằng cách nhét nó vào giữa khúc pate gan rồi cất trong tủ lạnh. Một bữa, con dâu bà mở tủ, thấy khúc pate nằm đó cả tháng trời nên lấy ra quăng vô thùng rác vì sợ con ăn vào trúng độc. Tới hồi bà Dung phát hiện mất khúc pate, rồi khi biết con dâu bà đã vứt bỏ, bà gào lên như người sắp chết. Lúc ấy, cả nhà mới biết trong pate có vàng!

Ông Định kể: "Bà Dung hỏi han nhiều người, rằng rác sau khi thu gom thì đổ ở đâu? Lúc biết được địa điểm đổ rác, suốt 1 tuần lễ, ngày nào bà cũng bắt con bà lái xe chở đến bãi rác với hy vọng tìm lại được khúc pate mặc dù con bà đã hết lời giải thích, rằng trước khi đưa ra bãi chôn lấp, rác đã được phân loại để tái chế. Nghe con nói vậy, bà điên tiết lên: "Tổ cha mày! Tái chế thì tái chế nhôm, nhựa, giấy, chứ pate thì tái cái gì. Chẳng lẽ nó hầm lại, bán cho mày ăn?".

Một phụ nữ sau khi mua vàng để dành ở thương xá Phước Lộc Thọ.

Một chuyện nữa: Vợ chồng ông Thạch, đều xấp xỉ 70 tuổi, sau nhiều chục năm tích cóp, ông bà mua được hơn 100 "ao" vàng. Sợ bị cướp, ông bọc trong túi nylon, dán băng keo rất cẩn thận rồi giấu trong bộ khung gầm của chiếc xe hơi hiệu Ford cũ kỹ, sản xuất năm 1980. Chiếc xe mà ông sắm được khi mới qua Mỹ.

Năm 2010, lúc ông bà về Việt Nam thăm thân nhân thì ở Mỹ, thằng con trai lớn - là kỹ sư ở Thung lũng Silicon - muốn dành cho cha mẹ một sự ngạc nhiên, nó kêu gara tới bán chiếc Ford với giá 300 "đô" rồi mua lại cho ông bà một chiếc Camry 3.0 mới cứng. Tới chừng trở về Mỹ, ông bà Thạch điếng người khi không còn nhìn thấy chiếc xe Ford trong nhà để xe. Lúc biết con trai đã bán chiếc xe với giá bèo, ông gào lên: "Con giết ba rồi. Con có biết trong xe ba giấu 112 "ao" vàng không". Thằng con mặt tái xanh: "Sao ba không nói trước".

Ngay lập tức, ông Thạch bắt con trai đưa ông tới gara, xin chuộc lại. Tay chủ gara người Mexico rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ông Thạch đề nghị chuộc lại xe với giá 600 "đô". Và mặc dù ông Thạch đã giải thích, rằng "đây là chiếc xe kỷ niệm hồi vợ chồng mới cưới nhau, con ông không biết nên bán" nhưng với sự bén nhạy của một tay làm ăn, chủ gara đoán rằng trong xe có thể "có cái gì đó" đáng giá. Thế là hắn ta đặt điều kiện: "Xe này đã có người hỏi mua để bổ sung vào bộ sưu tập xe cổ. Họ trả tôi 1.500 "đô rồi". Bây giờ muốn chuộc, ông phải trả 1.800 "đô" để tôi bồi thường cho họ".

Đau như cắt nhưng ông Thạch vẫn phải bấm bụng móc ra 1.800 "đô" bởi lẽ thà mất 1.800, còn hơn là mất hơn 150 nghìn "đô" (tính theo giá vàng thời điểm bấy giờ).

3. Mua vàng để dành, nhưng không phải ai cũng kiếm được đủ tiền mua 1 "ao" rồi mới mua, mà nhiều người khi thấy có thể mua được 1 chỉ, là họ mua ngay, theo kiểu góp gió thành bão. Vì vậy, tất cả các tiệm vàng ở thương xá Phước Lộc Thọ đều mua bán bằng tiền mặt. Từ đó suy ra những người mua vàng là những người làm việc và lĩnh lương bằng tiền mặt.

Bà Phụng, 60 tuổi, làm nghề giữ trẻ cho mấy nhà hàng xóm, cứ hễ đủ tiền mua 1 chỉ là bà đón xe buýt xuống thương xá Phước Lộc Thọ, mua liền. Khác với mọi người, bà không giấu vàng mà bà may một cái túi nhỏ, cho vào trong rồi ngày cũng như đêm, bà đeo lủng lẳng trước bụng. Bà nói: "Mỗi khi cần chi xài cái gì đó, tôi lấy 1 "khoẻn" ra bán...".

Ông Dũng, nhà ở Pendleton, cách Westminster 50 dặm về phía nam thì trong bóp lúc nào cũng có 1 đồng "ao" vàng. Theo lời ông, đồng "ao" này hiện có giá khoảng 1.700 USD. Khi cần, ông có thể bán cho bất kỳ tiệm vàng nào, tiệm Việt cũng như tiệm Mỹ. Ông triết lý: "Nhà cháy, tiền cũng cháy nhưng vàng thì không. Bươi ra vẫn thấy vàng chảy thành cục".

Ông bà Long, đều đã trên 60 tuổi, qua Mỹ 27 năm thì vẫn luôn mong mỏi những năm tháng cuối đời, sẽ về sống luôn tại quê nhà ở Gò Vấp, Tp HCM. Để thực hiện ước mơ này, ông bà mua vàng. Bà Long cười nói: "Vợ chồng tui đã gởi về cho đứa cháu 50 cây, nhờ nó đặt cọc mua miếng đất trước. Tết năm nay, tụi tui sẽ về rồi tính chuyện cất nhà. Mấy đứa con nói nếu thiếu bao nhiêu, tụi nó cho".

Không chỉ mua vàng làm của để dành, nhiều người còn coi việc mua vàng là một cách đầu tư theo kiểu "lướt sóng". Ông Lâm, có cửa hàng buôn bán quần áo trong thương xá Phước Lộc Thọ, nói rằng: "Hàng ngày, tôi vẫn điện thoại cho một tiệm vàng quen để theo dõi giá. Nếu thấy xuống, tôi đặt mua 10 "ao" hoặc 20 "ao" rồi khi giá lên, tôi bán lại, kiếm lời".

Lướt sóng theo kiểu cò con nên số lời mà ông Lâm kiếm được cũng không nhiều, chỉ 200 hoặc 300 USD cho mỗi lần mua bán. Hỏi ông thanh toán bằng cách nào? Ông đáp: "Tôi đặt cọc trước cho tiệm vàng 2.000 USD. Mua xong, tôi kêu vợ tôi qua, nếu thiếu thì bù thêm nhưng tôi không mang vàng về mà để nguyên ở tiệm".

Cho tới nay, chưa ai thống kê được số vàng mà người Việt mua làm của để dành ở quận Cam là bao nhiêu, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi với những tiệm bán vàng ở thương xá Phước Lộc Thọ, thì có lẽ không dưới vài chục nghìn "ao". Ông Long cho biết: "Hầu hết người Việt lớn tuổi ở Mỹ thường rất ngại nếu người ta biết mình có nhiều tiền mặt vì nó liên quan đến trợ cấp tuổi già, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Thế nên, mua vàng để dành là chuyện hiển nhiên".

Ông Định, chủ tiệm vàng mà chúng tôi đề cập ở trên, tiết lộ rằng một khách hàng của ông, trong suốt 3 năm đã mua gần 1 nghìn "ao" để dành: "Ổng rất hay về Việt Nam làm từ thiện. Bữa nào ổng tới, tôi phôn cho các anh ra gặp ổng hỏi chuyện".

Thế mới biết, dù sống trên đất Mỹ nhưng bản tính cần cù, chịu khó và tiết kiệm của đa số người Việt vẫn không thay đổi. Bà Thạch, cười để lộ hàm răng đã rụng hết mấy chiếc: "Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn. Ở Việt Nam, túng đói còn đi xin, đi vay mượn được chứ bên đây ai làm nấy ăn. Ngay cả con cái lúc thấy mình già, nhiều đứa còn đẩy cha mẹ vào nhà dưỡng lão cho rảnh nợ. Khi đó không có chút vàng phòng thân thì chắc chết…"

Quyên Ca - Vũ Cao
.
.